Rất nhiều cơ quan truyền thông của Nhật đã tiến hành các cuộc điều tra ý kiến của người dân, và lần này, người Nhật đã kiên quyết bảo vệ những gì họ coi là thuộc về truyền thống của mình.
Từ câu chuyện của một nhà bảo vệ động vật
Ngôi sao của một bộ phim tài liệu về hoạt động tàn sát cá heo tại Nhật đã bị trục xuất về Mỹ mới đây. Quan chức Cục Xuất nhập cảnh Nhật đã tạm giữ ông trong 2 tuần và ban hành lệnh cấm ông trở lại Nhật. Trong quá trình bị tạm giữ, ông đã sụt cân rất nhiều, sức khỏe suy yếu đi trông thấy.
Khi được hỏi, nhà hoạt động bảo vệ cá heo, ông Ric O’Barry, cho biết ông quyết tâm sẽ trở lại Nhật và tiếp tục đấu tranh để bảo vệ loài cá heo. Nói chuyện với phóng viên trước khi lên máy bay, ông tuyên bố: “Tôi sẽ vẫn tiếp tục trở lại Nhật để theo đuổi những gì mà tôi cho là đúng. Việc đưa tôi ra khỏi nước Nhật không làm thay đổi quan điểm của tôi.”
Ông O’Barry từng là cố vấn quan trọng cho bộ phim “The Cove” từng được giành giải Oscar với danh hiệu bộ phim tài liệu hay nhất.
Trong phim đó, hàng trăm con cá heo đã bị truy đuổi đến một khu vịnh đặc biệt gần Taiji, Nhật và bị tàn sát đến chết, nước cả một khu vực rộng lớn nhuộm đỏ màu máu. