Nhật Bản từng có một thời gian dài hạn chế sử dụng điện hạt nhân sau thảm họa ở Fukushima năm 2011. Tuy nhiên khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng khiến nước này phải xem xét việc quay lại với nguồn điện hạt nhân để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của nền công nghiệp nội địa.
Điện hạt nhân vốn bị phản đối bởi nhiều nhóm hoạt động cánh tả vì những lo ngại lên tác động tới môi trường và nguy cơ xảy ra sự cố. Tuy nhiên khi nguồn nhiên liệu giá rẻ từ Nga đã bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt cùng với việc đồng yên xuống giá thì đây trở thành lựa chọn gần như bắt buộc của Nhật Bản. Ngày 24/8, ông Kishida đã phát biểu trong một cuộc họp báo về việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân và xem xét khả năng phát triển các lò phản ứng thế hệ mới.
Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nishimura cũng nhấn mạnh nhu cầu cung cấp nguồn năng lượng ổn định, điều kiện thiết yếu để phát triển công nghiệp. Chính sách năng lượng của Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng lớn từ sự cố Fukushima năm 2011. Nguy cơ phóng xạ khi xảy ra sự cố tương tự khiến hầu hết các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật phải đóng cửa. Tuy nhiên khi các nguồn năng lượng được cho là “sạch” chưa đạt được hiệu suất cao cũng như nguồn cung nhiên liệu cho nhiệt điện bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine thì việc thay đổi thái độ với điện hạt nhân trở nên bắt buộc.
Ở một vị trí đảo quốc Thái Bình Dương như Nhật, việc kết nối với lưới điện từ các nước láng giềng là không khả thi. Nguồn nguyên liệu hóa thạch của Nhật cũng thiếu thốn. Vì thế việc phát triển điện hạt nhân càng trở nên quan trọng. Trước năm 2011, khoảng 1/3 lượng điện tiêu thụ ở Nhật đến từ các nhà máy điện hạt nhân nhưng sau khi sự cố xảy ra khiên chi phí đảm bảo an toàn bị đội lên quá cao cũng như sự phản đối từ một bộ phận dân chúng khiến các nhà máy này phải ngừng hoạt động. Tới nay chỉ có 10 lò điện hạt nhân trong tổng số 53 lò ở Nhật được khởi động lại sau khi được sự chấp thuận từ người dân địa phương.
Việc phát triển lại điện hạt nhân không chỉ giúp Nhật có thể đảm bảo nhu cầu trong nước mà còn mở ra hướng đi mới khi Nhật Bản có thể tăng sức cạnh tranh trong việc bán lại các công nghệ điện hạt nhân cho các quốc gia công nghiệp mới nổi ở Đông Nam Á đang dần có nhu cầu năng lượng cao lên.
Tuy nhiên thách thức vẫn còn đó. Một số chuyên gia năng lượng cho rằng các thế hệ lò phản ứng hạt nhân tiếp theo có thể tạo thêm gánh nặng chi phí cho các nhà khai thác. Nhật Bản cũng cần khoảng một năm để thiết lập các tiêu chuẩn an toàn cho các lò này, theo một ủy viên của Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản. Chi phí cho việc quản lý và lưu trữ chất thải phóng xạ cũng không hề nhỏ.