Có một câu nói nổi tiếng ở Nhật: “Nếu bạn là giáo viên trung học mà không biết đến Adachi Mitsuru thì bạn đừng làm giáo viên nữa thì hơn”. Adachi Mitsuru là một trong những họa sĩ truyện tranh có sức ảnh hưởng lớn nhất đến giới học sinh Nhật kể từ những năm 80 của thế kỷ trước đến tận bây giờ. Ở Việt Nam, người hâm mộ thường thân mật ông là bố già Adachi, một phần vì ông “già” so với những độc giả của mình, một phần vì những triết lý sâu xa đậm tính giáo dục tới giới trẻ giống như lời dạy dỗ tinh tế của một người cha trong những câu chuyện của ông. Hầu hết những người Nhật ở đủ thế hệ tôi có dịp nói chuyện đều biết đến những tác phẩm nổi tiếng nhất của Adachi như Touch hay Cross game cùng lối vẽ độc đáo cũng như những câu chuyện thú vị của ông.
Chủ đề chính trong các tác phầm của Adachi là thể thao trong bối cảnh học đường, đặc biêt bóng chày và giấc mơ Koshien là nguồn cảm hứng vô tận trong các sáng tác của ông. Hai bộ truyện đưa tên tuổi ông lên địa vị siêu sao trong giới truyện tranh Nhật Bản là Nine và Touch đều có chủ đề về bóng chày. Các chàng trai cô gái trong các tác phẩm của Adachi có một sự gắn bó với thể thao và luôn phấn đấu theo đuổi những ước mơ đẹp đẽ của tuổi trẻ. Trong Touch, hai anh em nhà Uesugi, Tatchan và Katchan thay nhau cố gắng đưa đội bóng Meisei đến với vòng chung kết giải bóng chày học sinh mùa hè ở sân vận động huyền thoại Koshien như mong ước của cô bạn hàng xóm Minami. Koh và Akaishi trong Cross game chơi bóng chày là để hiện thực hóa giấc mơ của Wakaba, mối tình đầu của cả hai đã qua đời trong một tai nạn hồi tiểu học, là nhìn thấy Koh ném bóng cho Akaishi bắt ở sân vận động Koshien đầy ắp khán giả. Những rung động của tuổi học trò cũng thường được gắn với thể thao khi các cô gái thường yêu thích hoặc chơi một môn thể thao nào đó (bóng chày, điền kinh, boxing, nhảy cầu,…) và các chàng trai cũng là người hùng trong các môn thể thao ấy. Adachi cũng có một vài tác phẩm không gắn với đề tài thể thao như Miyuki , Itsumo Misora hay Ớt bảy màu nhưng các tác phẩm về thể thao học đường mới là những tác phẩm định hình nên phong cách của ông.
Lối vẽ của Adachi không phức tạp nhưng ông là bậc thầy trong việc diễn tả cảm xúc chỉ qua những nét vẽ đơn sơ. Tính cách nhân vật của Adachi hiện ra thú vị sau những nét vẽ đơn giản mà tinh tế. Nhiều người cho rằng Adachi là một tác giả nhàm chán khi mà nét vẽ và cốt truyện trong nhiều tác phẩm của Adachi luôn nhìn hao hao nhau nhưng chính điểm này đã tạo nên một nét đặc trưng đáng yêu rất Adachi. Adachi cũng là một tác giả rất tinh nghịch. Thỉnh thoảng trong các tác phẩm của ông có xuất hiện một nhân vật mangaka đeo kính làm những hành động ngộ nghĩnh như chú thích một tình tiết trong truyện hoặc than vãn về nỗi khổ của các họa sĩ vẽ truyện tranh trong sức ép đăng bài của các nhà xuất bản. Các nhân vật của Adachi cũng thường tương tác với độc giả qua những hành động và lời thoại rất đáng yêu. Tình tiết trong truyện của Adachi cũng rất hóm hỉnh, vui nhộn nhờ khả năng biểu đạt cảm xúc nhân vật tinh tế của ông. Nhưng Adachi cũng rất biết cách tạo ra những tình tiết cảm động ví dụ như trong Touch khi huấn luyện viên khó tính của Meisei giấu đội bí mật đi mổ mắt, người duy nhất trong đội biết chuyên này là Uesugi Tatsuya đã chỉ đạo cả đội chạy khởi động quanh bệnh viện và căn đến đúng lúc chạy ngang qua phòng bệnh của thây rồi dừng lại hét thật to “Fighting!” để động viên.
