Hãy tưởng tượng bạn phải tồn tại một mình trong rừng, không quân trang, không đồng đội, luôn sẵn sàng chiến đấu đến cùng bởi đã nhận mệnh lệnh không được bỏ vị trí? 30 năm ròng rã cắt đứt hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài, không gia đình, không vợ con, không bạn bè, và luôn đối diện với cái chết chỉ vì một lời thề?
Ông Hiroo Onoda, người lính Nhật trong thế chiến đệ nhị vừa mới qua đời ngày hôm qua, làm được điều đó. Sau khi Nhật hoàng đầu hàng Đồng Minh vào tháng 8/1945, ông này vẫn đang nhận nhiệm vụ ở Philippines.
Không hay tin, ông trốn vào rừng và tiếp tục chiến tranh du kích với “kẻ thù” trong suốt 30 năm trời. Ông Onoda chỉ chấp nhận đầu hàng khi chính phủ gửi phái đoàn đến thông báo chiến tranh kết thúc.
Hầu hết các tờ báo lớn của phương Tây đều đưa tin về cái chết của Hiroo Onoda, như Guardian, New York Times, hay Washington Post, không phải bởi ông là Tarzan Châu Á, mà qua câu chuyện cá nhân của ông mới thấy được sức mạnh tinh thần ghê gớm của người Nhật. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đất nước này vượt qua hết gian lao này đến gian lao khác để thành hùng bá một phương.
Một dân tộc không có tài sản hữu hình nào trong tay thì chỉ có tinh thần là vũ khí lợi hại nhất. Trong tinh thần có hai thứ quan trọng là tính nhẫn nại và niềm tin. Người Nhật có cả hai. Chúng ta thì không.
Sẽ không quá đáng lắm nếu bảo người Việt chẳng tin vào thứ gì. Chúng ta đúng là vô thần vô thánh. Hôm nay cúng bái tổ tiên, ngày mai có thể hôi của ngoài đường. Đầu tháng đi lễ chùa, cuối tháng cưỡi xe máy câu trộm chó.
Về cơ bản có một chút tín ngưỡng nào đó cũng chỉ mong các thần thờ lại mình: cầu kiếm được từng này tiền, yêu được từng ấy cô, thăng được bao nhiêu chức. Nghĩ đến chuyện vì đại cuộc quên mình thì ôi thôi, xa vời lắm.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người Việt hay được xếp vào hàng hạnh phúc nhất thế giới. Một mái nhà tranh hai quả tim vàng vẫn thấy vui. Nhưng nếu vậy thì đừng phàn nàn nọ kia là sao mình không được như Nhật, như Singapore, đi lại khắp nơi bị người ta nhòm ngó bởi là người Việt.
Một bài viết gần đây của TS Giáp Văn Dương, đăng lại trên Vietnamnet, cho rằng xã hội đang kiệt quệ niềm tin. Tôi thì cho rằng chúng ta còn không có niềm tin để mà kiệt quệ. Thời đại gần nhất mà dân tộc Việt Nam có niềm tin là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khi đúng là sức mạnh tinh thần vực dậy được yếu kém về vật chất.
Đào được cả thành phố ngầm dưới đất, xẻ núi xẻ rừng làm đường đi, hay ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch, tinh thần đó nếu không hơn thì cũng phải ngang ngửa với người Nhật.
Nhưng như mấy ông siêu Xayda trong truyện tranh Nhật Bản, chúng ta chỉ có sức mạnh khi căm phẫn, khi bị dồn đến bước đường cùng, chứ khi hòa bình thì đâu lại vào đấy. Vui vẻ như anh nông dân cày xong thửa ruộng, nằm trên liếp cỏ ngủ ngon lành, mặc xác đời ra sao thì ra.
Đó là một tâm lý cực kì đáng ngại. Nạn ngoại xâm, suy cho cùng, cũng chỉ xảy ra khi đất nước yếu kém, nhu nhược, điều đó rõ như ban ngày trong lịch sử mấy nghìn năm của người Việt. Nếu chúng ta không có niềm tin, không đồng lòng vì một cái chung gì đó, thì sẽ chẳng khác nào giã từ vũ khí cho kẻ thù.
Và trong thời đại này, sẽ chẳng ai dùng súng, mà sẽ có tiền, có hàng hóa, có phim truyện, có sách báo, có mấy em ca sĩ xinh tươi, đến xâm lược chúng ta. Rồi chúng ta sẽ là một ông Hàn con, ông Tàu con, hay ông Mỹ con, chứ không phải là dân Hùng Vương nữa.
Con nhái ngủ quên trong làn nước ấm sẽ có ngày bị nước đun sôi. Thành nhái ôm măng rồi thì có đủ bảy viên ngọc rồng cũng chẳng hồi sinh được.
Nguồn Người Khởi Nghiệp