Kể từ sau khi thời kì kinh tế bong bóng sụp đổ, Nhật Bản lần lượt phải trải qua nào là giảm phát kéo dài, khủng hoảng Lehman năm 2008, rồi bị mất ngôi cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới vào tay Trung Quốc, đến mức nhiều ý kiến bi quan cho rằng đã mất niềm tin vào kinh tế Nhật. Thế nhưng, chúng ta hãy thử nghĩ lại xem “Vì sao cách đây 67 năm từ một bãi di tích bị tàn phá sau chiến tranh, nhưng bây giờ Nhật Bản đã phát triển làm cho cả thế giới bất ngờ?”.
Kinh tế Nhật bắt đầu phát triển là nhờ vào GHQ
GHQ là viết tắt của General Headquarters – Tổng tư lệnh chỉ huy quân đội cấp cao của Mỹ. Với sự đứng đầu của tư lệnh MacArthur, được cử tới Nhật ngay sau thế chiến lần thứ 2 với nhiệm vụ giám sát, đảm bảo Nhật không tiếp tục gây chiến tranh, hoặc biến nước Nhật thành nước không thể gây chiến tranh được nữa. MacArthur đã phân tích tình hình đất nước trên khía cạnh kinh tế.
Thời bấy giờ, kinh tế Nhật Bản hầu như bị nắm giữ bởi những tập đoàn tài phiệt lớn, chi phối thị trường. Những nhà kinh doanh không thể phát triển nổi trong môi trường không có cạnh tranh tự do như thế đã lần lượt kéo nhau ra nước ngoài như Trung Quốc, Đông Nam Á. Trong lúc đó, trong nước lại cấm không được thành lập những công đoàn lao động, người lao đông không được bảo hộ về thu nhập. Lương thấp, người lao động thắt chặt chi tiêu, chính điều này làm kìm hãm sự phát triển kinh tế. Một khía cạnh khác nữa là đất nông nghiệp. Đất nông nghiệp đều là sở hữu của các nhà địa chủ lớn. Người nông dân chỉ được thuê đất và canh tác trên mảnh đất mà phải nộp một nửa số thu hoạch cho địa chủ. Người nông dân dẫu có gọi là làm việc nhưng vì làm việc trên đất không phải của mình nên hầu như không có tinh thần lao động, lượng sản xuất thấp, nước Nhật luôn trong tình trạng thiếu lương thực.
Lạm phát cực độ sau chiến tranh
Bại trận sau chiến tranh, quân đội tan rã, đất đai bị tàn phá, trong nước hầu như không còn gì. Trong khi đó, chính phủ phải trả tiền bồi thưởng cho 7 triệu binh lính trở về từ nước ngoài. Xã hội lúc bấy giờ rơi vào hoàn cảnh người thì có tiền mà của thì ít. Và điều hiển nhiên sẽ xảy ra là giá cả tăng chóng mặt, gây lạm phát cực độ.
Để giải quyết tình trạng lạm phát này, chính phủ Nhật và quân đội chiếm đóng GHQ đã áp dụng chính sách “đổi tiền Yen mới”, “phong tỏa tiền gửi ngân hàng”. Tháng 2 năm 1946, lần đầu tiên chính phủ thông báo đồng tiền cũ sẽ không sử dụng được nữa và kêu gọi người dân hãy nhanh chóng gửi tiền vào ngân hàng. Sau khi lượng tiền lưu thông ngoài xã hội được tập trung lại, chính phủ phong tỏa ngân hàng. Số tiền rút ra bị giới hạn, và tiền rút ra được đổi sang tiền mới. Lượng tiền lưu thông bên ngoài dần được kiểm soát, và lạm phát bắt đầu giảm.
Ba chính sách của GHQ
1. Giải tán tài phiệt
Thời bấy giờ có nhiều nhà tài phiệt nắm giữ kinh tế Nhật, nổi bật trong đó là 4 nhà tài phiệt lớn: Mitsui, Mitsubishi, Sumitomo và Yasuda. Trong đó, Mitsui và Mitsubishi là một đại gia đình, nắm giữ cổ phiếu của nhiều công ty lớn và các công ty nhỏ dưới công ty lớn đó. Người cùng dòng họ lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các công ty. Sự chênh lệch giàu nghèo lúc đó ít ai bây giờ có thể hình dung nổi. Ví dụ như tiền thưởng kì nghỉ đông của một nhân viên trong một công ty của một nhà tài phiệt lớn có thể đủ mua một căn nhà trong nội thành Tokyo. Nếu như tính theo giá cả hiện nay có thể hình dung khoảng 5 triệu Yen, có thể nói là khoảng cách một trời một vực với người nghèo.
GHQ đã tiến hành giải tán tài phiệt bằng cách chia các công ty của một tập đoàn ra làm nhiều công ty khác nhau, đổi tên công ty. Nếu như trước đó trong một ngành chỉ có đúng một tập đoàn lớn độc chiếm thị trường thì hiện nay đã có nhiều công ty cùng cạnh tranh tự do. Kinh tế Nhật ở chế độ phong kiến dưới hình thức tài phiệt đã bắt đầu chuyển sang chế độ tư bản một cách chính thức.