Các thông điệp trong truyện của Adachi thường rất sâu sắc và đậm tính nhân văn, được trình bày một cách hóm hỉnh, độc đáo, nhẹ nhàng và tinh tế. Với thể thao, ông đề cao tinh thần thể thao trung thực và ý nghĩa đích thực của thể thao học đường: đó là niềm say mê, tinh thần đông đội, nỗ lực vượt qua chính mình. Dù là những tay pitcher tưng tửng kiểu Tatchan (Touch), Hiro (H2),… hay những vận động viên thuộc dạng thanh niên nghiêm túc như Yuhei (Cross game), Hideo(H2), Kadomatsu(Slow step), … họ đều thi đấu hết mình trong cuộc chơi và không hề cay cú khi thất bại. Adachi cũng phê phán những nhân vật phản diện như huấn luyện viên Maeno trong Cross game, người biến học trò trở thành công cụ cho vinh quang bản thân mà không hề quan tâm đến tương lai và của họ. Tình cảm trong manga của Adachi cũng rất trong sáng và cao thượng. Ngoài tình yêu học đường gắn liền với thể thao của các cô cậu học trò tuổi mộng mơ đầy trong sáng và đáng yêu, còn là tình cảm gia đình sâu sắc giống như sự hi sinh cho nhau của anh em nhà Uesugi (Touch) dù cả hai cùng đem lòng yêu cô hàng xóm Asakusa Minami, là tình cảm bạn bè bạn giữa những cậu thanh niên đầy nhiệt huyết kể cả khi là đối thủ trên sân bóng của nhau trong H2, là tình cảm thầy trò sâu sắc của những huấn luyện viên và các học trò,…
Những nhân vật của Adachi thường xuất hiện một cách đáng yêu, kể cả những nhân vật phản diện. Nam chính điển hình của Adachi thường là những anh chàng tưng tửng, không giỏi gì khác ngoài thể thao, học hành bê bết và luộm thuộm nhưng lại rất đáng tin cậy trong mắt đồng đội và nữ chính, luôn làm được những chuyện bất ngờ. Nữ chính thường là hot girl của trường học, là một cô gái hoàn hảo từ ngoại hình đến tính cách và cực yêu thể thao xem ra phù hợp hơn với anh chàng nam thứ, mẫu vận động viên nghiêm túc và mạnh mẽ, tuy nhiên đôi khi những chàng nam thứ hoàn hảo này cũng trở nên ngộ nghĩnh như việc bối rồi trước mặt con gái hay bị tay nam chính bạn thân trêu đùa. Những nhân vật phụ của Adachi cũng rất độc đáo; có thể là một tay catcher béo ú, ngố và ham ăn nhưng lại rất thật thà và tốt bụng; hay là một tay đầu gấu trường học rất ngầu nhưng lại nhát gái; cũng có thể là một cô manager xinh xắn lớp dưới thủ đoạn vô biên trong việc chiếm cảm tình của chàng nam chính,…
Các tác phẩm tiêu biểu của Adachi:
Touch: chuyện về 2 anh em nhà Uesugi và cô nàng hàng xóm Minami. Cậu em Katchan là một tay pitcher thiên tài trong bóng chày phổ thông và được con gái toàn trường hâm mộ luôn muốn hiện thực hóa giấc mơ Koshien của cô hàng xóm Minami, người luôn được những người xung quanh gán ghép với cậu. Tuy nhiên người mà Minami thực sự thích là ông anh Tatchan thông minh nhưng lười nhác và nghịch ngợm. Câu chuyện rẽ ngang khi Katchan bất ngờ mất đi trong một tai nạn giao thông vì cứu một đứa trẻ ngay trước trận chung kết khu vực. Tatchan sau đó thay thế em trai để trở thành pitcher của đội bóng chày Meisei và phấn đấu để vượt qua những hạn chế của bản thân và trở nên xứng đáng hơn với tình cảm của Minami.
