Tại Nhật Bản, các siêu thị không chỉ có quy định với khách hàng mà còn có cả quy định đối với nhân viên, ví dụ: nhân viên không được mang rác đi ra khỏi siêu thị.
Cách đây không lâu, một khách du lịch là người Trung Quốc đã tới siêu thị tại Hokkaido mua một ly kem và ăn luôn trong siêu thị. Nhân viên cửa hàng đã yêu cầu vị khách hàng này đi ra bên ngoài siêu thị để ăn. Vị du khách Trung Quốc nghĩ rằng mình bị đuổi nên hai bên đã phát sinh xung đột, vị du khách Trung Quốc đã đánh trọng thương nhân viên siêu thị và bị bắt giữ.
Sở dĩ xuất hiện tình huống như vậy, là vì du khách Trung Quốc đã không hiểu rõ về quy định của siêu thị. Nếu như khách được quyền ăn tại siêu thị, nhân viên siêu thị sẽ khó phát hiện được mặt hàng đó là của siêu thị hay đã được khách mua rồi. Vì vậy, ở những siêu thị lớn sẽ có những khu vực nhỏ phục vụ cho khách ăn nhanh.
Nhật Bản là một quốc gia rất nghiêm khắc trong việc quản lý rác, vứt rác bừa bãi không chỉ bị phạt tiền mà việc vứt rác cũng phải theo thời gian quy định. Cho nên, việc xử lý rác như nào cũng là một vấn đề khiến nhiều gia đình đau đầu. Tuy nhiên, tại siêu thị lại có quy định nhân viên không được đem rác ra khỏi siêu thị, điều này là vì sao?
Trước đó không lâu, một nhân viên siêu thị phát hiện một hộp thức ăn quá thời hạn, về nguyên tắc là phải xử lý như rác rưởi nhưng cô ấy đã không nỡ mà mang về nhà làm bữa ăn khuya. Sau đó, sự việc bị người quản lý phát hiện và người quản lý đã ngăn lại đồng thời cũng báo cáo lên cấp trên, cuối cùng cô nhân viên này bị sa thải ngay lập tức.
Nhân viên siêu thị đó có cuộc sống sinh hoạt tương đối khó khăn, nhặt hộp đồ ăn dù còn chưa được ăn mà lại bị sa thải nên cảm thấy vô cùng tức giận. Cô liền đến văn phòng luật sư xin tư vấn: “Tại sao hộp đồ ăn quá hạn, siêu thị bỏ đi mà mình mang về nhà lại không được phép?“
Kết quả, vị luật sư nói cho cô ấy biết, vấn đề mấu chốt không phải là hộp đồ ăn đó đã là rác hay chưa mà là ở việc ai là chủ sở hữu của số rác đó. Hộp đồ ăn cho dù đã trở thành rác, nhưng trước khi xe rác đến thì theo quy định của pháp luật nó vẫn là rác thuộc quyền sở hữu của siêu thị. Nếu trước khi lấy đi mà không được sự đồng ý của siêu thị thì hành vi đó của nhân viên này cũng có cùng tính chất với hành vi “trộm cướp”. Căn cứ theo điều 235 pháp luật hình sự Nhật Bản, hành vi này sẽ bị phạt tù có thời hạn dưới 10 năm và phạt tiền dưới 500.000 yên nhật (khoảng 90 triệu vnđ).
Vị luật sư còn nói rằng, việc siêu thị lựa chọn hình thức cho nhân viên này nghỉ là một cách giải quyết “êm đẹp” giữa hai bên bởi nếu theo đuổi sự việc sẽ khiến sự việc ngày càng phức tạp. Nhân viên này sau khi nghe tư vấn xong đã hiểu rõ và không còn oán trách phía siêu thị nữa.
Có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc siêu thị tại Nhật Bản quy định không cho phép nhân viên mang rác ra khỏi siêu thị:
1. Phục vụ cho việc quản lý
Siêu thị Nhật Bản có yêu cầu nghiêm khắc đối với việc nhập hàng và xuất hàng mỗi ngày. Hàng ngày đều phải báo cáo về nhập hàng và xuất hàng, trên nguyên tắc chính xác và cân bằng.
Hàng hóa quá hạn phải được ghi chép cụ thể vào sổ sách và báo cáo lên trên mới được phép xử lý như rác rưởi. Những mặt hàng có giá trị lớn phải được đưa về tổng bộ để kiểm tra và hạch toán chi phí, những mặt hàng có giá trị thấp không cần phải đưa về tổng bộ mà chỉ cần ghi lại, nhưng tổng bộ sẽ có những đợt kiểm tra thí điểm.
2. Tránh sơ hở trong nhân viên
Quy định nhân viên không được mang “rác rưởi” ra ngoài còn để hạn chế việc nhân viên cố tình biến hàng hóa thành hàng “hết hạn”, mất chất lượng để tự ý mang đi. Cuối cùng sẽ không phân biệt được vật phẩm mà nhân viên mang đi là “rác rưởi” hay vẫn là thương phẩm có chất lượng tốt.
Đối với những mặt hàng sắp hết hạn, các siêu thị Nhật Bản sẽ xử lý theo phương pháp giảm giá bán cho khách hàng. Cho dù siêu thị không cho phép nhân viên lấy những vật phẩm này như là hàng hóa bỏ đi nhưng sẽ cho phép họ mua lại với giá thấp.
3. Yêu cầu về an toàn thực phẩm
Có những thực phẩm vừa quá thời hạn nếu khách hàng ăn vào sẽ bị ngộ độc ngay lập tức như đồ biển, cá lóc…Khi đó trách nhiệm sẽ thuộc về siêu thị, siêu thị phải chịu trách nhiệm về những tổn hại mà khách hàng ăn phải. Vì vậy, việc cấm nhân viên mang thực phẩm hết hạn ra ngoài siêu thị xem ra thì có vẻ “không có tình” nhưng lại đề cao ý thức về an toàn thực phẩm cho nhân viên.
Như vậy việc nghiêm cấm nhân viên mang thực phẩm được xem như rác này ra khỏi siêu thị vừa để tiết kiệm cho siêu thị, nâng cao ý thức đạo đức cho nhân viên và đồng thời còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dùng.
Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch (daikynguyenvn.com)