Chia sẻ kinh nghiệm phân bổ thời gian học thi EJU

Đăng ngày 21/07/2020 bởi iSenpai

Hôm nay, mình xin được chia sẻ kinh nghiệm phân bổ thời gian học thi EJU của bản thân nhé. Mình sang Nhật vào tháng 4/2015, dự thi kì EJU tháng 11 năm 2015, nhập học đại học tháng 4/2016.

——————-
1. Thời gian học: từ tháng 4 – tháng 11/2015 (7 tháng)
2. Trình độ bản thân tại thời điểm bắt đầu: JLPT N1, EJU 576~586 (thi tại Việt Nam, sau đó mình thi lại ở Nhật được điểm cao hơn nên không còn giữ tờ điểm cũ nữa, chỉ nhớ được khoảng 576 điểm)
3. Khối thi: Xã hội (Tiếng Nhật, Toán 1, Xã hội tổng hợp)
4. Kết quả sau 7 tháng: EJU 736/800 điểm
——————-

Tại thời điểm sang Nhật, mình chỉ có 7 tháng để ôn thi EJU và chỉ có 1 lần thi duy nhất vào tháng 11 (đợt tháng 6 mình không kịp nộp đơn). Mình cũng chỉ dự định học 1 năm trường tiếng rồi sẽ vào đại học luôn nên lần thi EJU tháng 11 là cơ hội quyết định để xác định tương lai 4 năm sau đó của mình. Chính vì thế, mình đã đặt lịch học ôn khá nghiêm ngặt cho bản thân theo cách thức “TỪ LỚN ĐẾN NHỎ”, chia “MỤC TIÊU → THỜI GIAN”.

(LỚN) Chia 7 tháng thành 3 giai đoạn:
+ 4 tháng đầu: học kiến thức + làm đề thi kakomon lần 1
+ 2 tháng sau: làm đề thi kakomon lần 2 + học kiến thức mở rộng
+ 1 tháng cuối: làm đề kakomon lần 3 + làm đề kì thi センター試験 (dành cho các bạn học sinh cấp 3 của Nhật) + học kiến thức mở rộng của センター試験

Lý do: Mình chia 4-2-1 vì thời gian 4 tháng đầu tiên rất cần thiết để mình học kiến thức căn bản một cách hệ thống thông qua các giờ học trên lớp, sách giáo khoa. Trong 4 tháng đầu, mình không tập trung giải đề nhanh, mà tập trung tìm ra các lỗ hổng trong kiến thức của bản thân (phần này xin được nói rõ hơn ở 1 bài viết khác) và tìm cách lấp nó. Trong 2 tháng tiếp theo, mình làm lại đề EJU, tìm ra các phần bản thân chưa nhớ kĩ để ôn tập lại, và tự tìm hiểu thêm các kiến thức liên quan. Tháng cuối cùng là tháng nước rút, mình làm đề với mục đích ôn tập lại kiến thức một lần nữa. Ngoài ra, mình có làm thêm một vài đề của センター試験 để tìm thêm kiến thức/ dạng bài mới (phần này được coi là phần nâng cao, nếu bạn không có thời gian có thể bỏ qua)

(TRUNG BÌNH) Chia nhỏ 3 giai đoạn theo mục tiêu đề ra:
Ví dụ:
Mình đặt mục tiêu 4 tháng đầu học kiến thức và làm đề thi kakomon lần 1. Vậy trong 4 tháng, tức là khoảng 17 tuần, mình phải chia lịch làm sao để bản thân đạt được tất cả các mục tiêu trên. Do số lượng sách đề thi kakomon có khoảng 30 quyển, một tuần mình cần làm được trọn vẹn 2 quyển + học kiến thức.

Lưu ý: Khi nói làm trọn vẹn đề thi, ý mình là ngồi làm đề, tìm ra các lỗi sai, kiến thức bản thân chưa biết rồi tra cứu, tổng hợp lại.
Khi nói học kiến thức, ý mình là học các kiến thức trong sách, tài liệu được thầy cô phát trên trường theo phần nhất định.

(NHỎ) Chia nhỏ 1 tuần:

Tiếp từ ví dụ trên, với mục tiêu 1 tuần làm được 2 đề thi + học kiến thức, mình phải chia thời gian học từng ngày trong tuần để có thể đạt được nó.

Để chỉ làm 2 đề thi/ tuần, chúng ta cần khoảng 5.5 tiếng * 2 = 11 tiếng. Mình không làm đề thi viết luận ở lần làm đề 1 nên đỡ tốn được một khoảng thời gian (tuy nhiên mình có tính du di thêm thời gian chuẩn bị giấy làm bài, mở file nghe, so đáp án)
Để tra kiến thức từ các lỗi sai trong đề, tổng hợp v.v.., mình tự cho bản thân 4.5 tiếng/ đề * 2 = 9 tiếng ( 4 tiếng = 2 tiếng cho Xã hội tổng hợp + 1.5 tiếng cho Toán + 1 tiếng cho tiếng Nhật) (Tùy trình độ mỗi người mà khoảng thời gian này sẽ khác. Thời điểm đó tiếng Nhật của mình khá ổn rồi nên mình ít dành thời gian cho nó)
Để học kiến thức từ sách giáo khoa, tài liệu của thầy cô cần khoảng 6 tiếng (3 tiếng cho Xã hội tổng hợp, 3 tiếng cho Toán)
Tổng mình cần 11 + 9 + 6 = 26 tiếng + 6~7 tiếng (não đơ, năng suất học tập giảm, nghỉ giữa giờ)
→ Cần khoảng 32~33 tiếng/ tuần để học (đây là thời gian ước lượng, tùy theo năng suất học tập của từng người, từng thời điểm khác nhau mà con số này có thể tăng hoặc giảm. Thực tế, có những tuần mình muốn đi chơi nên đã học ít hơn, và sau đó phải học bù vào tuần tiếp theo >,,< )

Từ đó, mình chia nhỏ tiếp xem mỗi ngày trong tuần cần học bao nhiêu thời gian cho đủ số giờ như trên.
Ví dụ thứ 2 mình được tan sớm và không có lịch làm thêm, mình sẽ có 6 tiếng để học (trong đó có 1 tiếng nghỉ giải lao). Mình sẽ chia ra làm và chữa đề thi EJU tiếng Nhật năm 2002 (chẳng hạn) trong 2 tiếng 30 phút → nghỉ 30 phút → học phần Toán trong 1 tiếng 30 phút → nghỉ 30 phút →học tiếp Toán trong 1 tiếng. Thứ 7 và chủ nhật mình chỉ đăng ký làm thêm một ngày, để dành một ngày học ôn nên trong 1 ngày đó, mình có thể có khoảng 10 tiếng để học (+ 2 tiếng nghỉ giải lao). Như thế, mình sẽ xếp lịch học tập sao cho thực hiện đủ mục tiêu bản thân đề ra.

Thêm 1 điều nữa, mình không phân bổ thời gian học tập theo kiểu hôm nay học 5 tiếng, ngày mai học 4 tiếng v.v.. Mình sẽ phân bổ thời gian: hôm nay học phần A trong vòng 5 tiếng, ngày mai học phần B trong 4 tiếng, ngày kia học phần C trong 6 tiếng v.v… Tức là, nếu trước khi hết 5 tiếng mình đã học xong nội dung phần A cần học, thì mình sẽ dừng lại và đi chơi, hoặc ra siêu thị mua đồ ăn tự thưởng cho bản thân. Nếu trong vòng 5 tiếng, mình chưa thể hoàn thành phần A, mình sẽ học cho xong, hoặc đợi khi đi làm thêm về thì học nốt sao cho mục tiêu của 1 ngày luôn được hoàn thành.

————————–
Ép bản thân vào kỉ luật như vậy tất nhiên sẽ khiến bản thân nhiều lúc mệt mỏi và khó chịu. Chính vì thế, mình luôn xếp cho bản thân 1 khoảng thời gian để xả stress. Những lúc nào học chán quá thì bỏ đấy đi thư giãn, và bản thân mình luôn nghĩ rằng: nếu mình học hết lượng kiến thức X trước thời gian quy định thì mình sẽ được sử dụng thời gian còn thừa để đi chơi.

————————–
Quay lại với câu chuyện còn 4 tháng nữa, chúng ta nên làm gì?
Nếu bạn mới bắt đầu học ôn EJU và kiến thức chưa vững, cộng với muốn thi đỗ luôn trường nào đó năm nay, bạn cân nhắc chia 4 tháng này thành 2.5 + 1.5 và thử áp dụng 2 bước đầu của mục LỚN (chỉ làm khoảng 20 đề EJU gần đây nhất) xem sao nhé. Nếu bạn đã vững rồi thì hãy chuẩn bị bước sang giai đoạn làm đề và học kiến thức mở rộng thôi!

————————–
Bài viết dài quá, không biết mọi người có đủ kiên nhẫn đọc hết không nhưng trên đây là cách mình đã chia thời gian ra để học ôn thi. Mình không thích học nhiều và dàn trải mà thích lên học hiệu quả hơn. Câu nói ưa thích của mình là “Don’t JUST study hard, study smart”. Chăm học cần thiết đấy, nhưng mà ngồi 5 tiếng đồng hồ học không có đích thì với mình rất mệt mỏi. Mong rằng kinh nghiệm này sẽ giúp ích được cho ai đó.

Theo Tobira – Mở ra cánh cổng đại học Nhật Bản

Trả lời