Masa, 19 tuổi, sống ở Tokyo cùng bố, mẹ nhưng cậu hiếm khi ra khỏi phòng suốt 2 năm qua. Cậu ngủ cả ngày, đến đêm thì lướt web, chơi game, bữa ăn được mẹ đặt sẵn trước cửa phòng.
Masa là một điển hình của thanh niên Nhật Bản đang trải qua giai đoạn “xa lánh xã hội (hikikomori)”. Báo Guardian cho biết, những đặc trưng của triệu chứng này như một người hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài, họ không đi học, không đi làm mà chỉ ở trong nhà. Thời gian biệt lập kéo dài ít nhất 6 tháng, có khi đến vài năm.
Theo BBC, khoảng hàng trăm nghìn thanh niên Nhật Bản đã hoặc đang trải qua giai đoạn cô lập này. Đối với Hide, rắc rối xảy ra từ khi cậu không muốn đến trường. “Tôi bắt đầu trách móc bản thân, rồi than phiền với bố, mẹ về chuyện không muốn đi học. Áp lực cứ thế lớn dần lên. Từ từ, tôi trở nên sợ hãi với việc phải gặp mặt người khác. Sau đó tôi cảm thấy không thể rời khỏi nhà nữa”, Hide nói. Cậu cắt đứt liên lạc với bạn bè, thậm chí với bố, mẹ. Hide ngủ cả ngày, đêm xuống thì xem truyền hình hoặc chơi game.
Bác sĩ tâm lý Tamaki Saito cho biết, khoảng thập niên 1990, rất nhiều phụ huynh đã tìm đến ông nhờ tư vấn về trường hợp con cái họ muốn bỏ học, bỏ việc và tự nhốt mình trong phòng. Bệnh nhân phần lớn xuất thân trong gia đình trung lưu và là nam giới. “Thực chất họ cũng đang tự dằn vặt trong tâm trí. Họ rất muốn ra ngoài tìm kiếm bạn bè hoặc người yêu, nhưng họ không thể”, Saito nói.
Một số liệu thống kê khiêm tốn cho biết khoảng 200.000 người Nhật Bản đang bị triệu chứng hikikomori. Nhưng khảo sát của Văn phòng Chính phủ Nhật Bản năm 2010 đưa ra con số cao hơn, 700.000 người. Theo bác sĩ Saito, vì người bệnh luôn né tránh và chỉ muốn giấu mình nên con số thật sự có thể cao hơn, vào khoảng một triệu người.
Giáo sư Takahiro Kato (Đại học Kyushu), cho biết phần lớn thanh niên đang trải qua giai đoạn hikikomori không thể hiện những dấu hiệu rối loạn bất thường ra bên ngoài. Căn bệnh này cũng không liên quan tới việc “nghiện” Internet hoặc trò chơi điện tử như một số người vẫn nghĩ. Theo Kato, Internet hoặc game chỉ là cách để người bệnh giảm thời gian phải đối mặt hoặc giao tiếp với những người khác.
Đi tìm nguyên nhân
Những lý do để một nam thanh niên trốn mình trong phòng ngủ rất đa dạng, như bị điểm kém hoặc thất tình. Tuy nhiên, chính việc trốn tránh càng khiến họ tổn thương tâm lý sâu sắc.
Những áp lực bên ngoài xã hội là nguyên nhân quan trọng, mà một trong số đó chính là áp lực của bản thân phải thể hiện mình với cộng đồng. Một người bị hikikomori xa lánh xã hội càng lâu thì anh ta càng cảm thấy sự thất bại trong cuộc sống. Họ mất sự tự tin từng có, và việc phải bước ra cuộc sống càng khiến họ sợ hãi. Trong khi đó, phần lớn phụ huynh ngại ngùng nếu thừa nhận chuyện con cái đang mắc bệnh tâm lý, nên họ cố đợi vài tháng trước khi nhờ đến các chuyên gia vì bất lực.
Nguyên nhân thứ hai, theo giáo sư Kato, nằm ở “sự thay đổi lối sống và cuộc sống xã hội trên toàn thế giới”. Trước đây, một gia đình truyền thống gồm các con sống chung mái nhà với bố, mẹ và ông, bà. Tuy nhiên, mô hình này đã thay đổi khi một gia đình chỉ còn bố, mẹ đi làm, và họ sinh ít con hơn, cũng không còn họ hàng thân thiết xung quanh để sẵn sàng hỗ trợ.
Áp lực xảy ra khi phụ huynh muốn các con, đặc biệt là con trai cả, phải có việc làm tốt, hoàn thành trách nhiệm xã hội và gia đình. Cậu Matsu bắt đầu bị hikikomori sau một thời gian dài bất đồng với bố về nghề nghiệp và con đường tương lai. “Bố, mẹ muốn tôi đi theo hướng mà tôi không thích. Bố tôi là một họa sĩ, ông có một công ty riêng và ông muốn tôi cũng như vậy. Tuy nhiên, tôi muốn trở thành một lập trình viên máy tính và làm việc tại một công ty lớn. Bố bảo rằng: ‘Đừng trở thành một người làm công ăn lương'”, Matsu kể trên BBC.
Andy Furlong, một nhà khoa học tại Đại học Glasgow, cho rằng hikikomori có liên quan tới tình trạng “bong bóng kinh tế” thập niên 1980 và sự suy thoái thập niên 1990 ở Nhật Bản. Theo đó, quan niệm rằng học giỏi ở bậc đại học sẽ bảo đảm công việc tốt đã không còn đứng vững. Thế hệ trẻ Nhật Bản phải đối mặt với những lựa chọn việc làm ngắn hạn, hoặc bán thời gian. Tuy nhiên, những người lớn tuổi ở Nhật Bản đã xây dựng sự nghiệp ổn định khoảng thập niên 1970 không thông cảm với thực trạng này. “Cơ hội việc làm đã thay đổi đáng kể. Tôi không nghĩ mọi gia đình đều biết cách xử lý khéo léo”, ông Furlong nói.
Phản ứng chung của phụ huynh là la mắng, giảng giải với các con, khiến họ càng thêm mặc cảm vì cho rằng bản thân là một điều khiến gia đình xấu hổ. Matsu tỏ ra ghen tị với em trai vì cậu ta hoàn toàn được làm những chuyện mình yêu thích. “Tôi trở nên gay gắt hơn, từ đó sống cách ly với gia đình”, Matsu nói.
Nguồn Zing