Yamauchi Hiroshi: Người làm thay đổi bộ mặt trò chơi điện tử thế giới.

Đăng ngày 17/10/2014 bởi iSenpai

Người đàn ông này đã làm thay đổi bộ mặt thị trường trò chơi điện tử thế giới. Các sản phẩm của ông được Bill Gates quan tâm và nhiều lần ngỏ ý muốn mua lại. Ông không phải là người có tham vọng về quyền lực khi đã dám từ chối vị trí cao nhất vì sự phát triển chung của tập đoàn.

Người đàn ông mà chúng tôi muốn nói đến ở đây chính là Yamauchi Hiroshi, nguyên chủ tịch tập đoàn trò chơi điện tử Nintendo, Nhật Bản. Là chủ công ty sản xuất đồ chơi lớn nhất Nhật Bản, Yamauchi là một trong các doanh nhân thời hậu chiến ở Nhật đã gây dựng và phát triển cơ nghiệp từ đống tro tàn. Khởi đầu với công việc kinh doanh các bộ bài, ngày nay, sản phẩm trò chơi điện tử của Nintendo đã lên đến hàng chục loại khác nhau. Số tiền thu được từ các bộ bài, mặt hàng đồ chơi sơ khởi, hiện chỉ chiếm 1% tổng số lợi nhuận của Nintendo.

1

Hiroshi Yamauchi. Nguồn ảnh Wikipedia.

Thời trẻ, Yamauchi dự đoán sẽ rất khó để đạt mức doanh thu 1 tỷ USD/năm. Nhưng ngày nay, con số đó đã gấp 5 lần. Từ căn nhà ba tầng khiêm tốn làm tổng hành dinh ở Koyto, Nintedo tung ra nhiều sản phẩm độc đáo, thống lĩnh 90% thị trường đồ chơi tại Mỹ và 70% tại Nhật. Chủ tịch Yamauchi đã gia nhập hàng ngũ các tỷ phú thế giới. Năm 2005, Yamauchi được xếp hạng thứ 366 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh với tổng tài sản ước tính khoảng 1,8 tỷ USD theo bình chọn của Tạp chí Fobes. Yaumauchi cho biết ông sẽ về hưu ở khi bước sang tuổi 80.

Hiroshi Yamauchi là vị chủ tịch thứ ba của Nintendo. Trong lịch sử của tập đoàn này kể từ năm 1949 đến thời điểm ông từ chức vào năm 2002, Yamauchi là vị chủ tịch thành công nhất khi biến Nintendo từ một công ty sản xuất bộ bài nhỏ tại Nhật thành một tập đoàn sản xuất và kinh doanh trò chơi điện tử với doanh thu hàng tỷ USD như ngày nay.

Bước khởi nghiệp đầy sóng gió

Hiroshi Yamauchi sinh ngày 07 tháng 11 năm 1927. Năm 1933, cha ông đã bỏ gia đình ra nước ngoài sinh sống, còn Hiroshi được để lại cho ông bà nội nuôi dạy.

Năm 1940, ở tuổi 12, Yamauchi đã bắt đầu làm việc trong một nhà máy của quân đội. Sau đó ông định nhập ngũ nhưng không được vì còn quá trẻ để ra trận. Khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945, Hiroshi theo học luật tại Đại học Waseda. Năm 21 tuổi, Yamauchi phải bỏ học quay về quê nhà ở Kyoto để tiếp nhận, quản lý và điều hành công ty Nintendo sau khi ông nội của ông, chủ tịch Nintendo lúc đó, qua đời.

Ban đầu, Yamauchi gặp phải rất nhiều khó khăn. “Có lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng trước sự lớn mạnh của các đối thủ cạnh tranh”- ông nói. Nintendo đã sa sút và tuột dốc trầm trọng trong lúc Yamauchi nỗ lực đa dạng hoá các hoạt động kinh doanh. Ông từng làm thử mặt hàng cơm gạo sấy ăn liền, rồi máy đánh dã cầu và cả súng thể thao bằng tia laser nhưng đều thất bại. Cơn khủng hoảng nặng nề nhất của công ty kéo dài suốt đầu thập niên 70 và ít nhất hai lần, người ta tưởng Nitendo không còn gượng dậy được. Yamauchi từng phải cầu nguyện cho Nitendo đừng bị phá sản.

