Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi dịch Covid, các vườn thú ở Nhật gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì nguồn cung thức ăn cho các loại động vật ăn cỏ.
Các vườn thú ở Nhật chủ yếu dựa vào nguồn cỏ khô nhập khẩu để nuôi các loại thú ăn cỏ của mình trong khi các kênh vận chuyển hiện đang ưu tiên cho thức ăn chăn nuôi dựa trên đánh giá về lợi nhuận tính theo đơn vị sản phẩm. Một ví dụ được Kyodo đưa ra là Sở thú Tobe ở Ehime hiện đang không thể thu mua được cỏ Bermuda làm thức ăn cho lạc đà và chuột túi. Tình hình thiếu hụt này chưa từng xuất hiện kể từ khi vườn thú này mở cửa năm 1988. Bên cạnh việc thiếu thức ăn thì họ cũng thiếu cỏ dành cho các động vật ngủ trên bãi cỏ.
Giải pháp vận chuyển khối lượng lớn trong một lần chuyển để giảm chi phí cũng không thể được thực hiện do vấn đề kho bãi và nấm mốc. Tuy vườn thú Tobe đang cố gắng dùng các loại cỏ khác nhưng theo một quản lý cho biết có những loại cỏ không thể thay thế.
Vườn thú Tobe không phải là trường hợp duy nhất. Vườn thú lớn nhất ở Tokyo là sở thú Ueno cũng đang gặp phải tình trạng không được giao cỏ theo hợp đồng hoặc bị giao hàng chậm với loại có linh lăng dùng cho tê giác. Vườn thú này đành phải dùng một số cành cây và thức ăn thay thế đề bù vào lượng thiếu hụt. Tuy nhiên chi phí cũng tăng lên. Sở thú Tennoji ở Osaka, sở thú Asa ở Hiroshima và sở thú thành phố Kyoto cũng đưa ra các thông báo về việc khó khăn trong việc nhập khẩu cỏ khô và phải tiến hành các biện pháp thay thế tạm bợ và tiết kiệm chi phí vì giá cỏ khô tăng cao.
Việc thiếu hụt lao động trong ngành vận chuyển cỏ cho vườn thú do dịch Covid và tình trạng thiếu container vận chuyển là nguyên nhân gây ra việc đứt gãy các chuỗi cung ứng. Tuy đã có sự cải thiện so trong hai năm qua nhưng việc nhập khẩu cỏ khô vẫn chưa đi vào ổn định, theo đánh giá của các công ty kinh doanh lĩnh vực này. Ngoài ra tác động khó lường từ cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến tình hình có thể trở nên khó khăn hơn.
Theo Kyodo News, Mainichi