Toyota nằm ở vùng Mikawa thuộc tỉnh Aichi (đây cũng là vùng đất sản sinh ra dòng họ Tokugawa – những người đã lập nên Mạc phủ Tokugawa) và từ đó chế ngự cả thế giới. “Tập quán tư duy” của Toyota thừa hưởng “những tư tưởng có tính di truyền” của vùng Mikawa. Rất nhiều công ty như Honda, Suzuki, Yamaha, Kawaii đã cất bước từ vùng đất Mikawa và vùng đất lân cận Totomi tiến lên chinh phục thế giới.
Tại sao từ những vùng đất đặc trưng này lại có nhiều công ty nổi tiếng thế giới đến vậy? Cũng giống vùng đất đã sản sinh ra những thương gia người Do Thái, người Hoa hay người Ấn Độ, phải chăng ở vùng Mikawa này ẩn chứa một bí mật nào đó? Trong cuốn sách này chúng ta hãy thử tìm hiểu điều ấy qua hình ảnh những võ sĩ vùng Mikawa, hình ảnh Tokugawa Ieyasu một vị tướng quân vốn xuất thân từ vùng đất Mikawa có công thống nhất toàn bộ Nhật Bản và “tập quán tư duy” của công ty Toyota, một trong những công ty xe hơi đã và đang bay rất cao, rất xa trên bầu trời thế giới.
Có thể nói những điểm như “vững chãi kiên cường”, “cần mẫn nỗ lực”, “thanh bần tích sản”, “cần kiệm giản dị”, “nhìn xa trông rộng”, “gia đạo an bình” là những đặc trưng trong “tập quán tư duy” của Tokugawa Ieyasu và võ sĩ vùng Mikawa. Bên cạnh vùng đất Mikawa – nơi công ty Toyota ra đời – là vùng Owari – nơi Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi đã sinh ra và lớn lên.
Sự khác biệt giữa Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi thường được cho là do sự khác biệt giữa vùng đất Mikawa và vùng Owari, tuy xét về bản chất hai nơi này là như nhau. Nói rõ hơn một chút, vùng đất Owari giống với Nobunaga, có đôi khi hơi phô trương trong khi Mikawa thì giản dị hơn. Công ty Toyota được cho rằng thừa hưởng “tập quán tư duy” của cả vùng Mikawa lẫn vùng Owari. Sức mạnh của “nền kinh tế Nagoya” không hề chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế bong bóng, cũng có thể nói chính là nhờ thừa hưởng “tập quán tư duy” bám rễ nơi vùng đất này.
Ngay chính bản thân tôi cũng cảm nhận được điều ấy, tuy nó không có cái vẻ bề ngoài hào nhoáng. Như người ta vẫn thường ví von “Nagoya là một vùng nông thôn lớn” còn “Toyota là một lãnh chúa nhà quê”. Chúng ta hãy thử cùng xem xét công ty Toyota từ sáu “tập quán tư duy” của võ sĩ vùng Mikawa.Trước hết là “vững chãi kiên cường”. Cũng giống như các võ sĩ phong trần vùng Mikawa, cho dù là trong nhà máy của Toyota hay tại nhà máy sản xuất hàng kỹ thuật cao hay văn phòng cung cấp phụ tùng đâu đâu cũng là quang cảnh nhân viên làm việc cần mẫn.
Những thực tập sinh người nước ngoài mà tôi có dịp giảng dạy hết sức khâm phục nhân viên công ty Toyota, hình ảnh những công nhân lặng lẽ làm việc trong nhà máy giống y như các “samurai” ngày xưa. Theo kinh nghiệm của chính bản thân tôi, những người thuộc tập đoàn Toyota thường là những người không chú trọng đến cái vẻ hào nhoáng bề ngoài; ấn tượng của họ là nét thật thà chất phác nhưng làm việc hết sức chăm chỉ.
