Nhìn lại năm đầu tiên của chương trình tính phí túi nhựa tại Nhật

Đăng ngày 10/07/2021 bởi iSenpai

Kể từ tháng 7 năm 2020 thì khi mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi hoặc siêu thị ở Nhật, khách hàng sẽ buộc phải mua trong trường hợp muốn những chiếc túi nilon có quai để đựng đồ với giá dao động từ khoảng 3 đến 10 yên. Do đó, có rất nhiều người luôn từ chối mua túi bằng cách sử dụng một chiếc túi nhiều lần hoặc mua một chiếc túi chắc chắn và cầm theo mỗi khi đi chợ.

Nhìn vào hiện trạng này, có vẻ như việc thu phí túi ni lông rất hiệu quả trong việc giảm sử dụng và thải nhựa ra môi trường. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem sau một năm áp dụng phương án này có hiệu quả như chúng ta nghĩ không nhé?

Đầu tiên, có rất nhiều người ngừng sử dụng túi nhựa vì phải trả phí. Điều này là đúng.

Một thống kê “tỷ lệ khách hàng mua túi nhựa” tại 3 hệ thống cửa hàng tiện lợi lớn ở Nhật do NHK thực hiện cùng cho ra kết quả khoảng ba phần tư khách hàng từ chối mua túi nhựa khi mua sắm. Cụ thể ở từng chuỗi như sau: Seven-Eleven 75% (tháng 7 năm 2020 đến tháng 2 năm 2021) Lawson 75% (tháng 7 năm 2020 đến tháng 2 năm 2021) Familymart 77% (tháng 7 năm 2020-tháng 5 năm 2021).

Theo Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Nhật Bản thì trước khi triển khai việc mua túi bắt buộc tỷ lệ khách hàng từ chối sử dụng túi nilon là khoảng 25%. Như vậy trong một năm qua, tỉ lệ này đã tăng gấp ba lần.

Vậy thì, lượng chất thải nhựa có theo đó mà giảm không? Có vẻ như bản thân lượng rác là những chiếc túi ni lông đi chợ đã giảm, nhưng đồng thời làm phát sinh các loại rác thải khác.

Một cuộc khảo sát do một công ty sản xuất túi rác “Sanipack” thực hiện cho thấy trên 90% người tiêu dùng tận dụng những chiếc túi nhựa mua sắm làm túi bảo quản thực phẩm hoặc túi đựng rác ở nhà. Nói cách khác, những chiếc túi đi chợ thực ra không hề bị lãng phí như trước đây chúng ta nghĩ.

Khi được tính phí, số lượng túi nhựa mua sắm đã giảm xuống. Nhưng cũng theo khảo sát của công ty này, doanh số bán túi nhựa mang theo loại có quai cầm tăng gấp đôi. Và người tiêu dùng buộc phải mua thêm túi đựng rác và túi bảo quản thực phẩm để sử dụng. Như vậy, khó có thể đơn giản nói rằng lượng rác thải nhựa đã giảm do việc thu phí túi ni lông.

Tuy nhiên, việc thu phí túi nilon vẫn hiệu quả trên nhều phương diện khác.

Trong đó ý nghĩa lớn nhất là việc thay đổi ý thức của mọi người. Ban đầu người ta nói rằng tỷ lệ túi nhựa mua sắm chiếm khoảng vài phần trăm tổng lượng rác thải nhựa. Mục đích của việc tính phí túi nhựa mua sắm là làm thay đổi lối sống ở những người lãng phí túi nhựa. Ngành thực phẩm cũng ưu ái việc sử dụng các loại bát, đĩa, đũa, thìa bằng giấy và gỗ hơn là đồ bằng nhựa.

Ông Hiroyuki Ueda, nhà nghiên cứu cấp cao của Mitsubishi UFJ Research & Consulting, phát biểu, “Tôi nghĩ đã đến lúc mỗi người trong chúng ta phải thay đổi thái độ với các sản phẩm nhựa. Nếu có thể không sử dụng xin hãy từ chối. Từ trải nghiệm này, chúng ta có thể phát huy với nhiều sản phẩm nhựa khác trong tương lai. ”

Nhân tiện nói về những chiếc túi nhựa mua sắm, iSenpai bật mí cho các bạn một việc làm rất ý nghĩa của các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi đối với môi trường. Số tiền thu được từ việc bán những chiếc túi nhựa mua sắm với giá từ 3 đến 10 yên, họ sẽ dùng vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Hệ thống cửa hàng của Seven-Eleven cho biết, từ tháng 7 đến tháng 2 năm ngoái, họ đã thu về 565 triệu yên từ tiền bán túi nilon. Với số tiền này, họ đã trích ra một phần để lắp đặt các hộp thu gom chai nhựa tại cửa hàng để khuyến khích tái chế chai PET, còn lại là quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. FamilyMart cho biết họ sử dụng số tiền thu được từ việc bán túi nilon vào dự án phát triển xe đẩy hàng làm từ vi nhựa thu gom tại các bãi biển.

Theo NHK, Family Mart

Trả lời