(Tiếp theo phần 1: Những thường thức khác biệt ở Nhật bạn nên biết: Hòm công đức trên xe buýt, những con người kỳ lạ, khách hàng là hoàng đế,…)
11. Nhà vệ sinh đa công dụng, bồn cầu đa chức năng
Không ít người nước ngoài ở Nhật đã được trải nghiệm một kinh nghiệm giống hệt nhau: sau khi đi vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng, họ tìm cách xả nước, nhưng sau khi nhìn kỹ bảng điều khiển bên cạnh toa lét với toàn tiếng Nhật, họ bấm đại một nút có vẻ giống xả nước…
…ngay lập tức họ nghe thấy tiếng máy chạy rè rè, từ trong bồn cầu một chiếc vòi nhỏ thò ra và phun nước tung tóe lên người họ.
Đây không phải là một trò nghịch ngợm tinh quái giống những trò của người Nhật mà bạn thường hay thấy trên Youtube, mà là một chức năng của toa lét ở Nhật. Ngoài các tính năng tiện dụng, có thể sử dụng dễ dàng như: nắp bồn cầu tự động mở, bệ ngồi có chức năng sưởi ấm… thì nhiều bồn cầu trong toa lét ở Nhật còn có một bảng điều khiển trông rất hiện đại, với nhiều chức năng khác như: tăng giảm nhiệt độ bệ ngồi, phát ra âm thanh để át tiếng động phát ra từ người sử dụng, và phun nước rửa, điều chỉnh độ mạnh yếu hay vị trí phun của tia nước rửa.
Ngoài ra, ở Nhật còn có nhiều nhà vệ sinh đa chức năng, trong các nhà vệ sinh này gần bồn cầu hay bồn rửa có các thanh vịn để người tàn tật, người già dễ dàng sử dụng, hay có bàn thay tã cho trẻ em, hay một ghế ngồi nhỏ cho trẻ dưới 3 tuổi để chúng có thể ngồi trong khi bố mẹ đi vệ sinh. Một số còn có cả bồn cho người gội đầu.
Bạn có thể đọc thêm về những điều thú vị về nhà vệ sinh ở Nhật tại đây
12. Đi vệ sinh mọi lúc mọi nơi, thoải mái hơn ở nhà
Nếu như ở Việt Nam nhiều khi bạn đang đi chơi thì phải vội vã đi về để đi vệ sinh, hay tìm quán cà phê nào sang chảnh chút để đi nhờ vệ sinh – đi type 1 còn đỡ, type 2 thì ko thể đi nhờ những chỗ không đáng tin được, thì ở Nhật, bạn không bao giờ phải lo lắng vấn đề đó: Dù là type nào thì người Nhật cũng không cần phải về nhà hay đến trường hay vào công ty, mà nếu ở gần ga họ sẽ đến nhà vệ sinh trong ga, nếu gần các tòa nhà lớn họ sẽ tìm toa lét trong đó, còn nếu ở ngoài đường, họ sẽ tìm đến cửa hàng tiện lợi gần nhất. Bạn hoàn toàn có thể vào cửa hàng tiện lợi, vào thẳng nhà vệ sinh, và xong thì ra và đi thẳng ra cửa mà không cần ngại ngùng gì – người Nhật vẫn làm như vậy, và các cửa hàng tiện lợi cũng nhận thức được chức năng quan trọng của mình là nhà vệ sinh công cộng miễn phí và luôn hoan nghênh khách vào đi vệ sinh.
13. Siêu thị dù lớn đến mấy cũng không cần phân biệt cửa vào cửa ra
Nếu như ở Việt Nam, các siêu thị lớn như Big C,… thường có cửa vào, cửa ra riêng biệt; ở cửa ra còn có bảo vệ đứng kiểm tra hóa đơn và hàng hóa của khách, thì ở Nhật, cửa vào cửa ra có thể khác nhau, nhưng khách mua hàng có thể ra vào thoải mái tự do. Nhiều cửa hàng còn bày hàng hóa ở tít bên ngoài trong khi quầy thanh toán ở mãi bên trong, khách mua hàng tự bỏ hàng vào giỏ, vào trong xếp hàng thanh toán và thanh toán xong thì tự nhiên đi ra.
Các bạn có thể hỏi “Sao như vậy mà không bị mất trộm nhỉ”, thực ra theo phỏng đoán của tôi thì chắc họ cũng có bị mất trộm, nhưng nhờ các camera an ninh và sự nhiệt tình của cảnh sát, các tên trộm sẽ dễ dàng bị bắt, và xác suất ăn trộm thành công là quá nhỏ để những người bất lương có thể mạo hiểm. Dĩ nhiên là chắc hẳn sẽ có những nơi mà an ninh của cửa hàng không đối trọng lại được với sự ứng biến của kẻ trộm, nhưng những trường hợp như vậy chắc hẳn là rất hãn hữu, chủ cửa hàng sẽ nhờ cảnh sát giúp đỡ thay vì thắt chặt an ninh gây bất tiện cho khách hàng, chưa kể nếu giá trị mất mát lớn thì họ còn có thể được bảo hiểm chi trả một phần.