Điều thường được nhắc đến bên cạnh chữ “vững chãi kiên cường” là “cần mẫn nỗ lực”. Đạo báo ân của Ninomiya Sontoku đã có ảnh hưởng sâu rộng và có một sức ảnh hưởng lớn đối với vùng đất Mikawa. Toàn bộ tư tưởng của Ninomiya Sontoku nhìn chung là sự thành chí, là cách sống phù hợp với thu nhập, làm việc chăm chỉ, biết tích tiểu thành đại và biết sống vì người khác.
Nói một cách đơn giản hơn là tư tưởng này cho rằng nếu làm việc chăm chỉ với toàn tâm toàn ý, sống phù hợp với mức thu nhập của mình, nỗ lực miệt mài từng chút một, tiết kiệm để tích lũy của cải, tránh các tranh chấp, một lòng hợp tác làm việc thì sẽ cống hiến được nhiều cho quốc gia, cho xã hội. Tất cả những điều này đã được phát triển thành “tập quán tư duy” và được phổ biến rộng rãi. Có thể nói mọi võ sĩ vùng Mikawa đều kế thừa tư tưởng này và đương nhiên nó cũng có một ảnh hưởng rất lớn đến “tập quán tư duy” của Toyota.
Trong cuốn sách The house of Toyota (Ngôi nhà chung Toyota), tác giả Sato Masaaki viết rằng sau khi tốt nghiệp trường trung học số I, Shoichiro không định thi vào trường Đại học Tokyo nơi Kiichiro và Eiji đã từng học mà lại chọn trường Đại học Nagoya. Nguyên nhân là do lúc đó ý định của Kiichiro muốn cho “người cháu đích tôn của dòng họ Toyoda là Shoichiro phải thấm nhuần khí chất của những võ sĩ vùng Mikawa”.
Kiichiro đang ở giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời con người nên đã có lúc e sợ rằng nếu không để con mình sống ở vùng đại bản doanh của Toyota thì sẽ làm mất đi cơ hội cảm nhận được tinh thần “tập quán tư duy” Toyota vốn có truyền thống từ thời Sakichi là “vững chãi kiên cường” và “cần mẫn nỗ lực”. Chắc hẳn Kiichiro cũng đã phải suy nghĩ rất nhiều để làm sao truyền thống Mikawa và “tập quán tư duy” vẫn được liên tục kế thừa kể cả từ sau thời Sakichi.
Điểm tiếp theo là “thanh bần tích sản”. Từ ngày xưa người ta vẫn thường gọi là ngân hàng Toyota, bởi truyền thống “kinh doanh không vay nợ” của Toyota và cho đến tận ngày nay truyền thống “thanh bần tích sản” ấy vẫn tiếp tục được duy trì. Chúng ta cũng phải thấy hết sức khâm phục bởi “tập quán tư duy” tích lũy tài sản của Toyota khác hẳn với hầu hết các công ty khác của Nhật Bản vốn đều bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế bong bóng.
Miệng lưỡi thế gian thường hay có những câu như “chúng tôi đã chi hàng trăm triệu yên cho ông thì ít ra ông cũng phải thết đãi chúng tôi một bữa tất niên thịnh soạn hơn một chút chứ nhỉ!”, nhưng Toyota không hề lay chuyển gì bởi lẽ “tập quán tư duy” của những võ sĩ vùng Mikawa đã thấm nhuần trong tư tưởng họ. Toyoda Sakichi thường nói “sử dụng tiền khó hơn kiếm tiền”. Miệng hầu bao của Toyota không dễ gì mà hé mở chỉ vì những lời nói khích như vậy.
Chúng ta có thể nhìn thấy hiện tượng này không chỉ ở vùng Mikawa mà ở cả những khu vực phụ cận như là Owari, Mino, Ise v.v. Ở Nagoya, những món ăn sẽ không bán được nếu không bảo đảm về lượng, cụ thể là “thêm phần cơm cho các món mì”. Và hiện tượng mỗi sáng có những người chăm chú theo dõi những tờ quảng cáo trên báo để tìm xem những nơi nào có hàng bán rẻ hơn dù chỉ 1 yên để đi mua hàng không phải là chuyện lạ nơi vùng đất này.
