iSenpai xin phép giới thiệu lại bài chia sẻ của thiền sư Daiko Matsuyama ở TEDxKyoto năm 2014. TEDx là một phiên bản của TED Talk – nơi các diễn giả chia sẻ lại những suy nghĩ, ý tưởng, kiến thức về nhiều lĩnh vực học thuật, kinh doanh, công nghệ,… Chương trình rất bổ ích với những người ham học hỏi và cũng là một công cụ luyện ngôn ngữ rất hiệu quả.
Trong bài nói diễn giả đã nêu ra những góc nhìn thú vị về Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Nhật Bản. Một trong những đặc trưng của Phật giáo hay Tôn giáo ở Nhật là sự khoan dung với các tôn giáo khác – một người có thể đồng thời theo nhiều tôn giáo và các nghi lễ của các tôn giáo khác nhau không có sự tách biệt rành mạch, đây là khác biệt rất lớn đối với Tôn giáo nguyên thủy ở các quốc gia khác. Theo diễn giả thì đây là sự biến đổi tất yếu khi một Tôn giáo được truyền thụ vào một quốc gia có lịch sử và văn hóa riêng biệt, Tôn giáo cũng sẽ biến đổi để phù hợp với quốc gia đó.
Diễn giả lấy ví dụ về nghiên cứu món cari Ấn Độ được du nhập sang Nhật khi mình còn là một nghiên cứu sinh ngành nông nghiệp. Món cari Nhật Bản thường được coi là không phải cari chân chính vị Ấn Độ dù cách chế biến thì tương đồng với nhau. Nhóm thí nghiệm đã thiết kế hai căn phòng có điều kiện khí hậu của một căn giống với mùa hè Ấn Độ còn một căn giống với mùa hè Nhật Bản và mời sinh viên từ nhiều quốc gia khác nhau tới ăn thử cari Ấn Độ và cari Nhật Bản. Kết quả là khi ăn ở căn phòng Ấn Độ thì người ta thấy cari Ấn ngon hơn và khi ăn ở căn phòng Nhật Bản thì cari Nhật ngon hơn. Điều đó cho thấy khí hậu, địa lý, tự nhiên của một quốc gia sẽ quyết định tới văn hóa, lối sống ở quốc gia đó và việc biến đổi một hình thái Tôn giáo để phù hợp là lẽ tư nhiên.
Ngoài ra, diễn giả cũng lấy ví dụ về một kệnh Radio của Nhật, nơi thính giả sẽ gửi về những mối băn khoăn trong cuộc sống và sẽ được ba tăng lữ từ 3 tôn giáo khác nhau đưa ra góc nhìn từ tôn giáo của họ. Thính giả cảm thấy rằng vấn đề của họ có thể được giải quyết theo nhiều cách khác nhau và sẽ cảm thấy an tâm hơn về cuộc sống của mình.
Sự hòa hợp tôn giáo kiểu Nhật cũng được diễn giả đưa ra qua ví dụ về cuộc thi chạy tiếp sức Ekiden truyền thống ở Kyoto nơi mà có một đội thi được kết hợp từ tăng lữ từ nhiều tôn giáo khác nhau. Dù bất kể chúng ta đặt niềm tin vào tôn giáo nào đi chăng nữa thì chúng ta có thể sống hòa thuận và tôn trọng với những người khác biệt với mình và ý nghĩa đích thực của tôn giáo là giúp cho cuộc sống của con người có ý nghĩa, có thể xoa dịu nỗi đau và biết ơn những điều xung quanh.