Conbini, cách gọi tắt của convenience store trong tiếng Nhật, là một từ mà gần như không người nước ngoài nào ở Nhật không biết đến. Bắt đầu từ xuất hiện tại Nhật từ năm 1969, những cửa hàng tiện lợi đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và văn hóa đại chúng của Nhật Bản.
Ba ông lớn trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi ở Nhật, Seven Eleven-Family Mart-Lawson, đều bắt đầu kinh doanh vào giữa thập niên 70. Ngày nay ba thương hiệu này chiếm lĩnh phần lớn thị trường Nhật Bản cũng như xuất hiện tại nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới.
Năm 1973, cửa hàng đầu tiên của Family Mart được mở tại một con phố sầm uất ở Sayama, Saitama với dáng vẻ khiêm nhường. Đồ ăn, thức uống và đồ gia dụng nằm trên kệ và một mẻ gà rán đặc trưng của chuỗi mới nấu nằm trong tủ hâm nóng trên quầy. Cách đó không xa sẽ là những cửa hàng của hai đối thủ chính Seven Eleven và Lawson.
Cửa hàng ở Sayama là một thử nghiệm cho “cửa hàng tiện lợi kiểu Nhật” trước khi các nhà bán lẻ của Hoa Kỳ tìm cách thâm nhập thị trường Nhật Bản. Theo tài liệu PR do Family Mart cung cấp thì ngay từ đầu, chuỗi đã không hài lòng với việc nhân rộng các cửa hàng tiện lợi từ Hoa Kỳ ở Nhật Bản mà họ muốn tạo ra một cái gì đó mới lạ hơn.
Nhưng, Family Mart không phải là người đi đầu trong việc tạo ra phong cách cửa hàng tiện lợi kiểu Nhật. Những cửa hàng mang tính địa phương đã xuất hiện từ năm 1962 với chuỗi Coco ở Aichi hay Secomart ra đời năm 1971 ở Hokkaido.
Tuy nhiên Family Mart là nhà cách tân mạnh mẽ nhất khi họ là kết quả của một cuốc nghiên cứu thị trường kéo dài nhiều năm để cạnh tranh với Seven Eleven và Lawson, những cái tên được kết hợp với các đối tác Hoa Kỳ. Family Mart là một cửa hàng tiện lợi thuần túy của Nhật và đó là điều làm nên sự khác biệt của họ, theo Hiroaki Watanabe, một nhà báo chuyên nghiên cứu về conbini.
Sự phát triển của conbini gắn liền với lối sống mới mẻ của người Nhật những năm 1970. Người ta bận rộn hơn và thu nhập cũng tăng lên. Chính vì thế việc tìm đến những conbini trở nên thường xuyên hơn. Hai lý do chính khiến vị thế của họ trên thị trường bán lẻ Nhật Bản ngày nay trở nên mạnh mẽ là do các sản phẩm sáng tạo và hệ thống phân phối độc đáo của họ.
Seven Eleven, Lawson hay Family Mart đều có những sản phẩm tiện lợi đặc trưng của họ ví dụ như món gà Famichiken của Family Mart hay các món ăn nhanh như onigiri, oden,…. Về kênh phân phối, hệ thống điểm bán hàng (POS), lần đầu tiên được Seven Eleven giới thiệu vào năm 1982, cho phép các cửa hàng kiểm soát trực tiếp hàng tồn kho, đặt hàng và giao hàng. Làn sóng mở các cửa hàng tiện lợi lên đến đỉnh điểm vào nửa cuối những năm 1980 nhờ sự tối ưu hóa kho vận.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi không dừng lại ở Nhật Bản mà bắt đầu tiến ra nước ngoài từ thập niên 80 khi Family Mart tiến vào Đài Loan còn Seven Eleven ra mắt tại Hawaii. Khi đó các cửa hàng tiện lợi ở Hoa Kỳ và các nước khác cũng dần thay đổi theo phong cách Nhật Bản mà Family Mart và Seven Eleven là nhà tiên phong: tập trung các cửa hàng với mật độ lớn ở một khu vực nhất định để tạo cảm giác thống trị thị trường, hệ thống kho vận được chú ý tối ưu đến từng chi tiết.
Tới thập niên 2000, nhiều thay đổi lớn đã duy trì sự phổ biến và tầm ảnh hưởng của các cửa hàng tiện lợi như đưa thêm vào các dịch vụ bán vé, in ấn, thanh toán, ngân hàng… đã khiến các cửa hàng tiện lợi không chỉ là một kho đồ ăn uống sinh hoạt nữa mà còn là một nơi cung cấp các dịch vụ thiết yếu. Bên cạnh đó các cửa hàng tiện lợi cũng hướng tới nhiều khách hàng nữ hơn khi bán thêm cả mỹ phẩm và các món đồ ngọt.
Vai trò thiết yếu của các cửa hàng tiện lợi càng được thấy rõ hơn trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011. Trong khi các siêu thị và bách hóa phải đóng cửa thì các cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động nhờ kênh phân phối nhỏ gọn cũng như khả năng duy trì các dịch vụ thiết yếu như ATM.
Theo Japan Times, Nipponia