Tôi biết rằng có rất nhiều người không đồng ý với nhận định này, nhưng theo tôi đó là sự thật.
Rất nhiều người Việt nói với tôi rằng, người Việt Nam nói tiếng Anh tốt hơn so với người Nhật Bản. Tôi không biết tại sao có những người tin điều này, bởi vì người Nhật Bản có thể phát âm “s” và “th” mà không có bất kỳ vấn đề gì, trái ngược hoàn toàn với người Việt Nam.
Tôi đã sống và dạy tiếng Anh ở cả Việt Nam và Nhật Bản. Tôi nhận thấy sự khác biệt rõ nét trong phương pháp giảng dạy Anh văn và cách biên soạn sách giáo khoa tiếng Anh ở hai quốc gia Châu Á. Điều này sẽ giải thích tại sao tôi lại “mạnh mồm” phát ngôn nhận định trên.
Sự “thất bại” của hệ thống trường học Việt Nam nằm ở chỗ: các nhà giáo dục nước Việt Nam đã bỏ bê tính sáng tạo trong nghiên cứu ngôn ngữ. Bản thân ngôn ngữ có thể biến hóa không giới hạn về ngôn từ, cách sắp xếp… theo những cách độc đáo và hấp dẫn rất riêng. Đối với tiếng Anh nói riêng, hay tất cả các ngôn ngữ khác, nói chung, chúng ta không thể học giỏi bất cứ ngôn ngữ nào mà chỉ dựa vào một cuốn sách giáo khoa cũ, tái bản từ năm này sang năm khác với vô số lỗi sai. Điều mà tôi thường thấy ở các cuốn sách giáo khoa dạy ngoại ngữ tại Việt Nam.
Còn ở đất nước Hoa anh đào thì mọi chuyện như thế nào? Có thể nói, hệ thống giáo dục ngoại ngữ ở Nhật Bản là tuyệt vời. Mỗi cuốn sách giáo khoa dạy Anh văn đều được nghiên cứu biên soạn sao cho phù hợp nhất với học sinh, sinh viên Nhật Bản. Một số trường có thể biên soạn giáo trình dạy Anh văn riêng của mình nếu giáo trình đó được thông qua.
Các sách giáo khoa tập trung vào ngôn ngữ thực tế mà có thể được sử dụng trong các cuộc trò chuyện hàng ngày. Trong đó, mỗi chủ đề của tiết học đều có sự lồng ghép về văn hóa Nhật Bản và nước ngoài nữa. Mức độ khó của các bài học cũng được nâng cao dần dần theo từng cấp học.
Không chỉ tập trung vào ngôn ngữ giao tiếp, văn phong học thuật cũng được chú trọng nhưng hoàn toàn không gâp áp lực cho học sinh, sinh viên. Cơ sở vật chất phòng học ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh, rất thân thiện với học sinh như bảng gấp, bản đồ, thẻ nhớ… Các hoạt động ngoại khóa sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giao tiếp giúp học sinh Nhật Bản học tập tích cực hơn.
Ở Việt Nam, việc học tiếng Anh thường được sử dụng như một công cụ để kiếm tiền. Trường mở các lớp học lớn và cố gắng nhồi nhét càng nhiều học sinh càng tốt. Họ chỉ sử dụng những cuốn sách photo giá rẻ. Mà những tài liệu photo ấy được copy từ các cuốn sách dạy tiếng Anh không dành cho những người Việt. Việc nghiên cứu làm thế nào để cải thiện chất lượng học ngoại ngữ cho học sinh sinh viên chưa thực sự được coi trọng. Vì vậy các lớp học trở nên nhàm chán, lãng phí thời gian và tiền bạc.
Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam nói tiếng Anh lưu loát đã tăng lên, nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực. Trước khi một bộ sách giáo khoa dạy tiếng Anh đặc biệt dành cho người Việt được nghiên cứu biên soạn, thì người Việt sẽ tiếp tục nói tiếng Anh kém hơn so với nước láng giềng Nhật Bản./.
Nguồn CTV Jesse Peterson/VOV.VN