Nakadai là một công ty xử lý chất thải với khoảng 70 nhân viên được thành lập vào năm 1937 và chủ sở hữu hiện tại là ông Sumiyuki Nakadai (48 tuổi). Ông Nakadai kể lại mình là đời thứ 3 kế tục nghề xử lý rác của gia đình.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã vào làm tại một công ty chứng khoán và không hề có ý định tiếp nối nghề truyền thống từ cha. Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến vào năm 1997, với sự xuất hiện của “Nghị định thư Kyoto” đặt ra các mục tiêu đối phó với sự nóng lên toàn cầu vào năm 2020. Sau đó Luật tái chế thiết bị gia dụng và các quy định khác được bắt đầu ở Nhật Bản.
Nhận ra xu thế mới, ông đã trở về tiếp nối công việc gia đình với mong muốn phát triển công ty theo cách riêng của mình. Để đơn giản hóa cơ cấu lợi nhuận của ngành xử lý rác, ta có công thức sau: Lượng rác x Đơn giá xử lý-Chi phí xử lý = Lợi nhuận.
Lượng rác càng lớn, công ty càng thu được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, ông Nakadai nghĩ : “Nếu chỉ chăm chăm vào cái lợi thông thường, sẽ là đi ngược lại với các mục tiêu xã hội”. Vì vậy, điều ông muốn là làm giảm lượng rác thải ra môi trường. Đương nhiên, nếu đơn giản đối chiếu với phương trình lợi nhuận thông thường, lợi nhuận khi đó sẽ giảm.
Làm thế nào để đạt được mục đích giảm rác mà công ty vẫn có lợi nhuận? Đây quả thực là một bài toán khó. Cuối cùng, giải pháp của ông đó là trở thành bên chuyên gia tư vấn về xử lí rác cho các công ty khác. Nguồn thu nhập đến từ việc giúp đối tác tăng hiệu quả quản lý và tái chế chất thải. Bản chất là việc giảm lượng rác đem đi chôn lấp và đốt.
Ông nói : “Mấu chốt của việc giảm rác là việc phân loại”. Đồ còn sử dụng được thì thu gom thành đồ cũ và bán lại. Đồ có thể tái sản xuất thì đưa vào các nhà máy để biến chúng thành đồ mới. Ông tự hào nói rằng “Bằng cách thêm giá trị mới cho rác, chúng tôi đã biến rác không còn là rác.” Tuy nhiên, lượng rác có thể được tái sử dụng ở dạng ban đầu là rất hạn chế. Để không biến nó thành rác, việc cần làm là phải tìm ra giá trị của chúng.
Cùng một chai nhựa, những người công nhân sẽ phân loại riêng phần thân chai và nắp chai. Các loại chai đựng chất tẩy rửa cần được bỏ riêng. Đối với các chai này, tùy vào màu sắc, chúng sẽ tiếp tục được phân loại thành các nhóm khác nhau. Thậm chí lớp vỏ nhựa bọc dây điện cũng được phân loại kỹ lưỡng dựa trên màu sắc. Bằng cách này, sản phảm thu được sẽ được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất mới, chứ không còn là chất thải.
Ông Nakadai khẳng định : “Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống không vứt rác và hiệu suất tái chế tới 99%”. Dù thu được những thành quả như vậy nhưng thực tế là, lợi nhuận đã giảm kể từ năm 2007, khi công ty của ông bắt đầu chuyển từ công việc xử lí rác thông thường sang tái chế. Nguyên nhân đến từ chi phí cho mặt bằng và nhân lực cho công đoạn phân loại.
