Các cửa hàng Nhật gặp khó khăn trước yêu cầu công bố giá sản phẩm kèm thuế

Đăng ngày 31/03/2021 bởi iSenpai

Kể từ ngày 1/4, Nhật Bản yêu cầu các cửa hàng phải công bố giá sản phẩm kèm thuế ở ngoài cửa hàng. Để “sống sót” trong thời kỳ khó khăn do Covid, nhiều cửa hàng đã buộc phải chọn cách tăng giá. Việc này cộng thêm việc phải ghi giá sản phẩm kèm thuế, sẽ khiến giá được biểu thị ở mức rất cao, khó tránh việc khiến nhiều người tiêu dùng ngần ngại mua hàng.

Đối với những người làm chủ cửa hàng, họ chắc chắn là chẳng thích thú gì với điều này vì lo ngại mất đi một lượng lớn khách hàng. Đầu tháng 3, một số cửa hàng Mos Burger đã phải thông báo về việc tăng giá một số sản phẩm kèm lời nhắn “Để đem đến cho bạn những dịch vụ và sản phẩm với chất lượng không đổi, chúng tôi buộc phải tăng giá của một số món có trong thực đơn.” Mos Food Service, một chi nhánh của Mos Burger, cho biết, sang tháng 4, họ buộc phải hủy cách ghi giá truyền thống quen thuộc dạng “đơn giá chính + thuế” trong tiếc nuối và chuyển sang cách ghi một mức giá duy nhất là giá đã gồm thuế.

Sau khi tăng giá, một chiếc humburger thường tại “Mos Burger” sẽ có giá (đã tính thuế) là 390 yên. Trong khi hiện tại, một chiếc bánh tương tự, đem về, cũng chỉ có 370 Yên (đã tính thuế), tức là tăng 20 yên mỗi chiếc. Tương tự Mos Burger, từ tháng 4, chuỗi cửa hàng mì Marugame Seimen cũng thông báo tăng giá từ 10 đến 30 yên đối với 25% các món, bao gồm cả các món mì đặc biệt chỉ phục vụ vào một khoảng thời gian và một số khu vực nhất định. Doanh số của họ được dự kiến cũng sẽ tăng từ 1 đến 2% sau khi tăng giá.

Việc tăng giá cộng thêm cách ghi giá đã bao gồm thuế từ ngày 1/4 được dự đoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của người tiêu dùng. Mos Burger giải thích lý do tăng giá: ” Do corona, khách hàng lựa chọn mua về nhiều hơn là ăn tại chỗ làm tăng chi phí đóng gói. Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu và chi phí lao động cũng tăng cao. Vì vậy, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh giá thành sản phẩm”.

Phía Marugame Se Sample cũng cho biết : “Việc tăng giá là do tăng phí nhân công. Do chúng tôi phải cắt cử thêm nhân viên thực hiện các biện pháp khử trùng bàn ghế và phục vụ khách mua về. Việc công bố giá đã bao gồm thuế rõ ràng là một việc đầy khó khăn đối với chúng tôi. Vì điều này rõ ràng khiến khách hàng cảm giác tăng giá mạnh hơn thực tế và làm giảm sức mua.”

Vào ngày 24 tháng 3, ” Kushikatsu Tanaka” thuộc chuỗi cửa hàng Kushikatsu đã tăng trung bình 10 yên trên giá chưa bao gồm thuế đối với 90% các món có trong thực đơn. Keiji Kushikatsu, chủ tịch HD Kushikatsu cho biết : “Thực ra, nguyên nhân tăng giá là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng. Chúng tôi đã thay đổi loại bột chiên cũ giúp thực khách được thưởng thức các món ăn chất lượng hơn, nhưng thật lòng mà nói, tôi muốn chỉ đưa ra giá chính trên menu.”

Cũng có một số công ty lớn, chẳng hạn như chuỗi cửa hàng quần áo UNIQLO, lại quyết định “chơi lớn” bằng việc giảm giá một số mặt hàng trước khi bước vào giai đoạn buộc ghi giá gồm thuế. Trước việc nhiều công ty vẫn quyết giữ nguyên giá, ông Junpei Fujita, nhà nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu Tư vấn & Nghiên cứu Mitsubishi UFJ, chia sẻ : “Định giá thuộc một trong những chiến lược quan trọng đối với mỗi công ty. Nó ảnh hưởng lớn đến phản ứng của người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh với các công ty đối thủ. Và thường, để chọn ra được mức giá hợp lí, người ta phải kì công trải qua nhiều lần thử và sai.”

Theo Yahoo News, Sankei

Trả lời