Dưới bóng những cây hoa anh đào trong khu vườn nằm trên một ngọn đồi hướng ra biển, có một bốt điện thoại màu trắng chìm trong ánh nắng mùa xuân. Bên trong đó ông Kazuyoshi Sasaki cẩn thận bấm số điện thoại của người vợ quá cố Miwako. Ông đã đi tìm bà hàng ngày trời sau trận sóng thần kinh hoàng 10 năm trước, đi qua những trại di tản và nhà táng dựng tạm rồi trở về nhà ngôi nhà của họ đã trở thành một đống đổ nát. “Mọi chuyện xảy ra chỉ trong tích tắc, tôi không thể quên được cho tới tận bây giờ”, ông nói trong nước mắt. “Tôi gửi cho bà ấy tin nhắn báo tôi đang ở đâu, nhưng bà ấy đã không bao giờ đọc được nó.”
“Khi tôi trở về nhà và nhìn lên trời với hàng nghìn ngôi sao tựa như một hộp châu báu. Tôi khóc và khóc thật nhiều vì tôi hiểu được có rất nhiều người đã chết”. Vợ của ông Sasaki là một trong gần 20 nghìn người Nhật đã thiệt mạng trong thảm hoạ kép tháng 3 năm 2011. Với những người sống sót thì đường dây điện thoại không kết nối ở Otsuchi giúp họ liên lạc với người thân đã mất, một sự xoa dịu cho họ khi vẫn phải sống cùng với những sự mất mát.
Bà Sachiko Okawa cũng đã dùng đường dây điện thoại ấy để gọi cho Toichiro – người chồng đã bị cơn sóng thần cuốn trôi sau 44 năm chung sống với bà. “Tôi cô đơn lắm ông à,” bà nói với ông và nhờ ông hãy che chở cho những người còn sống. “Tạm biệt nhé, tôi sẽ sớm trở lại đây.” Người phụ nữ 76 tuổi nói với phóng viên của Reuters là đôi khi bà nghĩ mình có thể nghe được giọng ông ở đầu dây bên kia. Điều đó làm bà thấy được an ủi. Bà cũng dẫn những đứa cháu trai tới đây để nói chuyện với ông chúng.
“Ông ơi đã mười năm rồi, và cháu đã chuẩn bị lên cấp 2”, đứa cháu 12 tuổi của Okawa nói qua điện thoại. “Có một con virus mới đang làm hại mọi người nên chúng cháu phải đeo khẩu trang. “Nhưng chúng cháu khoẻ ông ạ.”
Bốt điện thoại này vốn được nhà thiết kế vườn Itaru Sasaki xây trong vườn để ông có thể kết nối với người em họ đã qua đời vì ung thư. Nó không mang một ý nghĩa tôn giáo đặc biệt nào mà chỉ để ông phản ánh lại nỗi mất mát của mình khi có một người yêu quý ra đi. “Bởi những tâm tư của tôi không thể được giãi bày qua những đường dây điện thoại bình thường được nên tôi để cho những ngọn gió mang đi”. Sau thảm hoạ năm 2011, ông đã mở cửa cho mọi người có thể tự do ghé thăm và gọi điện tới những người thân theo những cơn gió. “Có nhiều người đã không có cơ hội nói lời tạm biệt. Có những người đã có thể nói nhiều điều hơn nếu họ biết trước ngày hôm đó sẽ tới và họ không bao giờ còn gặp lại nhau.”
Bốt điện thoại của gió màu trắng ấy đã được ghé thăm bởi hàng ngàn người, không phải chỉ là những người đã mất người thân trong trận sóng thần năm ấy mà cả những người có người thân ra đi do bệnh tật hay trầm cảm. Và Sasaki cho biết có những người từ Anh và Ba Lan liên lạc với ông nói rằng họ cũng muốn thiết lập những bốt điện thoại tương tự để người thân những người đã mất vì Covid có thể gửi những lời tạm biệt.
Những thảm hoạ hay đại dịch gây ra những sự mất mát nhưng tình yêu thương giữa con người sẽ gửi theo những cơn gió, mang đến sự xoa dịu giữa thế giới của những người còn sống và những người đã ra đi.
Theo Reuters, Tiền Phong