iSenpai xin phép giới thiệu lại bài chia sẻ của doanh nhân Yoshie Komuro ở TEDxTokyo năm 2012. TEDx là một phiên bản của TED Talk – nơi các diễn giả chia sẻ lại những suy nghĩ, ý tưởng, kiến thức về nhiều lĩnh vực học thuật, kinh doanh, công nghệ,… Chương trình rất bổ ích với những người ham học hỏi và cũng là một công cụ luyện ngôn ngữ rất hiệu quả.
Mở đầu bài viết, diễn giả đã đưa ra câu hỏi rằng vì sao mà tỷ lệ sinh ở Nhật giảm và phụ nữ Nhật ngày càng ít muốn có con. Diễn giả đưa ra ví dụ từ trải nghiệm thực tế về quãng thời gian khó khăn của mình khi sinh con trai đầu lòng mà thiếu sự giúp đỡ của ông bà trong khi chồng vẫn đang phải làm việc tới 2 giờ sáng mỗi ngày. Cô cho rằng việc nam giới phải làm thêm giờ quá nhiều chính là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ sinh ở Nhật Bản giảm đáng kể khi mà phụ nữ sẽ cảm thấy việc nuôi con thiếu vắng sự hỗ trợ từ chồng là quá khó khăn. Và sau khi chồng mình đã thay đổi lịch làm việc để có thể dành nhiều thời gian làm việc nhà cùng vợ hơn thì diễn giả đã quyết định mang thai đứa con thứ hai.
Tuy nhiên tỷ lệ sinh giảm không phải là mối lo duy nhất của một nước Nhật hiện đại đang tích tụ rất nhiều vấn đề xã hội như trầm cảm, tài chính bất ổn, gánh nặng phúc lợi xã hội,… Và theo diễn giả thì không cần dùng tới ngân sách công thì các vấn đề này có thể đồng thời được giải quyết khi một trong những nguyên nhân cốt lõi của chúng là chế độ làm việc quá giờ được giảm thiểu.
Với kinh nghiệm làm tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về phương thức quản lý, diễn giả cho biết rất nhiều doanh nghiệp có doanh thu không hề giảm dù đã cắt bỏ chế độ làm thêm giờ. Nguyên nhân là vì việc làm thêm giờ không mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Nhật Bản là nước có tỷ lệ làm thêm giờ cao nhất trong những nước phát triển nhưng hiệu suất lao động lại thấp nhất. Theo diễn giả thì việc thiếu đi những trải nghiệm sinh hoạt cá nhân cần thiết cũng như sức tập trung giảm của ngừoi lao động do làm thêm giờ quá nhiều đã làm ảnh hưởng tới sức sáng tạo của người lao động. Ngoài ra những cuộc họp không hiệu quả sẽ lặp đi lặp lại khi mà sức sáng tạo của người lao động đã suy giảm và thời gian làm việc lại phải tăng lên. Vòng quay đó sẽ khiến cho năng suất làm việc của người Nhật bị giảm và ảnh hưởng cả tới cuộc sống cá nhân và gia đình.
Mặc dù có nhiều lo ngại rằng việc cắt bỏ chế độ làm thêm giờ sẽ giảm năng suất kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng diễn giả cho rằng kết quả sẽ là ngược lại qua việc so sánh 2 doanh nghiệp với doanh nghiệp A duy trì chế độ làm thêm giờ còn doanh nghiệp B thì cắt bỏ. Kết quả là nhân viên ở doanh nghiệp A giảm sức sáng tạo. dễ trầm cảm hơn, khó hấp dẫn các nhân viên ưu tú và chi phí làm cho việc làm thêm giờ vượt quá lợi nhuận từ thời gian làm thêm của nhân viên. Diễn giả lấy ví dụ ở công ty tư vấn của mình thì những nhân viên có thành tích kinh doanh tốt nhất là những phụ nữ có thời gian làm việc ngắn. Theo cô thì thời gian làm việc và thành tích trong công việc là 2 yếu tố không liên quan đến nhau khi sự tập trung khi làm việc mới là yếu tố quyết định kết quả làm việc. Chế độ làm việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc dựa sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều nhân tài hơn, luôn có nguồn nhân lực bổ sung khi nhân viên nghỉ trong thời gian ngắn vì lý do sinh con hay chăm sóc cha mẹ và sẽ tạo được 1 hệ thống kinh doanh ổn định hơn.
Khi loại bỏ chế đố làm việc thêm giờ thì người Nhật sẽ có thể dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc con cái và bố mẹ mình, qua đó làm giảm gánh nặng của các danh mục phúc lợi xã hội mà chính phủ đang phải nhận và như thế cũng sẽ làm giảm đi gánh nặng thuế lên từng cá nhân trong tương lai. Sức khoẻ tinh thần và thể chất của toàn dân cũng được nâng cao trong khi hiệu quả kinh doanh không hề giảm đi. Vì thế theo diễn giả thì việc cắt bỏ chế độ làm quá giờ sẽ giúp Nhật Bản giải quyết đồng thời rất nhiều vấn đề xã hội mà không cần dùng đến ngân sách công.