Triển vọng cường quốc hạng trung của Nhật Bản

Đăng ngày 16/11/2014 bởi iSenpai

Thời kỳ tươi sáng của Nhật Bản đang có dấu hiệu lùi dần vào quá khứ. Nếu muốn cạnh tranh cùng các đối tác khác trong khu vực, Nhật Bản buộc phải tìm kiếm cho mình một sứ mệnh và vai trò mới trong ngoại giao châu Á.

 

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản không còn là cường quốc thực sự trên chính trường toàn cầu và buộc phải chấp nhận sử dụng Hiến pháp sau chiến tranh và hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật làm cơ sở cho chính sách đối ngoại của mình. Cả hai văn bản này đã hạn chế khả năng tự do hành động của Nhật Bản trong vấn đề an ninh quốc tế, đồng thời hạn chế lựa chọn chính sách đối ngoại chỉ còn trong phạm vi cường quốc hạng trung.
Lựa chọn ngoại giao này cho phép Nhật Bản tập trung vào phục hồi kinh tế sau chiến tranh và trên thực tế đã giúp nước này trở thành một cường quốc kinh tế. Tuy nhiên, dù Nhật Bản có sức mạnh kinh tế nhưng vẫn chịu nhiều hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh, từ đó buộc phải tập trung vào khai thác quan hệ kinh tế và văn hóa với châu Á cũng như thế giới.

Đóng góp của Nhật Bản cho các chương trình hiện đại hóa của chính phủ Park Chung-hee từ giữa những năm 60 của thế kỷ trước có vai trò quan trọng đối với thành tựu kinh tế của Hàn Quốc. Nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và Đầu tư Trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản tại Đông Nam Á đã giúp đẩy nhanh tốc độ hội nhập kinh tế của khu vực này. Bên cạnh đó, hỗ trợ toàn phần của Nhật Bản đối với chính sách cải cách và mở cửa đầy tham vọng của Đặng Tiểu Bình từ cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước cũng có ý nghĩa lớn trong sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nói tóm lại, Nhật Bản có một vai trò thiết yếu trong xây dựng nền tảng cho thế kỷ châu Á.

Tuy vậy, thời kỳ tươi sáng của Nhật Bản rõ ràng đã trở thành quá khứ. Hàn Quốc đã đuổi kịp và thậm chí vượt Nhật Bản trong một số lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Đông Nam Á đang hình thành các cộng đồng chính trị, kinh tế và văn hóa riêng. Ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đã vượt khỏi tầm khu vực và vươn tới hầu hết ngõ ngách trên toàn cầu. Kết quả là Nhật Bản hiện đang phải tìm kiếm cho mình một sứ mệnh và vai trò mới trong ngoại giao châu Á.

Một số người cho rằng ngoại giao định hướng giá trị là câu trả lời đúng đắn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hướng đi này thiếu sự gắn kết, nguyên nhân là do tồn tại đồng thời hai luồng tư tưởng khác nhau. Một trong đó xuất phát từ cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi chính phủ Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm lý do mới cho liên minh Mỹ-Nhật trong bối cảnh Liên Xô không còn là mối đe dọa. Câu trả lời là bảo vệ và thúc đẩy giá trị chung. Nội dung chính của định hướng chính sách đối ngoại mới này là toàn cầu chứ không phải khu vực. Định hướng này đã được các nhà hoạch định chính sách và quan chức chính phủ duy trì với ý nghĩ rằng Nhật Bản nên là một nhân tố toàn cầu.

Vấn đề thứ hai trong ngoại giao giá trị bắt nguồn từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, khi Đài Loan bắt đầu quá trình dân chủ hóa dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ của Lý Đăng Huy. Kể từ thời điểm này, các chính trị gia bảo thủ bài Trung Quốc tại Nhật Bản bắt đầu nhấn mạnh tới dân chủ trong chính sách đối ngoại của mình. Quan điểm của họ xuất phát từ tư tưởng ủng hộ Đài Bắc và chống Bắc Kinh ngây thơ.

Các giá trị chung như dân chủ và tôn trọng nhân quyền dĩ nhiên là hết sức quan trọng, và thậm chí là trung tâm trong thúc đẩy hòa bình và ổn định trong thế kỷ châu Á. Nhật Bản có thể đã đúng khi nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế quan trọng hơn dân chủ hóa chính trị tại châu Á trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng câu hỏi thiết yếu hiện nay là các giá trị chung có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh châu Á mới.

Khái niệm hợp tác cường quốc hạng trung có thể là lựa chọn đúng. Nhật Bản cần phải nhận thức được rằng nước này là một đối tác bình đẳng thực sự với các nước châu Á trong thời kỳ mới. Chẳng hạn, bình đẳng trong quan hệ đối tác với ASEAN là một thành tố chủ chốt trong ngoại giao Nhật Bản-Đông Nam Á ngay từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Hiện nay, rõ ràng là Nhật Bản đang ở vị thế bình đẳng với nhiều nước láng giềng châu Á của mình.

Điều quan trọng hơn đối với chính sách đối ngoại định hướng giá trị của cường quốc hạng trung Nhật Bản là nước này cần khai thác nhiều kênh liên lạc khác nhau với xã hội dân sự Trung Quốc. Tuy vậy, chính phủ Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Shinzo Abe lại nghiêng về hướng ngăn chặn Trung Quốc thông qua các biện pháp “liên minh dân chủ” mà bản chất có thể được coi là “sử dụng giá trị phục vụ cho địa chính trị”. Điều này dẫn tới thiên kiến không tốt với Trung Quốc cũng như tạo ra những quan điểm trở lại với các vấn đề lịch sử trong hàng ngũ quan chức cao cấp của chính phủ, trong khi tư tưởng chống Nhật Bản ăn sâu tại Trung Quốc. Chính vì thế, Nhật Bản và Trung Quốc khó thoát khỏi vòng tư tưởng thù nghịch với nhau.

Châu Á và Nhật Bản sẽ tiếp tục cần Mỹ làm nhân tố đảm bảo an ninh cơ bản trong khu vực. Tuy nhiên, hợp tác cường quốc hạng trung cũng có những ưu thế khác. Nếu Nhật Bản chấp nhận quan điểm cường quốc hạng trung thì một trong những mục tiêu chính của nước này là cùng tồn tại với Trung Quốc. Vì vậy, yếu tố chủ chốt trong định hướng này là cân bằng và phối hợp các chính sách đối với Trung Quốc thành chiến lược thống nhất chung giữa các cường quốc hạng trung trong khu vực. Bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu này là xây dựng một cộng đồng học thuật giữa các xã hội dân sự châu Á. Yếu tố mở ra hợp tác cường quốc hạng trung chính là quan hệ đối tác Nhật Bản-Australia.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Trả lời