Ngoài ra ở rất nhiều siêu thị còn có máy thanh toán tự động: Thông thường các nhân viên quầy thanh toán sẽ đọc mã vạch, tính tổng tiền, nhận tiền của khách và trả tiền thừa lại, nhưng ở các siêu thị lớn để tránh trường hợp vào giờ cao điểm khách hàng xếp hàng quá đông, người ta có những máy thanh toán tự động, sau khi nhân viên quầy đọc mã vạch xong hết rồi khách hàng sẽ cầm giấy báo số tiền ra máy và tự trả tiền, tự nhận tiền thừa và hóa đơn, như vậy việc thanh toán sẽ diễn ra nhanh hơn. Rõ ràng là khách cũng có thể cầm giấy báo số tiền và hàng hóa đi thằng về nhà, chỉ có điều chắc hẳn là nếu làm vậy họ sẽ phải làm việc với cảnh sát sau đó.
14. Băng dính, túi nilon, mút xốp ẩm và đá lạnh ở siêu thị
Sau khi thanh toán tiền ở siêu thị xong, khi ra ngoài bạn sẽ thấy có những bàn người ta đặt để khách hàng bỏ đồ từ giỏ vài túi ni lông, tại đây có cuộn những túi nilon nhỏ, băng dính để khách dán mép túi, mút xốp hay khăn ẩm để khách làm ẩm tay để mở miệng túi nilon, và ở một số siêu thị còn có thùng đá vụn để khách giữ lạnh cho các món đồ tươi mình mua… tất cả đều được đặt ở đó để khách tùy ý sử dụng.
Ngoài ra ở một số siêu thị và quán ăn, đặc biệt là các quán sushi hay đồ ăn Ấn Độ – nơi mà nhiều thực khách ăn bằng cách bốc tay – người ta thường đặt một chai cồn sát khuẩn ở cửa ra vào, thậm chí là cả một bồn rửa tai và xà phòng, để khách có thể vệ sinh tay trước khi vào dùng bữa. Các cửa hàng, siêu thị hay các tòa nhà lớn vào những ngày mưa thường đặt một giá chứa túi bọc ô, để khách lấy bọc ô của mình lại và không làm ướt sàn khi đi trong các cửa hàng và mang ô theo mình.
Ngoài lề một chút, khi bạn tôi từ Singapore sang Nhật chơi và đi siêu thị cùng tôi, thấy chiếc khăn ẩm bèn hỏi, cái khăn đó để làm gì. Tôi nói, để mình sờ tay vào cho ẩm để mở miệng túi nilon. Bạn đó nói, ai cũng dùng thế chắc nó bẩn lắm nhỉ. Tôi hơi bất ngờ vì từ trước tới giờ vẫn dùng mà không nghĩ đến việc nó có thể bẩn hay không, vì khi tôi dùng thì nó luôn luôn sạch. Sau đó nghĩ lại tôi mới thấy, trái với “thường thức” ở nhiều nước khác, ở Nhật thứ gì mà mọi người cùng dùng thì nó lại càng sạch, bởi thứ đó là của ai thì càng nhiều người dùng người ta sẽ càng chăm chút cho thứ đó nhiều hơn, điển hình như nhà vệ sinh.
15. Menu nhà hàng luôn có bản 2D và 3D
Ở Nhật hầu như menu của tất cả các món ăn đều có ảnh đi kèm tên và giá của các món đó. Nhưng như thể người Nhật vẫn thấy như vậy là chưa đủ trực quan, họ còn làm các mô hình đồ ăn bằng nhựa và trưng bày ở bên ngoài quán, để khách có thể nhìn trực quan hơn trong món ăn có những thứ gì, chẳng hạn như bao nhiêu tôm, bao nhiêu thịt, có những loại rau gì, … và những mô hình này luôn được chế tác rất cẩn thận và công phu sao cho giống thật hết sức có thể
16. Đăng ký nhận mail, like trang facebook, login facebook… nhận quà miễn phí
Khi ăn uống tại nhà hàng hay sử dụng dịch vụ tại các cửa hàng,… có thể bạn sẽ muốn kiểm tra những tờ quảng cáo của họ trên mặt bàn, trên hộp đựng giấy ăn hay trên tường của quán, bởi rất nhiều cửa hàng, nhà hàng có chế độ ưu đãi cho khách hàng nếu khách hàng đăng ký nhận mail-magazine của cửa hàng hay đôi khi là check in vào cửa hàng. Chế độ ưu đãi gì thì tùy cửa hàng, nhưng có thể kể: GAP giảm giá 5% cho mọi hóa đơn (cộng dồn vào những % giảm giá khác nếu có) đồng thời tặng coupon giảm giá 50% vào tháng sinh nhật của khách hàng, Uniqlo và G.U. giảm giá cho một số mặt hàng chỉ riêng cho khách hàng đăng ký thành viên Uniqlo hoặc kết bạn LINE với G.U., các cửa hàng ăn uống thì giảm giá, hoặc tặng bia, hoặc tặng nước ngọt, hoặc tặng khoai tây chiên, món tráng miệng… cho khách hàng đăng ký nhận mail, hay check in vào cửa hàng đó trên facebook…
17. Nước lọc, đường, sữa, hay cacao, bột quế… thích dùng bao nhiêu lấy bấy nhiêu
Khi ăn uống tại nhà hàng hay nhà ăn của trường học,… bạn sẽ có thể lấy nước lọc hay trà lạnh uống thoải mái. Khi vào quán cà phê, những thứ “gia vị” như sữa, đường, (và một số nơi có thể có cả bột quế, bột cacao…) cho vào cà phê, hay vị chanh để cho vào trà… cũng là những thứ thích dùng bao nhiêu lấy bấy nhiêu.
