Cuộc đời của Steve Jobs có thể nhận xét bằng hai từ vĩ đại với những đóng góp mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực công nghệ. Đã gần Đối với thế giới, sức cuốn hút từ thương hiệu Apple gắn liền với tên tuổi ông đến đến từ chất lượng, mà còn từ các thiết kế hiện đại, tinh tế, mang đầy tính nghệ thuật. Mới đây, NHK đã đưa ra một bài báo đầy thú vị về mối liên quan giữa quan điểm thẩm mỹ của Steve Jobs với tranh khắc Shin-hanga của Nhật Bản.
Chúng ta vẫn thường biết đến rằng, quan điểm thẩm mỹ của Steve Jobs chịu ảnh hưởng lớn từ Phật giáo trong văn hóa Nhật Bản, nhưng thực ra, cảm hứng của ông còn chịu ảnh hưởng từ dòng tranh khắc đương đại “Shin-hanga”, đặc biệt là tranh của Hasui Kawase, thứ nghệ thuật mà ông đã có cơ hội tiếp xúc từ thuở bé, rất lâu trước khi ông biết đến Phật giáo.
Steve Jobs lần đầu tiên tiếp xúc các tác phẩm của Hasui Kawase là tại nhà của người bạn thân thiết – Bill Fernandez, từ khi mới là một cậu bé chừng mười tuổi. Trong phòng khách nhà Bill, có treo ba bức tranh theo phong cách Nhật Bản. Chúng đều là các tác phẩm của Hasui Kawase, được ông nội Bill mua vào những năm diễn ra cuộc Đại suy thoái 1930.
Thời đó, các tác phẩm tranh khắc đương đại như vậy rất được yêu thích tại Mỹ. Vào các năm 1930 và 1936, những cuộc triển lãm mang tên “tranh khắc đương đại Nhật Bản” được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Toledo ở Ohio, đưa các tác phẩm này lên đỉnh cao và 3 họa sĩ (được gọi là 3H) gồm Hasui Kawase trường phái Shin-hanga (phong cách tranh khắc công phu), cùng với 2 họa sĩ của trường phái Ukiyo-e (trường phái lược giản) là Hokusai và Hiroshige được được giới yêu tranh trên đất Mỹ ca ngợi là những họa sĩ tài ba nhất.
Bà Bambi, mẹ của Bill, vốn từng là sinh viên chuyên ngành nghiên cứu lịch sử phương Đông và khá am hiểu về mĩ thuật Nhật Bản. Bà chia sẻ, “Hồi đó, Jobs rất thích ba bức tranh treo trên tường phòng khách nhà chúng tôi. Mỗi lần đi qua, Jobs đều dán mắt vào những bức tranh đó. Có lần, Jobs đột nhiên hỏi, tôi có thể chia sẻ cho cậu ta những bức tranh đó không. Tuy nhiên, vì đó là bộ sưu tập đáng tự hào của cha nên tôi đã từ chối. Nhiều lần sau, mỗi lần đến chơi, cậu ta đều nhìn vào mắt tôi tỏ ý năn nỉ.”
Sau khi Jobs đã thành lập Apple, có lần bà Bambi trò chuyện với Jobs về họa sĩ mà bà yêu thích Hiroshi Yoshida, Jobs đã trả lời: “Không, Hasui mới là người tài ba nhất!”. Một trong ba bức tranh năm xưa, bức “Akame Senju no Taki” đã được Jobs mua về tại một phòng trưng bày ở Tokyo vào tháng 8 năm 1983. Bà Bambi nói, bà không biết việc Jobs đã mua bức tranh ấy về nhưng có vẻ cảm xúc khi nhìn thấy bức tranh lần đầu tiên vẫn theo Jobs mãi đến khi ông đã trưởng thành.
Bill nói: “Jobs đồng cảm mạnh mẽ với quan điểm thẩm mĩ của Hasui. Đó là khởi điểm và sau này thì trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo để Jobs tạo nên các sản phẩm mang thương hiệu Apple. Cả cuộc đời Jobs luôn theo đuổi vẻ đẹp đến từ sự đơn giản và thanh lịch.”
Tranh khắc đương đại Nhật Bản, thứ nghệ thuật đã cuốn hút Jobs ngay từ cái nhìn đầu tiên thực ra có đặc điểm như thế nào? “Shin-hanga” là tranh khắc gỗ lưu hành từ nửa sau thời Minh Trị đến thời Showa. So với các bức tranh được phối rực rỡ sắc màu “ukiyo-e” mà không cần phải tiêu tốn quá nhiều công sức của người nghệ nhân, dòng tranh “shin hanga” lại đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn. Vì thế mà tranh Shin-hanga chỉ có vài trăm bản khắc đối với mỗi tác phẩm và chính nó lại tạo nên giá trị hiếm có và tính nghệ thuật của mỗi bức tranh.
