Vấn nạn buôn bán, làm giả thẻ lưu trú tại Nhật Bản

Đăng ngày 06/10/2020 bởi iSenpai

Trong khi việc các thực tập sinh kỹ năng và du học sinh bỏ trốn đang trở thành một vấn đề xã hội của Nhật Bản thì nạn buôn bán thẻ lưu trú giả cho người nước ngoài hết tư cách lưu trú lại diễn ra tràn lan. Các nhóm tội phạm này hiện đã được tổ chức hoá. Năm 2019, hơn 4.000 người bị cáo buộc vì nghi ngờ lưu trú trái phép. Các chuyên gia chỉ ra rằng vấn nạn này sẽ không kết thúc nếu chế độ đãi ngộ với thực tập sinh và du học sinh không được cải thiện.

Vào sáng ngày 16 tháng 4 năm nay, tổng cộng 36 điều tra viên từ cả hai Sở cảnh sát tỉnh Hyogo và Saitama đã bất ngờ đột nhập vào căn phòng trong một căn hộ ở tỉnh Saitama. Nhiều thẻ cư trú, sổ lương hưu và bằng lái xe được tìm thấy trong phòng và tất cả đều là hàng giả. 1800 thông tin cá nhân của người Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia, những người được cho là khách hàng, vẫn còn lưu trên máy tính cá nhân bị thu giữ. Sau đó, cảnh sát tiến hành bắt giữ một người đàn ông và một người phụ nữ Trung Quốc vì tình nghi họ vi phạm Luật nhập cư (sở hữu thẻ cư trú giả). Đến tháng 7, hai người này lại bị bắt lại vì nghi ngờ làm giả thẻ cư trú. Họ được cho là chỉ phụ trách sản xuất và vận chuyển các sản phẩm giả theo chỉ thị của tổ chức tội phạm. Số lượng lao động nước ngoài, thực tập sinh và du học sinh tại Nhật Bản đang tăng lên theo từng năm. Số lượng người cư trú bất hợp pháp cũng theo đó tăng lên đáng kể.

Cảnh sát cho biết số người bị bắt vì tình nghi vi phạm Luật nhập cư vào năm 2019 là 4.279, con số cao nhất trong 10 năm qua. Số vụ hủy tư cách lưu trú cũng ngày càng nhiều. Theo Cơ quan điều tra, người phụ nữ bị bắt vì nghi ngờ làm thẻ giả cho biết mỗi ngày cô ta làm ra 200 chiếc thẻ, bận đến mức không có thời gian ngủ. Điều này cho thấy nhu cầu mua thẻ cao như thế nào. Sở cảnh sát coi việc buôn bán thẻ giả tạo điều kiện cho việc lưu trú bất hợp pháp là cơ sở căn bản của phạm tội và sẽ nỗ lực để trấn áp. Họ cũng có kế hoạch thành lập “Phòng Điều tra Quốc tế” vào mùa xuân năm sau để chuyên xử lý các vụ việc người nước ngoài vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc chỉ tăng cường trấn áp không thể giải quyết nguyên nhân cốt lõi.

Yoshihisa Saito (49 tuổi), phó giáo sư Khoa Nghiên cứu Hợp tác Quốc tế, Đại học Kobe, người rất quen thuộc với các vấn đề của lao động nước ngoài cho biết các du học sinh được người ta bảo rằng có thể tự trang trải chi phí học tập và sinh hoạt bằng cách đi làm thêm. Do đó, họ lũ lượt sang Nhật. Tuy nhiên thực tế là có nhiều người phải nghỉ học và mất tư cách lưu trú vì không kiếm đủ tiền để trả học phí. Vì vậy, trước khi những đối tượng này đến Nhật, cần phổ biến cho họ những thông tin chính xác về cuộc sống ở Nhật và giảm bớt những chuyến đi không cần thiết.

Tham khảo:
https://news.yahoo.co.jp/articles/f1dea25c2d36d2991fcc4f77ae9265d35821bf62
https://www.oricon.co.jp/article/1287466/

Trả lời