18. Khoảng trên dưới 90% phụ nữ ra đường phải trang điểm
Nếu phải đứng chờ ai đó ở một nơi đông người qua lại, bạn có thể quan sát để kiểm chứng: rất khó có thể tìm thấy một người phụ nữ nào chắc chắn không trang điểm, họ có thể đánh phấn, hoặc kẻ mắt, hoặc đeo mi giả,… nhưng tất cả đều có trang điểm. Nếu bạn bắt gặp một người không trang điểm, khả năng rất cao đó là một người nước ngoài đi du lịch hoặc là du học sinh
Trong các phòng vệ sinh nữ của các tòa nhà cao cấp, thường có khu vực trang điểm để phụ nữ có thể chỉnh trang lại lớp trang điểm của mình. Tuy nhiên với một số người, có thể do quá bận rộn phải liên tục di chuyển giữa các địa điểm khác nhau mà không có thời gian vào chỉnh trang trong nhà vệ sinh, nhiều khi họ sẽ phải trang điểm ngay trên đường di chuyển cho kịp đến nơi tiếp theo. Vì thế nên thỉnh thoảng có thể bạn sẽ bắt gặp những người phụ nữ Nhật trang điểm ngày trong các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện hoặc xe buýt, và rất có thể bạn sẽ được chiêm ngưỡng khả năng tô vẽ những đường nét trang điểm hết sức tỉ mỉ trong sự rung lắc hoàn toàn ngẫu nhiên của tàu xe – một khả năng chỉ có thể có được khi trang điểm hầu như là hàng ngày trong nhiều năm liền.
19. Tuổi tác không phải là rào cản đối với trang điểm
Người vị thành niên ở Nhật bắt đầu trang điểm từ khá sớm, và có thể duy trì thói quen trang điểm cho đến 50 năm sau. Trong một bản điều tra thực hiện trên 1500 người nữ giới ở độ tuổi từ 15-64 tuổi của một tập đoàn lớn về sản xuất mỹ phẩm, người ta đã thu được kết quả: khoảng 40% “phụ nữ” từ 15-19 tuổi trang điểm hàng ngày hoặc hầu như hàng ngày, và đối với các độ tuổi khác sau 20 tuổi con số này dao động rất ít xung quanh mức 58%. Ở độ tuổi 60-64 – độ tuổi mà nhiều người đã có thể trở thành bà nội, bà ngoại – số người trang điểm hàng ngày hoặc hầu như mọi ngày chiếm 56.7%, và số người “hiện tại không trang điểm hoặc chỉ trang điểm trong những dịp đặc biệt” của độ tuổi này chỉ chiếm 14%. Có nghĩa là cứ 10 người phụ nữ ở Nhật thì khoảng 6 người trong số đó phải trang điểm hàng ngày, và nếu bạn gặp 10 bà cụ ở Nhật tuổi chưa đến 64 thì khoảng 8 bà cụ rưỡi vẫn còn thói quen trang điểm.
20. Tờ rơi quảng cáo và khuyến mại hấp dẫn “đăng ký tang lễ gia đình nhận ngay giảm giá”
Ở Nhật hầu như nhà nào cũng có một hòm thư để nhận hóa đơn thanh toán tiền điện nước ga, hay thư từ, thiệp chúc tết, thiệp gửi theo mùa,… Khi sống ở Nhật bạn sẽ nhận được rất nhiều tờ rơi bỏ vào hòm thư nhà mình, trong đó sẽ có cả những tờ quảng cáo đăng ký đặt trước hợp đồng tang lễ và hỏa táng với giá ưu đãi. Và nếu như bạn có nhận được những tờ quảng cáo có chữ 家族葬 – tang lễ gia đình, thì cũng đừng tưởng đó là dịch vụ làm tang lễ cho cả gia đình cùng một lúc – mà đó là dịch vụ tang lễ mà chỉ tổ chức cho người thân của người quá cố tham dự, để giảm chi phí hoặc tăng tính kín đáo riêng tư của lễ tang. Nếu ở Việt Nam cũng có nghề phân phát tờ rơi quảng cáo dịch vụ lễ tang đến tận nhà như thế này… hẳn là các nhân viên phân phát tờ rơi cũng không thể làm việc được lâu.
(hết P2)
Đón đọc phần 3: Văn hóa phầm 18+, dịch vụ phụ nữ phục vụ từ A–>Y, các dịch vụ thâu đêm, các quy tắc tại nơi công cộng và phương tiện giao thông công cộng
Mr. Kro