Vào tháng 3 năm 1983 Jobs đã đến cửa hàng trưng bày Kabaya, một cửa hàng lâu đời trên phố Ginza. Đó cũng là lần đầu tiên Steve Jobs và ông Haruo Matsuoka chủ cửa hàng có cơ hội gặp nhau. Jobs nói rằng ông muốn sưu tầm trang Shin-hanga và lần đó ông mua về bức núi Phú Sĩ, một tác phẩm rất được yêu thích của họa sĩ Hasui Kawase.
Sau đó, mỗi lần đến Nhật Bản, Jobs đều ghé qua cửa hàng này và tiếp tục mua các bức tranh Shin-hanga khác. Ông Matsuoka cho biết “Jobs có một con mắt thẩm mỹ không khác gì của một chuyên gia. Ông ấy thích những bức tranh tinh xảo và rất có gu. Khi lựa chọn tranh, ông thường đưa ra quyết định rất nhanh chóng.”
Khi Jobs đến thăm cửa hàng lần thứ tư, ông đã đặt mua hơn 30 tác phẩm. Rõ ràng, Jobs có niềm đam mê cháy bỏng với các tác phẩm Shinh-anga, và mỗi khi ngắm nghía cuốn sách mang tên “tuyển tập tranh Hasui” trong cửa hàng, khuôn mặt Jobs đều lộ rõ vẻ vui mừng. Trong 20 năm gặp gỡ, Jobs đã mua ít nhất 43 bức Shin-hanga từ cửa hàng của ông Matsuoka và hơn một nửa trong số đó là các bức tranh của Hasui. Jobs có vẻ thích các bức phong cảnh đơn giản, trầm mặc, tối màu và hầu hết chúng đều có sự chuyển màu đơn điệu. Trùng hợp là bản thân Hasui Kawase cũng từng nói: “Tôi thích những gì yên tĩnh và cô đơn và đó là thế giới của tôi.”
Trong cuộc đời của mình, Jobs rất ít khi nhắc đến tranh Shin-hanga. Bởi vì đối với ông, chúng là đam mê, là phần thưởng cho tâm hồn và hiển nhiên là thuộc về cuộc sống riêng. Khoảng năm 1982, sau chuyến công tác trở về từ Nhật Bản, Jobs đã đến thăm bà Bambi và nói: “Trên tường nhà cháu không có gì ngoài một cuốn lịch. Cháu thực sự biết ơn vì đã có cơ hội thấy được những bức tranh Nhật Bản trên tường nhà bác”.
Khi nhận món quà trên tay Jobs, bà Bambi đã xúc động không thốt nên lời. Đó là một tuyển tập các tác phẩm của Hasui. Đó cũng là một trong những món đồ mà Jobs đã mua trong lần đầu tiên khi ông đến cửa hàng trưng bày Kabaya. Trong ngày cưới của người bạn thân nhất Bill Fernandez, Jobs cũng tặng bạn một bức tranh của Hasui.
Năm 2003, Jobs được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ở tuổi 48. Tuy nhiên, trong một thời gian dài sau đó, trong khi chống chọi với bệnh tật, ông vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm ăn khách. Năm 2011, Jobs qua đời trong sự luyến tiếc của gia đình và đông đảo những người yêu mến ông, đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Sau khi ông mất, con gái ông Lisa đã xuất bản một cuốn sách, nội dung là những hồi ký của cô trong khoảng thời gian cuối đời của cha mình. Trong trang đầu của cuốn sách có viết : “Trong phòng của cha tôi treo một bức tranh của họa sĩ Hasui vẽ cảnh hoàng hôn trên một ngôi đền. Bóng của bức tranh tạo ra một vết sáng hồng trải dài trên tường.”
Ông chủ cửa hàng tranh Haruo Matsuoka đã rất ngạc nhiên khi thấy xuất hiện hai chữ “Hasui” trong cuốn hồi ký. Bởi vì chắc chắn không nhiều người hiểu được ngay “Hasui” chính là “Kawase Hasui”. Có lẽ “Hasui” là ngôn ngữ chung quen thuộc của hai cha con họ. Steve Jobs có lẽ đã không ít lần nói với con gái về niềm đam mê của ông với tranh Hasui.
Về bức tranh được nhắc đến, ông Matsuoka nói: “Đó là bức vẽ ngôi chùa năm tầng Ikegami Honmonji ở phường Ota, Tokyo, mà Jobs đã từng ghé mua trước đây.” Khi mới còn là một cậu nhó mười tuổi, Jobs đã cùng lúc tiếp xúc với nghệ thuật Shin-hanga và game với người đồng hành là cậu bạn thân Bill Fernandez. Đối với người khác, một chiếc máy tính và một bức Shin-hanga hẳn là không liên quan. Nhưng ở Jobs, đó là khởi nguồn nuôi dưỡng một bộ não thiên tài. Đối với Jobs, Hasui Kawase là khơi nguồn của “cái đẹp”.