Nhìn vào Nhật Bản ở thời điểm hiện tại, ít ai biết rằng trong quá khứ, họ từng trải qua những biến cố môi trường tồi tệ tiêu biểu như vụ ô nhiễm ở mỏ đồng Ashio và vụ ô nhiễm thủy ngân Minamata gây hậu quả nặng nề cho cả tự nhiên lẫn con người trong suốt nhiều năm và nhiều thế hệ. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian lơ là đó, Nhật Bản đã nhanh chóng chuyển mình thành một đất nước sạch sẽ, xinh đẹp, đáng sống bậc nhất trên thế giới.
Đối với người Nhật, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ. Nghĩa vụ thể hiện ở việc người ta phải đóng thuế khi vứt rác, bị phạt khi có sai phạm. Việc yêu cầu một cá nhân tuân thủ một quy định được đặt ra vốn dĩ là khó và việc yêu cầu một tập thể tuân thủ quy định lại càng khó và thật khó để hai chữ trách nhiệm chỉ dừng lại ở mức “làm tròn bổn phận”. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của Nhật Bản phải kể từ quy mô quốc gia, đoàn thể, doanh nghiệp.
Mới đây, hiệp hội nước giải khát Nhật Bản đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế chai nhựa (PET) cũ thành chai mới từ 12,5% hiện tại lên 50% vào năm 2030. Mặc dù hầu hết chai nhựa ở Nhật Bản đều được tái chế (khoảng 85%), nhưng phần lớn chúng được sản xuất thành khay đựng thực phẩm hoặc nguyên liệu cho ngành dệt may. Việc tăng cường sản xuất chai nhựa mới từ chai nhựa cũ này nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường do giảm sử dụng nguyên liệu thô mới và giảm phát thải khí nhà kính.
Nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát đang tích cực với các thử nghiệm mới, tiêu biểu như Kirin đang phát triển một công nghệ mới sản xuất loại chai nhựa có thể tái sử dụng gọi là “chai bán vĩnh cửu” hay một công ty thuộc tập đoàn Suntory kí cam kết với chính quyền tỉnh Hyogo tái chế 100% chai nhựa đã qua sử dụng.
Trên thực tế ở Nhật, không chỉ các công ty kể trên hay riêng ngành sản xuất nước giải khát mà nhiều công ty, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đều có tinh thần nỗ lực tuân thủ quy định, chủ động trích ngân sách nghiên cứu và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.