Điểm tiếp theo là “giản dị tiết kiệm”. Tập quán tư duy “vắt giẻ đã khô” nhằm cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất vốn được xem là những yếu tố di truyền được thừa hưởng từ những “tập quán tư duy” của các võ sĩ vùng Mikawa từ thời Tokugawa Ieyasu trở về sau. Cũng có thể nói trong phương châm hành động “3 MU” “muda, muri, mura” để loại trừ những điều (không nhất quán, lãng phí, quá sức) cũng đã thể hiện “tập quán tư duy” này.
Trong cương lĩnh Toyota mà Toyoda Kiichiro đã tổng hợp có khoản ghi “Tránh xa những điều hoa mỹ, đạt đến mức vững chãi kiên cường”. Chỉ một điều này thôi cũng đã khiến chúng ta có thể nhìn thấy tư tưởng cốt lõi của Toyota. Cho dẫu có bị ai đó chê là “quê mùa cục mịch” đi nữa nhưng tinh thần “thân mình thì mình phải giữ” trở thành điểm mạnh của Toyota.
Cần phải nhớ thêm một điều nữa là, rất khó khăn khi ký hợp đồng giao dịch không chỉ với Toyota mà với các công ty khác ở địa phương này. Do ý thức phải giảm chi phí đến mức thấp nhất mà đôi khi việc “cắt giảm ba lần” được áp dụng trong việc quyết định điều kiện hợp đồng. “Cắt giảm ba lần” có nghĩa là khi trả giá sẽ có đề nghị giảm giá lần thứ I, khi ký hợp đồng sẽ có đề nghị giảm giá lần II, và khi trả tiền sẽ có 10% giá trị hợp đồng bị giữ lại trong tài khoản với lý do đảm bảo cho những lần giao dịch về sau. Nếu chúng ta không quen với cách “cắt giảm ba lần” này chúng ta sẽ bị lỗ nặng. Chúng ta thường nghe nói là làm ăn với Nagoya rất khó, chính là do những rắc rối xuất phát từ những điểm khác biệt trong “tập quán tư duy” này.
Tiếp theo là tập quán “nhìn xa trông rộng”. Toyota thừa hưởng yếu tố di truyền của kiểu tư duy “nhìn xa trông rộng” từ thời Tokugawa Ieyasu thống nhất đất nước. Ngay trong thời điểm mà ngành công nghiệp chế tạo xe hơi của Mỹ đang phải đau đầu vì suy thoái thì Toyota giương cao khẩu hiệu “cạnh tranh và hợp tác”, áp dụng chiến lược “chia lửa cho đối phương”, hợp tác với GM, trao đổi kinh nghiệm về phương thức sản xuất Toyota.
Ngày nay, Toyota vẫn đang tiếp tục phát triển thị phần của mình trong nền kinh tế Mỹ. Có thể mọi người cho rằng Toyota tiến chậm ở thị trường Trung Quốc nhưng điều này là một phần của nghệ thuật kinh doanh xuất phát từ tư tưởng “nhìn xa trông rộng” của Toyota. Hình ảnh này của Toyota có thể nói rất giống với hình ảnh Tokugawa Ieyasu trong cuộc chiến với dòng họ Toyotomi.
Cuối cùng là tư tưởng “gia đạo an bình”. Toyota luôn luôn cầu mong sự yên ổn cho tất cả các thành viên trong đại gia đình Toyota. Phương châm của công ty là bảo đảm cơ hội việc làm và coi trọng nhân viên. Trong cương lĩnh Toyota – chỗ dựa tinh thần của Toyota – có một điều khoản là “phát huy tình bạn thân ái, giữ gìn truyền thống tốt của gia đình”. “Tập quán tư duy” này đã kết tinh thành những con người Toyota, và điều làm cho Toyota mạnh hơn chính là ở chỗ hàng chục ngàn con người cùng đồng lòng nhất trí. Xung quanh thành phố Toyoda nơi đặt văn phòng nghiên cứu của tôi, có rất nhiều những điểm vui chơi, nghỉ ngơi dành cho nhân viên Toyota, và chính từ những nơi này đã làm thăng hoa những truyền thống đẹp của gia đình.
