Vụ tấn công khí độc sarin vào hệ thống tàu điện ngầm Tokyo năm 1995 đã để lại những ký ức kinh hoàng cho nhiều người và đặt ra nhiều câu hỏi về sự chênh lệch giữa phát triển kinh tế và phát triển đời sống tinh thần của xã hội Nhật.
Tên đầu sỏ Shoko Asahara
Shoko Asahara tên khai sinh là Matsumoto Chizuo, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1955 tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản, là con thứ sáu trong một gia đình có bảy người con, cha mẹ thì làm nghề buôn bán. Từ lúc lọt lòng, hắn đã bị khiếm thị do bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh. Hồi nhỏ hắn được cho học tại trường dành cho trẻ khuyết tật.
Dù không thể nhập học trường y, nhưng hắn đã tự bắt đầu học châm cứu và dược học. Dù có nhiều thiệt thòi về thể chất, nhưng về sau, hắn vẫn lấy được một cô vợ thông minh, có bằng cấp đại học, và họ có với nhau sáu người con. 1982, Asahara bị bắt vì nghi ngờ bán thuốc bất hợp pháp. Tuy nhiên, sau vụ này hắn không bị ngồi tù mà chỉ phải ngưng hoạt động hiệu thuốc. Năm 1977, hắn bắt đầu học yoga và bảy năm sau, mở được hẳn một trường đào tạo yoga của riêng mình mang tên Aum no Kai, sau được đổi tên thành Aum Shinrikyo.
Niềm tin của Aum Shinrikyo dựa trên ý tưởng rằng ” luôn có một cuộc chiến giữa thiện và ác, và việc giết những ai cản đường chân lý tối cao là chính đáng. Chân lý tối cao này chỉ được sở hữu bởi Shoko Asahara.” Họ cũng rao giảng rằng họ sẽ là những người duy nhất sống sót sau ngày tận thế sắp tới, điều mà Asahara dự đoán sẽ xảy ra “vào năm 1996 hoặc giữa năm 1999 và năm 2003.”
Tháng 8 năm 1989, Aum Shinrikyo được Chính quyền Thủ đô Tokyo ở Nhật Bản công nhận chính thức là một tổ chức tôn giáo. Cũng nhờ đó mà số lượng thành viên của Aum tăng vọt. Năm 1992, tổ chức này có tới 10.000 thành viên. Đến năm 1995, con số đó đã tăng lên 50.000 thành viên trên toàn thế giới, với các văn phòng ở Nhật Bản, Nga, Hoa Kỳ, và nhiều quốc gia khác.
Giá trị tài sản ròng của giáo phái này cũng tăng vọt từ khoảng 4,3 triệu USD năm 1989 lên 1 tỷ USD vào năm 1995. Trong thời gian hoạt động công khai này, có thời điểm, các thành viên Aum Shinrikyo thậm chí còn được cử đến Zaire, nay được gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo, để lấy mẫu virus Ebola vào năm 1992, mặc dù họ đã không thành công.
Các thành viên Aum Shinrikyo được cho rằng đã tham gia vào nhiều vụ trộm cướp trong nhiều năm, bao gồm cả những vụ tại Sở Cảnh sát Tokyo, Nhà máy Hiroshima của Mitsubishi Heavy Industries và Nippon Electronics. Các thành viên Aum Shinrikyo cũng gây ra một số vụ giết người, có cả những vụ mà thi thể không được tìm thấy.
Vào ngày 27 tháng 6 năm 1994, tại Matsumoto, Nhật Bản đã xảy ra một vụ tấn công bằng sarin trong khoảng thời gian từ 10:40 đến 10:50. Cuộc tấn công này được biết là nhắm vào 3 thẩm phán liên quan đến một vụ gian lận đất đai có sự tham gia của Aum Shinrikyo. Kết quả, khí độc sarin lan sang cả khu phố, khiến bảy người chết do ngộ độc sarin, khoảng 600 người khác bị phơi nhiễm và để lại những di chứng nặng nề.
Nếu như trong khi vụ tấn công Matsumoto nhằm vào một nhóm người cụ thể, thì vụ tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1995 là một cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Trước 8 giờ sáng ngày 20 tháng 3 năm 1995, năm thành viên của Aum Shinrikyo đã lên ba tuyến tàu điện ngầm ở Tokyo với những túi chứa khí độc sarin. Vào thời điểm thích hợp, những kẻ khủng bố chọc thủng chiếc túi chứa sarin và chạy ra khỏi tàu.
Trong vụ tấn công này có 13 người chết và hơn 6.000 người khác được xác nhận là có các triệu chứng ngộ độc. Trong số những người thiệt mạng, có hai nhân viên tàu điện ngầm cố gắng loại bỏ các túi sarin tại ga Kasumigaseki. Nhiều người thì bị phơi nhiễm khi nỗ lực giúp đỡ những người đã bị phơi nhiễm.