Tuy nhiên, quả thực, trời không phụ lòng người. Số lượng các công ty muốn hợp tác với công ty ông đã tăng lên qua từng năm. Tiêu biểu là Công ty Điện lạnh Tokyo, chủ yếu lắp đặt máy điều hòa không khí, có trụ sở chính tại Tokyo và là công ty lớn tại khu vực Kanto. Công ty này cho biết, hằng năm họ phải thay một lượng lớn máy điều hòa không khí, lên tới khoảng 4000 chiếc. Tuy nhiên ban đầu, phần lớn trong số đó chỉ được lưu trữ mà không được tái chế. Nhờ việc hợp tác với công ty Nakadai, vấn đề này mới được giải quyết.
Đầu tiên, nhân viên Công ty Điện lạnh Tokyo sẽ tháo rời những chiếc điều hòa tại chỗ. Sau đó, họ sẽ để riêng các linh kiện có chất liệu bằng nhựa, gỗ và kim loại vào những chiếc hộp do Nakadai chuẩn bị. Các bộ phận mà Công ty Điện lạnh Tokyo có thể sử dụng tiếp sẽ được giữ lại. Phần còn lại sẽ được vận chuyển đến nhà máy đối tác của Nakadai để biến thành nguyên liệu sản xuất. Nhờ cách này, công việc sẽ nhanh hơn và giảm chi phí xử lý. Công ty Điện lạnh Tokyo cho biết, nhờ sự tư vấn của ông Nakadai, hiệu suất tái chế là 99%.
Sau nhiều năm cố gắng, công ty Nakadai đã khẳng định được vai trò của mình với tư cách là “nhà tư vấn rác thải”, và có lãi trở lại trong hơn 10 năm nay. Trong số các đối tác của Nakadai, phải nhắc đến một thương hiệu mỹ phẩm rất nổi tiếng L’Oreal. Tập đoàn L’Oréal có trụ sở tại Pháp với mục tiêu rất cao là “tái chế hoặc tái sử dụng 100% chất thải được tạo ra tại các cơ sở kinh doanh của mình” vào năm 2030. Công ty cũng đã đặt mục tiêu trong năm 2021, biến tất cả các vật trưng bày trong cửa hàng trở nên thân thiện với môi trường bằng khả năng có thể tái chế.
Theo Nakadai phân tích, “96% các vật trang trí và trang thiết bị tại cửa hàng của L’Oreal có thể tái sử dụng và tái chế”. Tuy nhiên, không hài lòng với con số này, L’Oreal muốn thay đổi nốt 4% còn lại. Người đại diện L’Oréal tại Nhật Bản cho biết : “Công ty chúng tôi luôn có những mục tiêu rõ ràng về môi trường, nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi ” Làm thế nào “. Tuy nhiên, bây giờ thì tôi chắc rằng chúng tôi đã tìm được một đối tác phù hợp.” Càng ngày, việc xử lí rác thải càng trở nên áp lực khi mà từ cuối năm 2017, Trung Quốc, nước nhập khẩu nhựa phế thải lớn nhất của Nhật Bản, đã hạn chế nhập khẩu, cùng với đó là gánh nặng từ lượng rác thải sinh hoạt được đổ ra hằng ngày.
Nhìn ra điều này, Đại học Mỹ thuật Tama đã hợp tác cùng công ty Nakadai tham gia vào nỗ lực bảo vệ môi trường. Phương pháp của nhóm sinh viên tại trường đại học này là sản xuất thử các sản phẩm bằng các vật liệu phế thải từ các công ty. Từ đó, điều tra xem “loại cấu trúc nào nên được sử dụng để dễ dàng tái sử dụng tiếp” và đưa ra phản hồi về phía nhà sản xuất. Mục đích là tìm ra các thiết kế có thể dễ dàng tái sử dụng, thay vì chỉ đơn giản là vứt chúng đi. Chủ tịch Nakadai nói : “Chúng tôi đã làm việc trong 15 năm để rác thải không bị biến thành rác. Tuy nhiên, ngay cả khi chúng tôi cố gắng hết sức thì với sức lực của chỉ một công ty, tác động đến xã hội vẫn còn rất hạn chế.”
Theo NHK, Japan Times