2. Thành lập công đoàn lao động
Tháng 3 năm 1946, công đoàn lao động được thành lập. Theo suy nghĩ của GHQ, người lao động được tăng lương, bảo hộ về đời sống sẽ làm tăng chi tiêu, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Kinh tế trong nước phát triển thì Nhật Bản không cần thiết phải đi xâm chiếm nước khác nữa. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp do bất đồng ý kiến với chính phủ, công đoàn lao động tổ chức biểu tình kéo dài, gây rối loạn tình hình đất nước.
3. Giải phóng đất nông nghiệp
Nếu như trước chiến tranh, người nông dân canh tác dưới đất của địa chủ và phải nộp một nửa số thu hoạch cho địa chủ, thì sau khi chính sách đất nông nghiệp được tiến hành, người nông dân được sở hữu đất của riêng mình. Vì là đất của mình, sản phẩm thu hoạch được hưởng toàn bộ nên người dân tích cực lao động hơn. Nền nông nghiệp Nhật Bản phát triển mạnh, giải quyết được tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trước chiến tranh đến mức ở vùng Tohoku có người chết đói vì không trồng được lúa do thiệt hại vào thời tiết lạnh. Đồng thời, chính phủ cũng tiến hành chính sách sản xuất điện lực, các công trường sản xuất phân bón hoạt động, góp phần làm tăng sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, chiến tranh Triều Tiên cũng giúp kinh tế Nhật phát triển
Cũng giống như Hàn Quốc trở nên giàu có nhờ vào chiến tranh Việt Nam, Nhật Bản cũng được hưởng lợi nhờ vào chiến tranh Triều Tiên. Tất cả các vật tư cần thiết phục vụ cho chiến tranh từ trang phục binh lính đến lương thực, thuốc thang đều được Mỹ đặt hàng ở Nhật. Các công trường Nhật hoạt động không ngừng, thu nhập tăng nhanh, và kinh tế phát triển mạnh. Thu nhập người dân tăng cao bắt đầu từ việc nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng.
Năm 1960, thủ tướng đương thời Hayato Ikeda đã tuyên bố trước phóng viên báo chí trong vòng 10 năm sẽ làm tăng thu nhập của người dân lên gấp đôi. Lúc đó có nhiều ý kiến cho rằng đó chỉ là giấc mơ viển vông, hoặc lời tuyên bố hàm hồ, nhưng quả thực ông đã làm được như vậy.
Để phát triển kinh tế, việc đầu tiên trong kế hoạch làm tăng thu nhập của thủ tướng Ikeda là xây dựng lại đường phố. Đường phố nếu không được trùng tu thì việc vận chuyển hàng hóa sẽ tốn rất nhiều thời gian. Đồng thời, các bến cảng cũng được tu sửa, xây dựng giúp cho việc lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước trở nên thuận lợi hơn.
Trong lúc đó, ngân hàng Nhật Bản tích cực kêu gọi người dân gửi tiết kiệm để tăng lượng tiền tích trữ. Ngân hàng dùng tiền này cho các công ty vay để xây dựng, vận hành công trường sản xuất, tiến hành kinh doanh, qua đó làm kinh tế tổng thể của cả nước phát triển. Năm 1964, tuyến tàu cao tốc Tokaido trọng điểm kết nối Tokyo và Osaka cũng được xây dựng nhờ vào nguồn vay từ ngân hàng.
Ngoài ra, những dự án xây dựng lớn nhờ vốn vay ngân hàng còn có tuyến đường cao tốc Tomei, Meishin. Nhờ vào 3 tuyến đường này mà người và của được vận chuyển một cách dễ dàng, kinh tế nhờ đó mà ngày càng phát triển.
Thu nhập của người dân ngày càng tăng cao thì nhu cầu tiêu dùng cũng càng lớn theo. Thời đó, cụm từ “3C” được dùng để gọi 3 mặt hàng được yêu chuộng, đó là điều hòa (cooler), ti vi màu (color tivi), và ô tô (car). Người dân khi có tiền bắt đầu sắm sửa đồ đạc, xe cộ. Không những thế, từ cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70, người Nhật trở nên giàu có, và ước mơ đi du lịch nước ngoài đã không còn trở thành việc quá tầm tay đối với họ nữa.
Sau chiến tranh, nước Nhật phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ vào chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, đất nước đã phát triển một cách tuyệt vời, người dân từ trong đói nghèo để trở thành người giàu có. Từ đó tới nay, Nhật cũng phải trải qua nhiều thời kì nào là khủng hoảng kinh tế, nào là giảm phát, có khi còn gặp phải sự trêu ngươi của tạo hóa. Tuy nhiên, kì tích phát triển của Nhật Bản là một sự thực mà có thể là một bài học cho bất cứ một quốc gia nào hiện nay.
Nguyễn Thị Ngọc Anh
Tài liệu tham khảo: 「池上彰のやさしい経済学」 池上彰2012