Hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới đều coi việc trồng, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ cần sa là việc làm bất hợp pháp do trong cần sa có chứa chất tetrahydrocannabinol (THC), gây nghiện và gây ảo giác cho người sử dụng.Nhưng cũng chính hoạt chất này giúp cần sa có một số tác dụng tích cực như hạ huyết áp, an thần, tạo cảm giác thư giãn và được phép sử dụng trong y tế tại một số nước.
Tuy nhiên, việc lạm dụng cần sa không được khuyến khích vì người sử dụng cần sa có nguy cơ tổn thương hệ hô hấp cao gấp 4 lần so với thuốc lá, và khiến bệnh ung thư tiến triển nhanh hơn. Đối với sức khỏe tâm thần, sử dụng cần sa sẽ khiến người sử dụng bị lệ thuộc, gây ra các rối loạn tâm thần. Hơn nữa, cần sa khiến cho người hút rơi vào trạng thái mơ màng, ảo giác, dễ bị kích động gây rối loạn trật tự xã hội, có thể kể đến như các vụ tai nạn giao thông, đánh nhau, đâm chém không kiểm soát…
Về mặt tích cực cần sa có các tác dụng có thể ứng dụng trong y học như giảm đau, chống nôn, tăng cảm giác đói, giãn phế quản, chống co thắt, giãn mạch,… đã các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra, cần sa có tác dụng tốt trong điều trị một số bệnh ung thư. Hiện tại, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, cần sa được sử dụng để điều chế các loại thuốc trong điều trị bệnh động kinh và điều trị giảm nhẹ trên bệnh nhân ung thư. Do đó Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã đưa ra đề xuất nới lỏng lệnh cấm đối với cần sa.
Theo NHK, Bộ Y tế đã tổ chức các buổi hội thảo với các chuyên gia để xem xét thông qua việc cho phép sử dụng cần sa với mục đích y tế. Ngoài việc nhập khẩu cần sa từ nước ngoài thì Bộ Y tế cũng sẽ xem xét cho phép các công ty dược phẩm trong nước sản xuất nếu được chính phủ chấp thuận.
Tuy nhiên, việc này cũng làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ lạm dụng cần sa, đặc biệt là ở giới trẻ. Do vậy, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất phương án xem xét các hình phạt đối với việc tàng trữ, trồng trọt và sử dụng trái phép cần sa. Có những ý kiến cho rằng việc tăng hình phạt không đảm bảo việc kiểm soát tình trạng lạm dụng và tàng trữ cần sa nên Bộ Y tế sẽ tiếp tục thảo luận bổ sung các phương án mới.
Trên thế giới, có một số quốc gia còn cho phép người dân trồng cây cần sa. Tại Hà Lan, chính phủ quy định, mỗi người không được phép trồng nhiều hơn 5 cây cần sa vì mục đích làm cảnh. Tại Thái Lan, quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa cho mục đích y tế đã quy định, mỗi gia đình không được trồng nhiều hơn 6 chậu cần sa trong nhà. Thêm nữa, bất kỳ bông hoa và hạt cần sa nào thu được từ cây trồng tại nhà đều phải được gửi đến các cơ sở y tế của nhà nước.
Tại Nga, nông dân được phép trồng cần sa quy mô lớn để phục vụ ngành công nghiệp dệt. Tuy nhiên, những cây cần sa ở đây không phải cây cần sa thông thường mà là giống cây cần sa không có chất gây nghiện do một vị giáo sư người Nga lai tạo được. Ông đã đặt tên cho giống cây này là Diana (tên vợ ông). Giống cần sa mới rất có giá trị về mặt kinh tế bởi nó được dùng để chế tạo dây chão phục vụ ngành hàng hải, làm lõi dây cáp trong ngành dầu mỏ, làm giấy siêu bền và vải dệt chất lượng cao.
Theo NHK, Soranews24