Theo Kyodo dẫn nguồn từ một khảo sát của Liên đoàn lao động Nhật Bản thì hơn 20% nhân viên trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở nhiều trong số 47 tỉnh của Nhật Bản đã phải làm việc quá sức vào năm ngoái do việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Tình trạng làm việc quá sức này đạt đến mức có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Cụ thể có khoảng 23% trong số 1771 người được khảo sát cho biết họ phải làm thêm mỗi tháng trung bình hơn 80 giờ, mức được coi là ngưỡng có thể căng nguy cơ tử vong do làm việc quá sức. Kết quả này cho thấy tình trạng thiếu lao động và dấy lên những lo ngại về sức khoẻ tinh thần dành cho những nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Cũng theo khảo sát này thì có khoảng 36% nhân viên y tế có các triệu chứng trầm cảm. Các nguyên nhân dẫn tới việc làm việc quá sức bao gồm việc trả lời các câu hỏi và tư vấn cho người dân qua điện thoại, các công việc xử lý hành chính công vụ và truy vết những người tương tác gần. Nhiều người cho biết họ cũng bị bạo hành ngôn từ bởi các bệnh nhân và người nhà.
Trong buổi họp báo trực tiếp về kết quả khảo sát, một một người đàn ông khoảng 40 tuổi làm việc tại một trung tâm y tế công cộng ở Hokkaido cho biết anh đã tham gia công việc ứng phó với COVID cho đến tháng 3 năm ngoái. Anh cho biết mình ngập đầu trong các công việc hành chính khi xử lý các cụm lây nhiễm và thường phải về nhà sau nửa đêm. Nhiều nhân sự ở các trung tâm y tế cộng đồng khác cũng đã cảm thấy kiệt sức và phải nghỉ ốm dài ngày.
Ngay cả trước khi đại dịch xuất hiện, văn hoá làm việc ở Nhật Bản vốn thường xuyên bị chỉ trích vì vấn đề làm việc quá sức và những nhân viên trong ngành y tế thường xuyên phải đối mặt với áp lực công việc nặng nề.
Theo Japan Today, Kyodo News