Nintendo chỉ bắt đầu biết đến thành công sau khi Yamauchi phát hiện tài năng sáng tạo của Yokoi Gumpei, một kỹ sư bảo trì dây chuyền ráp nối các bộ bài. Yokoi đã giúp ông sáng tạo ra Ultra Hand, một loại cánh tay đồ chơi tự động. Hơn 2 triệu bộ Ultra Hand đã được bán hết sạch trong đợt đầu tiên trong mùa Giáng sinh. Yokoi còn giúp Yamauchi làm ra GameBoy, sản phẩm đồ chơi nổi tiếng nhất của Nintendo. Trong thập niên 80, Nintendo thổi một cơn lốc vào thị trường trò chơi điện tử trên toàn thế giới khi cho ra đời hàng loạt các trò chơi hấp dẫn, từ Atari, Games and Watch, Donkey Kong cho tới Super Mario Brothers.

Cũng vào những năm 80 đó, Yamauchi mở rộng Nintendo sang Mỹ. Ông chỉ định con rể của mình là Minoru Arakawa đảm nhận vị trí quản lý các hoạt động của Nintendo tại đây. Yamauchi từng phải đối mặt với muôn vàn thách thức khi mới “chân ướt, chân ráo” đến thị trường này, nơi đã có các “đại gia” như Radarscope, Space Fever, và Sheriff. Yamauchi quyết định tung ra những sản phẩm trò chơi mới mà người Mỹ chưa từng được chứng kiến trước đó, và “con át chủ bài” sẽ là bộ đồ chơi gồm những chú vật nuôi trong nhà rất ngộ nghĩnh, đáng yêu Shigeru Miyamoto. Cú đánh lớn của Yamauchi vào thị trường Mỹ đã dọn đường cho công cuộc chinh phục thị trường này, cũng là bước mở đầu cho những phát triển tiếp theo của Nintendo tại Mỹ.

Những dấu ấn tạo nên tên tuổi

“Nintendo và Yamauchi luôn sống chết với sản phẩm”- đó là nhận định của các chuyên gia trên thị trường trò chơi điện tử. Và họ hoàn toàn có lý. Không như các đối thủ cạnh tranh, sản phẩm của Nintendo luôn được bổ sung thêm nhiều chức năng mới, chẳng hạn như chức năng máy tính cá nhân. Nintendo hy vọng trong tương lai sẽ thống lĩnh thị trường trò chơi điện tử thế hệ mới như đã từng đứng đầu ngành công nghiệp trò chơi điện tử thế giới từ hàng chục năm qua. Điểm mạnh của Yamauchi là hiểu tâm lý và biết chính xác những sở thích của khách hàng. Các chuyên gia tiếp thị của Nintendo so sánh Yamauchi như một Walt Disney trong lĩnh vực kỹ thuật số. Theo Yamauchi, trong khi các đối thủ lớn hơn như Sony và Microsoft vẫn còn các thị trường khác để phát triển, Nintendo lại chỉ tập trung vào khai thác mảng thị trường trò chơi điện tử từ gần 30 năm qua, nên việc phải sống chết với sản phẩm là điều tất nhiên. Một điểm mạnh đáng gờm của Nintendo là khả năng sáng tạo không ngừng. Vào những năm 80, Nintendo tung ra thị trường loại máy trò chơi điện tử đầu tiên mang tên Famicom. Nintendo đã tiêu thụ được hàng chục triệu bộ và chiếm tới 95% thị trường lúc đó. Năm 1990, hãng lại cho ra đời sản phẩm mang tính cách mạng có tên Super Nintendo với lượng bán ra là 55 triệu bộ. Sản phẩm này được người tiêu dùng ưa chuộng đến nỗi đã bị các đối thủ cạnh tranh làm giả. Tiếp đến là Game Boy, trò chơi điện tử di động đầu tiên, với tổng số bán ra là 120 triệu chiếc. Vào tháng 6 năm 2000, Nintendo lại tạo ra cơn sốt với sản phẩm Game Boy Advance. Chỉ trong vòng 1 tuần, sản phẩm đã bán được 500.000 chiếc ở châu Âu.

