Hôm qua 10-12, Tòa án Tokyo (Nhật Bản) bắt đầu mở phiên xét xử ông Koichi Aoyagi (67 tuổi) một giáo sư danh tiếng của Trường Luật thuộc Đại học Meiji, Tokyo liên quan đến bê bối chấn động là để lộ đề thi cho sinh viên tham gia kỳ sát hạch để trở thành luật sư hồi tháng 5-2015.
Bê bối chưa có tiền lệ
Giáo sư Aoyagi là một trong số 132 chuyên gia được chính phủ mời tham gia xây dựng bộ đề cho kỳ kiểm tra năng lực để được cấp phép hành nghề luật sư năm nay. Vụ bê bối bị đưa ra ánh sáng sau khi một giám khảo chấm thi nhận thấy câu trả lời của ứng viên có nhiều điểm đáng ngờ. Điều tra của Bộ Tư pháp cho thấy, phần trả lời của thí sinh này tương tự như đáp án mà Giáo sư Aoyagi đề ra và có những chi tiết “không thể trả lời được nếu không biết đề trước”.
Hôm 8-9-2015, Bộ Tư pháp công bố đã chuyển tài liệu điều tra về việc này cho cơ quan điều tra hình sự. Nữ Bộ trưởng Bộ Tư pháp Yoko Kamikawa nhấn mạnh, đây là vụ bê bối chưa từng có tiền lệ khi mà Giáo sư Aoyagi là học giả nổi tiếng, từng xuất bản 20 đầu sách luật lại bị khởi tố vì vi phạm luật pháp. “Điều này thật đáng tiếc” – bà Yoko Kamikawa nói.
Được biết Giáo sư Aoyagi tham gia soạn câu hỏi cho kỳ thi này từ năm 2006 với chuyên ngành Luật Hiến pháp. Trong kỳ thi này, 1.850 trong tổng số 8.016 người dự thi đã đỗ trong bài kiểm tra năng lực để được cấp phép hành nghề luật sư. Sau khi sự việc vỡ lở, Bộ Tư pháp đã rà soát toàn bộ phần trả lời về Luật Hiến pháp với những thí sinh đã trúng tuyển và không thấy dấu hiệu vi phạm nào khác.
Giới truyền thông đưa tin, thí sinh có bài kiểm tra đáng ngờ là nữ giới, ở độ tuổi 20, đã tốt nghiệp Trường Luật thuộc Đại học Meiji. Theo điều tra của Bộ Tư pháp, Giáo sư Aoyagi được cho là đã phụ đạo cho thí sinh trước kỳ thi. Vị giáo sư cũng thừa nhận, ông quý sinh viên này và muốn cô thi đỗ. Sau sự việc, ông Aoyagi đã bị nhà trường sa thải, sau đó bị gạt ra khỏi hội đồng soạn thảo đề thi sát hạch luật sư của Bộ Tư pháp. Thí sinh thừa nhận đã gian lận cũng bị cấm tham gia kỳ thi này trong vòng 5 năm. Còn tại phiên tòa ngày 10-12, ông Aoyagi bị đưa ra truy tố vì vi phạm các nghĩa vụ pháp lý về bảo mật được quy định trong Luật Dịch vụ công quốc gia.
Nguyên nhân sâu xa
Dù Bộ Tư pháp Nhật Bản kết luận đây chỉ là một trường hợp tiêu cực mang tính cá nhân, nhưng giới luật sư và truyền thông cho rằng sự việc còn có nguyên nhân sâu xa khác. Thực tế, các trường đại học đang chịu áp lực lớn trong việc đẩy mạnh số lượng thí sinh đỗ kỳ thi sát hạch luật sư này. Ông Toru Ino, một luật sư ở Hokkaido nhận định: “Tôi cho rằng các trường luật dễ dẫn đến gian lận, bởi tỷ lệ sinh viên vượt qua kỳ thi danh giá này ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền trợ cấp mà trường đó nhận được từ Bộ Giáo dục”.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đang thắt chặt chất lượng đầu ra của luật sư. Sự gia tăng nhanh chóng đội ngũ luật sư trong cả nước đã tạo ra sự cạnh tranh quá mức trong giới này. Ông Shinichi Sakano, một luật sư ở Osaka phân tích: “Theo hệ thống sát hạch cũ, mỗi kỳ thi chỉ có 2% số thí sinh trúng tuyển làm luật sư, vì thế vượt qua kỳ thi này là phần thưởng danh giá để ứng viên có một sự nghiệp, đảm bảo cuộc sống có thu nhập cao trong tương lai. Tuy nhiên, do chính phủ cần tăng số lượng luật sư trong thời gian ngắn, mức thu nhập của các luật sư đã giảm đáng kể, do đó chất lượng của sinh viên bị giảm sút”.
Một bài xã luận của Japan Times về vụ việc này có đoạn viết: “Chưa đề cập đến việc vị giáo sư danh tiếng có nhận tiền từ thí sinh hay không, chỉ riêng việc để lộ đề thi của ông đã thật đáng trách, bởi nó là sự phản bội niềm tin của các ứng viên tham gia kỳ thi cũng như dân chúng nói chung”.
Theo An ninh thủ đô