Người Nhật có quan điểm ưu tiên sự trợ giúp tài chính từ gia đình hơn là từ cộng đồng. Điều đó đã giấu đi số lượng người nghèo thực tế ở đây.
Yuichiro, một công nhân xây dựng thất nghiệp 46 tuổi, tỏ ra vui vẻ khi nhận được thực phẩm tại buổi hỗ trợ những người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở Tokyo. Ông nói với phóng viên Japan Times rằng mình không thể tìm được việc nên không có thu nhập. Tình trạng thiếu thốn của những người như Yuichiro không được công bố rộng rãi trên truyền thông dù thực tế là có nhiều người phải ngủ ở ga tàu trong các khu ở tạm bợ dựng bằng thùng các tông.
So với các quốc gia ở cùng mức phát triển kinh tế thì Nhật Bản có sự bùng phát Covid tương đối thấp và các hoạt động kinh doanh vẫn có thể tiếp tục ở một mức độ tương đối. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật dưới 3% và hệ thống an sinh xã hội thuộc hàng tốt nhất thế giới, Nhật Bản có một nền tảng tốt để đối phó với đại dịch. Tuy nhiên theo một số nhà hoạt động xã hội thì vẫn có một số lượng không nhỏ người nghèo ở Nhật đã bị ẩn đi bởi các số liệu thống kê.
Ren Ohnishi, nhà hoạt động xã hội đứng đầu tổ chức chống đói nghèo có tên Trung tâm Hỗ trợ Sống độc lập Moyai, cho biết: “Đại dịch Covid và tình trạng thất nghiệp tăng cao ở Nhật đã ảnh hưởng trực tiếp đến những người lao động nghèo không có tài sản tích luỹ”. Nhật Bản hiện có khoảng 40% người lao động theo thời vụ, có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương bởi suy thoái kinh tế. Hợp đồng lao động có thể dễ dàng bị chấm dứt bởi nhà tuyển dụng.
Không những thế, những người lao động yếu thế này còn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận các phúc lợi xã hội. Yuichiro không đủ điều kiện nhận một số khoản hỗ trợ vì ông không có con nhỏ. Ông nói; “Nhưng bây giờ cũng có nhiều người lớn đói ăn vì không còn phương tiện kiếm sống.! Theo thống kê của Japan Times, có hơn 10 triệu người Nhật có mức thu nhập dưới 19.000 USD một năm và1/6 dân số sống trong tình trạng cận nghèo – tức là có mức thu nhập thấp hơn một nửa mức trung bình của phần còn lại.
Ở một khía cạnh khác, phụ nữ Nhật cũng gặp khó khăn vì có một tỷ lệ lớn phụ nữ chỉ làm lao động thời vụ trong các ngành bán lẻ, nhà hàng và khách sạn – những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid. Người ta chứng kiến được ngày càng nhiều phụ nữ Nhật tham gia xếp hàng nhận hỗ trợ trong các buổi từ thiện, một hình ảnh khá xa lạ ở Nhật.
Nhà hoạt động Ohnishi thuộc Trung tâm Hỗ trợ Moyai cho biết nhiều người miễn cưỡng nhận phúc lợi vì sự xấu hổ và kỳ thị. Các nhà hoạt động xã hội động cho rằng lòng tự trọng này khiến con số thống kê đói nghèo ở Nhật thấp hơn so với thực tế. Tuy nhiên điều đó làm cho họ trở nên khó khăn hơn khi kinh tế suy thoái.
Theo Japan Times, Global Times