Một góc Tokyo – Ảnh: Gatty Images
Đây là năm thứ 24 liên tiếp Nhật là chủ nợ lớn nhất thế giới, với tài sản ròng cao hơn Trung Quốc tới 71%, dù Trung Quốc đã vượt Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ năm 2010.
Tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật tăng 13% trong năm ngoái lên mức 367.000 tỷ Yên (3.000 tỷ USD), trong đó thay đổi về tỷ giá giúp tài sản của quốc gia này ở nước ngoài tăng tới 19%, theo dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật công bố.
“Đây là kết quả của việc đầu tư ra nước ngoài tăng lên kết hợp với hiệu ứng của tỷ giá hối đoái”, nhà phân tích Izumi Devalier của ngân hàng HSBC nói.
Đồng Yên đã liên tiếp giảm giá trong hai năm qua do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản “cởi trói” cho hoạt động mua vào trái phiếu nhằm kích thích nền kinh tế vốn phải vật lộn với tác động của một đồng tiền mạnh cũng như tình trạng giảm phát hơn một thập kỷ qua.
Tính từ đầu năm 2013 đến nay, đồng Yên đã trượt giá 29% so với đồng USD, theo Bloomberg.
Mỹ hiện là nước G7 có nhiều nợ nhất, một phần do các quốc gia khác đều muốn đầu tư vào trái phiếu Mỹ, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước mua nhiều trái phiếu Mỹ nhất.
Dù đồng Yên gần đây khá ổn định so với USD do giới đầu tư nhận định Mỹ ít có khả năng nâng lãi suất, đồng nội tệ của Nhật Bản vẫn có thể tiếp tục giảm giá, theo nhận định của chiến lược gia về tiền tệ Daisaku Ueno của MUFJ Morgan Stanley.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới đây trì hoãn việc đưa ra các động thái kích thích kinh tế mới, dù việc nền kinh tế tăng trưởng chậm và giá cả đứng yên có thể khiến cơ quan này phải tiến hành các biện pháp mới trong nửa sau của năm.
“Nền kinh tế vẫn ở trạng thái gần như bất động, sức ép giá cả không đáng kể, nên Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ chịu sức ép phải nới lỏng chính sách thêm một lần nữa”, nhà phân tích Devalier nói.
Theo Diệu Minh
VnEconomy