H2: Bộ 3 Hiro, Hideo và Noda là nòng cốt của đội bóng cháy bách chiến bách thắng hồi cấp 2 nhưng sau khi lên cấp 3 vì chẩn định chấn thương sai lầm cua một ông bác sĩ giả mạo mà Hiro và Noda đã chuyển tới một ngôi trường không có đội bóng chày để nguôi ngoai nỗi buồn. Sau khi biết mình không bị chấn thương, Hiro và Noda lại phải chiến đấu với ông hiệu trưởng khó tính để tạo dựng đội bóng chày cho nhà trường và khi đó, đối thủ đáng sợ nhất của họ trên sân cỏ lại là người bạn cũ Hideo.
Cross game: Câu chuyện về cậu bé Koh và 4 chị em nhà hàng xóm. Cô con gái thứ hai Wakaba, cô bạn gái đầu tiên của Koh bất ngờ qua đời trong một chuyến đi dã ngoại để lại một khoảng trống lớn cho Koh và cô em gái yêu bóng chày Aoba. Koh trở thành pitcher của đội bóng chày dưới sự huấn luyện của Aoba, người bề ngoài rất ghét cậu, để cùng với Akaishi, cậu bạn lầm lì cũng yêu thầm Wakaba, thực hiện giấc mơ của Wakaba là được nhìn thấy Koh ném bóng cho Akaishi bắt trên sân vận động Koshien đầy ắp khán giả.
Nine!: Nhà vô địch điền kinh Niimi và nhà vô địch Judo Karasawa quyết định tham gia đội bóng chày của trường cấp 3 vì họ nhìn thấy cô gái xinh đẹp Yuri, con gái của huấn luyện viên đội bóng sẽ bị sa thải nêu như đội bóng tiếp tục thi đấu tệ hại, khóc trong buổi đầu tiên đi học. Câu chuyện tiếp tục với những vui buồn của tuổi học trò gắn liền với những trận đấu bóng chày phổ thông.
Slow step: Câu chuyện xoay quanh cô gái xinh xắn Nakazato Minatsu, tay ném bóng của đội bóng mềm, và 3 người đàn ông bên cạnh cô: cậu bạn cùng lớp vui tính Akiba Shu, người chơi boxing để gây ấn tượng với cô; nhà vô địch boxing ngố tàu hàng xóm Kadomatsu Naoto và huấn luyện viên trẻ tuối quái tính của cả 2 đội bóng mềm nữ và boxing, Yamazakura. Cô sẽ chọn ai trong 3 người này khi mỗi người đều có những điểm đáng yêu và cũng nhiều điều đáng ghét?
H.M (Theo dõi blog của tác giả http://ikemen96.wordpress.com/)
One thought on “Adachi Mitsuru: Bố già đáng yêu”
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.
Người viết bài chắc chắn là một fan trung thành của bố già rồi :))
Điểm mình thích nhất trong phong cách của bố già chính là cách thể hiện cảm xúc của nhân vật: bằng những nét vẽ đơn giản nhưng mang tính tượng hình lớn lao, và cũng rất đáng yêu nữa.
Bài viết rất hay, hàm xúc :) Mình chỉ muốn nhắc nhỏ một chi tiết nhỏ là tay huấn luyện viên xấu tính trong Cross Game là Daimon, không phải thầy Maeno :)