Vì sao Nhật Bản có các công ty lâu đời nhất thế giới?

Đăng ngày 31/10/2014 bởi iSenpai

Theo Sách kỷ lục Guiness, khách sạn lâu đời nhất thế giới không nằm ở Paris, London hay Rome, mà là Nisiyama Onsen Keiunkan tại Yamanashi (Nhật Bản), hoạt động từ năm 705.

1

Xưởng rèn của một công ty sản xuất đồ cho Sony, hoạt động từ thời Heian (794-1185). Ảnh: AFP

Khách sạn cao tuổi thứ nhì cũng nằm tại đây. Đó là Hoshi Ryokan, thành lập năm 718.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều công ty lâu đời nhất thế giới đang có mặt tại Nhật Bản. Sudo Honke là hãng ủ rượu sake có “tuổi đời” cao nhất thế giới, được thành lập năm 1141. Trước khi sáp nhập vào một công ty con năm 2006, công ty gia đình lâu đời nhất thế giới – Kongo Gumi đã hoạt động suốt 14 thế kỷ qua.

Danh sách này còn có nhiều cái tên khác, như Yamanashi Prefecture, chuyên sản xuất đồ bày bàn thờ Phật giáo trong gia đình và quần áo nhà sư, thành lập năm 1024. Ichimojiya Wasuke bắt đầu sản xuất kẹo từ năm 1000. Nakamura Shaji – công ty xây dựng đền Phật giáo và đền thờ Shinto ra đời năm 970. Còn Tanaka Iga sản xuất hàng hóa cho nhà Phật từ năm 885.

Slate nhận xét hiển nhiên, không có gì lạ khi một nền kinh tế có bề dày lịch sử như Nhật Bản sở hữu những công ty lâu đời. Rất nhiều trong số này do người bản địa lập nên và thuộc sở hữu gia đình, như các hãng ủ rượu sake hay nhà trọ (orryokan) đều được thành lập từ thế kỷ thứ 8 để phục vụ các thương nhân trên lộ trình từ Tokyo tới Kyoto.

Thậm chí, trước khi trở thành quốc gia phương Đông, không theo Thiên chúa giáo đầu tiên thực hiện công nghiệp hóa vào những năm 1870, Nhật Bản đã là nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh. Theo ông Hugh Patrick – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tại trường Kinh doanh Columbia, Nhật Bản có “dân số đô thị khá phức tạp”. Tầng lớp trung lưu thành thị này là lực lượng khách hàng hùng hậu của nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều này mới chỉ giải thích vì sao các công ty này được thành lập từ rất sớm, chứ chưa lý giải được sự tồn tại nhiều thế kỷ của họ. Theo ông David Weinstein – giáo sư ngành kinh tế Nhật Bản tại Đại học Columbia, hoạt động truyền đời cho thế hệ sau là một trong những yếu tố giúp các công ty này trường thọ. Con trưởng là người thừa kế tất cả tài sản của gia tộc, nên các công ty Nhật đều được truyền lại cho một thành viên trong gia đình.

Dù sang thế kỷ 20, chế độ cha truyền con nối cho con trưởng phai nhạt dần, nhưng chủ các công ty vẫn thường chỉ để lại tài sản cho một người thừa kế. Ngoài con ruột, người đứng đầu gia nghiệp có thể nhận nuôi hợp pháp một người phù hợp để điều hành và truyền lại công ty. Những người được nhận nuôi đôi khi kết hôn với con gái của chủ gia tộc.

Năm 2011, hơn 90% trong số 81.000 người được nhận làm con nuôi tại Nhật Bản là ở tuổi trưởng thành. Theo các nghiên cứu, các công ty được điều hành bởi “con nuôi” hoạt động tốt hơn những công ty do người thừa kế “xịn” quản lý. Bên cạnh đó, các công ty gia đình cũng kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp bình thường.

Việc thu nạp thêm nhiều thành viên mới giúp các công ty lâu đời tại Nhật tiếp tục phát triển. Hầu hết những công ty cao tuổi nhất nước này là doanh nghiệp gia đình. Sumitomo và Mitsui – hai công ty đã hoạt động được nhiều thế kỷ đã sáp nhập trở thành SMBC, ngân hàng lớn thứ hai tại Nhật. Nổi tiếng nhất là Nintendo, từ một công ty sản xuất bài thành lập vào những năm 1800, nay đã là hãng game biểu tượng của Nhật Bản.

Ông Hugh Whittaker tại viện nghiên cứu Nhật Bản Nissan, thuộc Đại học Oxford cho biết những công ty này thể hiện sự cân bằng giữa việc duy trì và cải tiến – phương pháp họ đã lựa chọn suốt nhiều thế kỷ qua. “Tại Nhật, logic của việc kinh doanh là cam kết chứ không phải lựa chọn”, Whittaker cho biết. Nói cách khác, văn hóa kinh doanh tại Nhật không bị ám ảnh bởi những gì có trong báo cáo tài chính mỗi quý mà là sự kiên trì nỗ lực để trường tồn cùng với tên gọi của mình.

Nguồn Vnexpress

Trả lời