Tờ Japan Times đưa tin vào năm 2020, ít nhất một phần ba số người sống sót sau vụ tấn công bằng sarin bị PTSD (sang chấn tâm lí muộn), bên cạnh các di chứng thể chất khác. Vì tất cả các chuyến tàu bị tấn công đều đi đến ga Kasumigaseki, nên người ta từng cho rằng mục tiêuc thực sự trong vụ thảm sát này nhằm vào các quan chức chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay, chính phủ Nhật tin rằng, cuộc tấn công trên nhằm mục đích đánh lạc hướng của cảnh sát, vì họ đã lên kế hoạch đột kích Aum Shinrikyo để tìm kiếm một công chứng viên bị bắt cóc, và giáo phái này có thể muốn có thêm thời gian để tiêu hủy bằng chứng.
Trong hơn sáu tháng sau đó, khoảng 400 đến 500 thành viên Aum Shinrikyo đã bị bắt, bao gồm “gần như toàn bộ hệ thống cấp bậc của giáo phái. Vào ngày cảnh sát bắt được tên thủ lĩnh Shoko Asahara, Thống đốc Tokyo lúc bấy giờ đã nhận được một quả bom thư từ Aum Shinrikyo. Quả bom phát nổ và phá hủy bàn tay trái của người thư kí tội nghiệp. Sau hang loạt nỗ lực của chính phủ, ít nhất 200 thành viên của Aum Shinrikyo đã bị truy tố.
Sau vụ tấn công bằng sarin vào tháng 3, Aum Shinrikyo đã cố gắng thực hiện thêm một số vụ tấn công bằng hydro xyanua. Vụ tấn công có chủ đích đầu tiên xảy ra vào ngày 5 tháng 5 năm 1995. Lần này, Aum Shunrikyo nhắm mục tiêu vào ga Shinjuku, và đặt hai túi nhựa trong phòng tắm công cộng, một túi chứa hai lít natri xyanua dạng bột, còn túi kia chứa khoảng 1,5 lít axit sunfuric loãng. Khi được tìm thấy, những chiếc túi đã bốc cháy nhưng thật may, chúng vẫn chưa bung ra.
Nếu cuộc tấn công này trót lọt, ước tính khoảng10.000 đến 20.000 người có thể bị thiệt mạng. Cuộc tấn công thứ hai xảy ra vào ngày 4 tháng 7 năm 1995, nhưng lần này tới bốn mục tiêu là các ga tàu điện ngầm Ginza, Tokyo, Kayabacho và ga đường sắt Shinjuku. Rất may, cuộc tấn công này cũng đã được ngăn chặn.
Mối nguy ở hiện tại
Đã 26 năm trôi qua sau vụ khủng bố tấn công bằng chất độc sarin trên tuyến đường sắt Marunouchi, Tokyo thực hiện khiến tổng cộng 14 người chết và khoảng 6300 người bị ngộ độc. 13 thành viên giáo phái Aum, kể cả tên thủ lĩnh Shoko Asahara đã bị xử tử bằng cách treo cổ ba năm trước. Riêng tên Ikuo Hayashi, do hợp tác với cảnh sát nên được kết án tù chung thân.
Aum Shinrikyo đã bị cấm nhưng nó lại xuất hiện vào năm 2000 với cái tên Aleph, các thành viên tuyên bố họ đã từ chối Asahara và đồng ý bồi thường cho các nạn nhân vụ tấn công năm xưa (Năm 2019, họ đã nhận lời đề nghị này sau khi tòa án Tokyo yêu cầu bồi thường 9,5 triệu đô la tiền bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tấn công sarin năm 1995, theo The Japan Times). Tuy nhiên, một số người cho rằng các thành viên Aleph vẫn tiếp tục làm theo những lời dạy của Shoko Asahara và thậm chí còn lưu giữ “bản ghi âm giọng nói của ông ta để lấy cảm hứng.”
Các thành viên của Aleph sống trong một trụ sở ở ngoại ô Tokyo, nhưng trụ sở này được giám sát chặt chẽ. Một nhóm khác, Hikari no Wa, tách ra từ Aum Shinrikyo cũng bị chính phủ giám sát từ năm 2019. Người ta nói rằng, giáo phải này vẫn đang tích cực tuyển mộ các thế hệ trẻ. Gia đình các nạn nhân từ vụ khủng bố năm 1995 và các luật sư đã đến gặp Bộ Tư pháp vào ngày 19 và gửi yêu cầu lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Kamikawa kêu gọi chính phủ có những hoạt động giáo dục tuyên truyền tích cực đến thế hệ trẻ.
Để có thể lưu truyền bài học năm xưa cho lớp hậu thế, “Chúng tôi yêu cầu các bộ, ngành tổng hợp và lưu trữ những tài liệu về sự khủng khiếp của vụ án”. Shizue Takahashi, người đại diện của Hiệp hội nạn nhân tàu điện ngầm, người đã mất chồng trong vụ thẳm án năm xưa, cho biết, “Điều quan trọng là phải truyền đạt cho những người trẻ những kiến thức đúng đắn về vụ việc và các tổ chức tôn giáo. Chúng ta phải chủ động trong việc thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn khủng bố. ”
Theo NHK, Japan Times