Chủ một tiệm mì Soba trong lúc làm ăn ế ẩm đã tìm ra sự thật về tháp đồng hồ lâu đời nhất Nhật Bản từ xưa đến nay.
Tháp đồng hồ Shinkorou vẫn được xem là “Tháp đồng hồ lâu đời nhất Nhật Bản”, được giới thiệu trong các cuốn sổ tay về du lịch và nhiều loại tài liệu khác. Tuy nhiên, mới đây, người ta đã phát hiện ra rằng nó không phải là ngọn tháp “lâu đời nhất”.
Tháp đồng hồ Shinkorou được làm bằng gỗ và cao 13 mét, tại làng Izushi, thành phố Toyooka, phía bắc tỉnh Hyogo. Nhiều năm qua, nó luôn đứng đó, trên bức tường thành bằng đá và dõi mắt về phía ngôi làng. Theo các tài liệu lâu đời được lưu truyền lại, chiếc tháp đồng hồ đã có hình dáng như hiện nay kể từ năm Minh Trị thứ 14. Suốt nhiều năm người ta nói rằng đó là tháp đồng hồ lâu đời nhất Nhật Bản.
Nó không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, mà còn là một tài sản văn hóa quan trọng của nước Nhật. Trước khi tháp đồng hồ này ra đời, phần thân tháp với tên gọi “shinkorou” (辰鼓楼) đã được xây dựng vào năm thứ 4 thời Minh Trị. “Shin” có nghĩa là “giờ thìn (7 giờ sáng đến 9 giờ sáng)”, “ko” có nghĩa là “trống”, và “rou” có nghĩa là “tòa nhà”.
Và 10 năm sau, vào năm Minh Trị thứ 14 (1887), một chiếc đồng hồ cơ lớn được gắn vào đó, và trở thành tháp đồng hồ hiện nay. Nó là món quà được quyên tặng bởi một vị danh y, cũng là một cư dân trong thị trấn. Ông nói, đó là số tiền ông đã dành ra từ phí điều trị và tiền cảm tạ của người bệnh.
Năm nay là kỷ niệm 150 năm xây dựng tòa tháp và kỷ niệm 140 năm ngày lắp đặt chiếc đồng hồ. Người dân địa phương rất phấn khởi tổ chức lễ kỉ niệm với sự tham gia của người cháu vị bác sĩ năm xưa.
Trong không khí rộn ràng, tràn đầy sự biết ơn và tự hào đó, ông Tomoya Shibuya, chủ một nhà hàng soba, món ăn nổi tiếng ở Izushi, nói rằng, ông vẫn luôn muốn biết chính xác ngày mà tháp đồng hồ Shinkorou bắt đầu chuyển động là khi nào?. Ông thấy sẽ càng ý nghĩa hơn nều chiếc tháp đồng hồ có một ngày kỉ niệm cụ thể.
Trong bối cảnh của đại dịch Covid 19, cửa hàng của ông Shibuya buộc phải đóng cửa tạm thời do lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Vốn là người rất thích tìm hiểu về lịch sử và văn hóa địa phương, ông thấy đây là một cơ hội tốt để ông mày mò.
Đầu tiên, ông Shibuya tìm đến quyển sách “Lịch sử của thị trấn Izushi”, nhưng đáng tiếc là không tìm được gì. Sau đó, ông lại tìm đến thư viện để tra cứu các tờ báo, nhưng ở đây, người ta chỉ lưu giữ từ năm Minh Trị thứ 34 (1902) trở đi, tờ báo của năm Minh Trị thứ 14 (1887) không được tìm thấy.
Ông cũng đã liên lạc với con cháu của vị bác sĩ đã tặng chiếc đồng hồ, và lại một lần nữa trắng tay. Khi tìm đến hai cửa hàng đồng hồ trong thị trấn, thì nhận được câu trả lời, “họ chưa bắt đầu kinh doanh vào thời Minh Trị”.
Phương án cuối cùng, ông gọi đến tờ báo quan hệ công chúng của địa phương để “tìm kiếm thông tin”, nhưng cũng không có phản hồi mà ông mong muốn. Và cuối cùng, manh mối được tìm ra là tại một trường tiểu học lâu đời nhất ở thị trấn Izushi, trường tiểu học Kodo với lịch sử khoảng 250 năm.
Ngôi trường này, ngày xưa từng nằm cạnh tháp “Shinkorou”. Khi đến đây, sau khi giới thiệu về mong muốn tìm hiểu lịch sử tháp đồng hồ Shinkoro, ông đã được ngài hiệu trưởng nhiệt tình đón tiếp. Ngài hiệu trưởng cẩn thận lấy ra từ trong két sắt những cuốn sổ ghi chép tại ngôi trường từ thời Minh Trị. Có tổng cộng 12 cuốn, trong đó 2 cuốn được viết vào năm Minh Trị thứ 14. Tập đầu tiên là nhật ký từ tháng Giêng đến tháng Bảy, không hề đề cập đến chiếc đồng hồ. Tập thứ hai từ tháng 8 đến tháng 12, đã ghi rõ ràng : “Ngày 8 tháng 9, chúng tôi hoàn thành việc vận hành tháp Shinkorou lúc 12 giờ”.
Tài liệu này được viết bằng bút lông, và ông Shibuya đã cẩn thận chụp ảnh để Văn phòng Tài sản Văn hóa của thành phố Toyooka xác nhận giúp. Đây là một khám phá lớn sau 140 năm. Tuy nhiên, việc tìm ra sự thật khiến ông Shibuya rất trăn trở. Bởi vì một tháp đồng hồ khác ở Sapporo bắt đầu hoạt động từ ngày 12/8 năm năm Minh Trị thứ 14 (1887). Chiếc tháp đồng hồ này ra đời cùng năm nhưng sinh nhật là vào ngày mùng 8/9 tức là muộn hơn 27 ngày so với người anh em tại Sapporo. Vì vậy, nó không còn là tháp đồng hồ lâu đời nhất ở Nhật Bản nữa.
Ông Tomoya Shibuya nói : “ Tôi rất vui vì đã biết ngày đầu tiên chiếc đồng hồ hoạt động, nhưng đồng nghĩa với việc khẳng định đây chỉ là tháp đồng hồ thứ hai ở Nhật Bản. Tôi hơi lo lắng không biết mọi người trong thị trấn sẽ chấp nhận điều này như thế nào”. Ông đã thành thật nói với người dân thị trấn rằng chiếc tháp đồng hồ tự hào của quê ông, được mệnh danh là tháp đồng hồ lâu đời nhất ở Nhật Bản hóa ra lại không phải vậy.
Thực ra, Hiệp hội Du lịch Tajimakuni Izushi tại địa phương dù luôn giới thiệu “đây là tháp đồng hồ lâu đời nhất Nhật Bản” trên các bảng thông tin và tờ rơi du lịch nhưng do không khẳng định được, họ thường nói tránh bằng câu trả lời “có thể là lâu đời nhất Nhật Bản”. Bây giờ, khi sự thật cuối cùng đã được phô bày, người ta mới có thể đường hoàng gọi tháp đồng hồ tại quê hương Izushi là “tháp đồng hồ lâu đời thứ hai ở Nhật Bản”.
Hiệp hội du lịch đã quyết định mở một sự kiện vào ngày 8 tháng 9 khi dịch bệnh có thể đã ổn định, để công bố sự thật, và thay vào đó giới thiệu với khách du lịch ”tháp Shinkorou thuộc hàng những tháp đồng hồ lâu đời nhất ở Nhật Bản”. Ông Tomoya Shibuya nói : “ Giá trị của tháp Shinkorou sẽ không thay đổi dù là sớm hơn hay muộn hơn so với tháp đồng hồ ở Sapporo.” Từ khám phá này, cuối cùng danh xưng tháp đồng hồ “lâu đời nhất Nhật Bản” cũng được trả về cho đúng chủ nhân của nó là tháp đồng hồ ở Sapporo.
Ngày 8 tháng 9 ngày tháp đồng hồ Shinkorou bắt đầu chuyển động, được Hiệp hội Kỷ niệm Nhật Bản công nhận là “Ngày kỷ niệm Izushi”. Dù sao đi nữa, tháp đồng hồ Shinkorou vẫn sẽ tiếp tục được xem là một biểu tượng của khu vực, và còn tiếp tục trường tồn với những người dân trung thực của thị trấn Izushi.