Khi đại dịch Covid diễn ra, ngành kinh doanh karaoke được nhắc đến rất nhiều khi người ta nghĩ về những quy định hạn chế hoạt động. Karaoke là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Nhật trải qua nhiều thế hệ và là một nét văn hóa độc đáo mà người Nhật đã phổ biến ra toàn thế giới.
Theo Hiệp hội kinh doanh Karaoke ở Nhật thì thị trường này ở Nhật có giá trị lên tới 576.5 tỷ yên, tương đương với 5 tỷ dollar. Nếu tính thêm cả các ngành kinh doanh phần mềm cho máy karaoke cũng như các hệ thống nhúng karaoke cho ô tô và các máy hát gia đình khác thì quy mô thị trường karaoke ở Nhật ước tính có giá trị lên tới một nghìn tỷ yên.
Hãy cùng nhìn lại lịch sử của karaoke ở Nhật. Theo nhà nghiên cứu Maekawa Yoichiro thì thuật ngữ karaoke xuất phát từ nhà hát kịch toàn nữ nổi tiếng Takarazuka. Vào năm 1956, một buổi đình công của các nhạc công đã khiến một buổi diễn của nhà hát có nguy cơ bị hủy. Ban quản lý đã nảy ra một sáng kiến nhờ công ty Matsushita (tiền thân của hãng Panasonic) cung cấp âm nhạc cho buổi diễn bằng các bản nhạc đã được thu âm. Buổi diễn này đã khai sinh ra khái niệm karaoke với kara (không, vắng, rỗng trong tiếng Nhật) với oke là viết tắt của chữ phiên âm orchestra (dàn nhạc) trong tiếng Nhật.
Cũng theo ông Maekawa, phát minh karaoke là một quá trình có sự tham gia của nhiều người. Negishi Shigeichi đã bổ sung khả năng ghi âm và mix nhạc trong dàn âm thanh tự động 8 trach cổ điển. Hamasaki Iwwao đã phát minh ra thiết bị Juke cho phép người hát biểu diễn cùng với một máy thu phát âm sẵn có. Bekku Hiroshi đã sáng tạo ra chiếc máy hát karaoke chuyên dụng đầu tiên trên xe bus. Yamashita Toshiharu đã tạo ra bộ thu phát chuyên dụng để giúp các ca sĩ luyện thanh.
Tay trống của một ban nhạc địa phương Inoue Daisuke, người thường được gọi là cha đẻ của karaoke, đã tạo ra một bước tiến quan trọng vào năm 1971 khi tạo ra những chiếc máy karaoke cá nhân với các hiệu ứng echo cũng như các bộ đếm thời gian với nguyên tắc hoạt động tương tự các máy karaoke hiện đại. Ông được trao giải Ig Nobel năm 2004 vì phát mình đã giúp con người bao dung lẫn nhau hơn.
Sau khi những chiếc máy karaoke ra đời thì nó đã hoàn toàn chinh phục người Nhật và trở thành một hoạt động giải trí quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Sự tiến hóa của karaoke cũng gắn liền với những công nghệ tối tân ở thời điểm đó và karaoke cũng là một động lực to lớn để các hãng điện tử phát triển các công nghệ mới.
Thập niên 1980 đánh dấu sự ra đời của những chiếc đĩa laser cho phép hiển thị cả video và lời nhạc được phát trên màn hình. Nhờ thế karaoke đã phổ biến hơn trong giới trẻ. Bên cạnh đó công nghệ kết nối ISDN (truyền đồng thời đa dữ liệu như âm thanh, tín hiệu,… trong mạng viễn thông) cũng trở nên phổ biến hơn.
Kỷ nguyên Internet cuối những năm 90 của thế kỷ trước cũng kéo theo sự phát triển mới của karaoke khi những thiết bị hát tại nhà ngày được ưa chuộng hơn nhờ kết nối mạng. Thời đại điện thoại thông minh cũng thúc đẩy việc phát triển các ứng dụng hát karaoke qua điện thoại cũng như các ứng dụng quản lý máy karaoke ngày càng trở nên đa dạng hơn.
Từ Nhật Bản, karaoke cũng trở nên phổ biến ra những nước khác thông qua phim ảnh và du lịch. Karaoke xuất hiện ở Mỹ và châu Âu nhưng đặc biệt phổ biến ở các nước Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam.
Dù có những nghi ngại rằng ngành kinh doanh karaoke có thể sẽ chịu ảnh hướng lớn bởi dịch Covid, tuy nhiên những người kinh doanh karaoke đang từng bước tìm cách tồn tại và thích nghi. Các ứng dụng karaoke được phát triển để người sử dụng có thể theo dõi màn trình diễn của người khác và chia sẻ các bình luận. Một số ứng dụng còn sử dụng AI nhận diện giọng nói để giúp người dùng chọn bài nhanh hơn. Các công nghệ hiện đại đang từng bước thay đổi cách người ta hát karaoke, và dù là ở thời đại nào thì việc hát cùng với một dàn nhạc không người (kara-oke) cũng là một thú vui giải trí không thể lãng quên của chúng ta.