Trong khi khuynh hướng mới của chủ nghĩa tự do vốn bắt nguồn từ Mỹ (chủ nghĩa thị trường, tự do cạnh tranh, tự chịu trách nhiệm, cổ đông đóng vai trò quyết định, cắt giảm chi phí lao động…) đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên thế giới, Toyota vẫn duy trì phương châm kinh doanh của mình. Kiichiro vẫn thường nhấn mạnh, Lực lượng lao động không phải là chi phí mà chính là tài nguyên quý giá. Tư tưởng này vẫn còn ăn sâu trong tư duy của Toyota.
Toyota phản đối kịch liệt việc Moody’s đánh giá thấp và cho rằng việc duy trì chế độ tuyển dụng suốt đời không tốt. Tuy nhiên, cho dù là đánh giá của Mỹ đi nữa cũng khó có thể làm suy chuyển những tư tưởng vốn là những yếu tố được di truyền từ các võ sĩ vùng Mikawa thời Tokugawa Ieyasu.Cũng xin bàn thêm về sức mạnh của lòng trung nghĩa của võ sĩ vùng Mikawa. Trong tùy bút Chuyến du hành vào lịch sử của Shiba Ryoutarou có một đoạn như sau: “Ieyasu năm 14 tuổi, lúc vẫn còn làm con tin cho Imagawa Yoshimoto vùng Suruga, có lần được cho phép về quê, và ông đã ở tại Thành Okazaki.
Một buổi tối nọ, lão tướng Torii Tadayoshi hơn 80 tuổi đã đưa chủ tướng Ieyasu đến một cái kho nằm sâu bên trong thành. Đó là nơi Imagawa đã bí mật cất giữ rất nhiều tiền bạc, lúa gạo, vị lão tướng trung nghĩa mới nói, “Khi ngài tự mình gầy dựng sự nghiệp trong tương lai, hãy sử dụng những thứ này để làm quân nhu’”. Nishida Taiji người gây dựng sự nghiệp lại cho Toyota cũng rất thường hay nói rằng “sợ không thể ngẩng mặt lên nhìn chú (ông Sakichi)” và ra sức cố gắng gìn giữ Toyota. Phải chăng “tập quán tư duy” phải bảo vệ chủ nhân cho dù bản thân có phải gặp nguy hiểm, vẫn đang chảy trong huyết mạch của những con người của Toyota hôm nay.
Đối với những người chỉ có mối quan hệ với Toyota mà chưa qua thực tế sẽ khó có thể hiểu hết được sáu “tập quán tư duy” của Toyota. Chủ tịch danh dự của Toyota là Toyoda Eiji trong một buổi họp báo đã từng tự hào nói rằng “Toyota giống như viên kẹo Kintaro, cắt ở đâu cũng thấy giống nhau”. Điều này có nghĩa là, trong các xí nghiệp có liên quan của Toyota, cho dù là Denso hay Aisin Seki thì đều có chung một “tập quán tư duy”.
Nói cách khác, các nhà máy của Toyota đều có cùng “tập quán tư duy” được liên tục kế thừa từ thời Tokugawa. Nếu chỉ nhìn trên bề mặt chắc sẽ có nhận xét cho rằng “ Toyota không phải là viên kẹo Kintaro. Toyota khác với các nhà máy, với các công ty có liên quan”, tuy nhiên nếu chúng ta xem xét vấn đề từ lát cắt của “tập quán tư duy” thì nhận xét của Toyoda Eiji đúng. Như vậy, nếu chúng ta phân tích trên lát cắt “tập quán tư duy” sẽ thấy ở Toyota có “yếu tố di truyền tập quán tư duy”, khác hẳn với “cuộc cách mạng Ghosn” của Nissan và đây là một yếu tố di truyền có tính trội.
Thái Anh – Abviet theo saga trích “Tư duy đột phá” của Giáo sư Hibino Shozo/Đại học Chukyo