GameCube là một trong những sản phẩm thành công nhất của Nintendo và nó đã khiến ông chủ của vương quốc Microsoft thèm muốn. Bill Gates liên tục tỏ ý muốn mua lại bộ phận sản xuất đồ chơi GameCube, nhưng Hiroshi Yamauchi trước sau vẫn một mực từ chối. Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Đức cách đây không lâu, Gates tiết lộ, ông vẫn giữ nguyên mối quan tâm đối với công ty sản xuất thiết bị trò chơi điện tử nổi tiếng này. “Nếu Yamauchi gọi điện ngỏ ý bàn về việc mua bán cổ phần, chắc chắn tôi sẽ sẵn sàng nhấc máy trả lời ngay”,- nhà tỷ phú Mỹ cho biết.

Nintendo đã bán được 800.000 bộ GameCube trên toàn thế giới ngay trong quý đầu tiên ra mắt. Nintendo,cũng đã bán được 3,24 triệu máy trò chơi điện tử cầm tay Game Boy Advance (GBA)trong năm 2004. Trong tháng 5, Nintendo đã đặt mục tiêu bán 6 triệu bộ GameCube và 20 triệu máy GBA trên toàn thế giới trong năm tài chính 2005.

Những năm gần đây, Nintendo mặc sức “làm mưa làm gió” trên thị trường máy trò chơi điện tử cầm tay với sản phẩm Game Boy, nhưng vị trí đó đang bị lung lay trước sản phẩm Play Station Portable (PSP) của đối thủ đáng gờm Sony – hãng diện tử nổi tiếng tại xứ sở hoa anh đào đang muốn lặp lại kỳ tích của mình với sản phẩm Play Station khi bước vào cuộc chơi với tư thế của một kẻ học nghề nhưng đã vươn lên giành ngôi vị số một.

Cuộc chiến trên bộ điều khiển (game console) diễn ra vào nửa cuối thập niên 90 – thời kỳ Nintendo và Sega chia nhau thống lĩnh thị trường trò chơi điện tử với những vị trí tưởng chừng không thể suy suyển. Thế rồi, giống như một pha hành động chớp nhoáng trong trò chơi điện tử, Sony tấn công vào “gót chân Achilles” của cả hai đối thủ và rồi cuối cuộc chiến chỉ còn Nintendo trụ lại được. Sega biến mất khỏi thị trường phần cứng vào năm 2001 và đầu năm nay đã phải sáp nhập vào Sammy, một hãng sản xuất máy pinball của Nhật.

Có được thành công đó là nhờ các sản phẩm của Nintendo luôn duy trì tính độc đáo và tiện dụng. Yamauchi chào hàng GameCube như một sản phẩm máy chơi điện tử độc nhất vô nhị, có nhiều khác biệt so với Xbox và Play Station 2 của Sony và Microsoft. Yamauchi cũng tuyên bố GameCube sẽ có giá rẻ nhất trong dòng sản phẩm cùng loại đang có mặt trên thị trường, ông tin rằng mọi người “sẽ chơi, nhưng không phải chỉ với một chiếc máy điện tử, mà họ chơi với các phần mềm, họ buộc phải mua các phần mềm trò chơi điện tử. Vì vậy, giá của máy phải càng rẻ càng tốt”. Mong muốn đã trở thành hiện thực, các máy GameCube rẻ hơn nhiều lần so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, Yamauchi cũng yêu cầu sản phẩm GameCube phải thật đơn giản để tạo sự thoải mái cho người chơi.

Dự định của Yamauchi lúc còn tại chức và hiện nay vẫn được Nintendo tiếp tục theo đuổi, là sẽ tung ra thiết bị trò chơi điện tử cầm tay DS hai màn hình có thêm tính năng tải phim. Yamauchi tiết lộ kế hoạch kết hợp khả năng tải tín hiệu của DS với việc phát hành phim, nhưng khởi đầu công ty sẽ kinh doanh phim hoạt hình. “Chúng tôi dự kiến thử kết hợp DS với một số rạp chiếu phim. Bằng cách sử dụng chức năng vô tuyến của hệ thống, người sử dụng chỉ cần mang thiết bị DS và phần mềm Pokemon dành cho Game Boy Advance đến rạp hát đã được chỉ định sẽ tải được dữ liệu liên quan đến nhân vật Pokemon mới trong khi bạn xem phim này”- Yamauchi nói.

Rút lui vì lợi ích chung

Vào ngày 31 tháng 5 năm 2002, Yamauchi chính thức rút lui khỏi vị trí chủ tịch Nintendo và chuyển giao quyền điều hành cho Satoru Iwata, giám đốc kế hoạch kinh doanh của tập đoàn. Hiroshi Yamauchi hoàn toàn rút khỏi hội đồng quản trị vào năm 2005 vì lý do tuổi tác và, theo ông, việc này sẽ có lợi hơn cho Nintendo. Yamauchi cũng từ chối khoản trợ cấp lương hưu trị giá gần 14 triệu USD. Ông cho rằng Nintendo nên dùng khoản tiền này để tái đầu tư. “Tôi đã có một thời gian quản lý và điều hành thành công”,- Yamauchi nói,- “Đã đến lúc Nintendo cần một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ hơn và có năng lực hơn. Điều này sẽ tạo ra một phong cách văn hoá mới cho công ty”.

Có thể nói, thành công của Nintendo ngày nay không chỉ đến từ sự sáng tạo mà còn từ những quyết định khôn ngoan của Yamauchi trong việc kiểm soát hiệu quả thị trường phần mềm trò chơi điện tử. Ông được biết đến như một nhà lãnh đạo có đầu óc thực tế và không ngại đánh thẳng vào những điểm khó khăn nhất. Mặc dù Yamauchi tự thừa nhận mình hầu như không biết gì về kỹ thuật phần mềm, nhưng khả năng phán đoán trong lĩnh vực tiếp thị của ông, nhạy bén đến độ gần như bản năng, quả là không chê vào đâu được. Trong lúc rất nhiều người trong công ty phản đối cái tên Donkey Kong dành cho một nhân vật trò chơi điện tử mới, thì Yamauchi vẫn giữ nguyên lập trường. Và thời gian đã chứng minh, cái tên này sau đó được xem là chìa khoá dẫn tới thành công lớn cho Nintendo trên thị trường trò chơi điện tử, thu hút được hàng triệu khách hàng khắp nơi.

Yamauchi đã thực sự lao vào cuộc chơi để đưa Nintendo từ một công ty nhỏ trở thành tập đoàn nổi tiếng trên toàn thế giới. Ở tuổi 70, thú vui của ông là chơi Go, một trò chơi truyền thống của Nhật Bản. Tuy vậy, trong các chiến lược kinh doanh của Yamauchi không có bóng dáng của trò chơi dân gian. Hiện nay, cho dù chỉ là giám đốc của một nhà máy sản xuất bộ bài nhỏ tại Nhật thay vì lãnh đạo tập đoàn sản xuất trò chơi điện tử thành công nhất trên thế giới, Yamauchi vẫn luôn được đánh giá là một trong những người có quyền lực nhất trong thị trường trò chơi điện tử toàn cầu.

iSenpai chia sẻ từ Nhatban.net

Trả lời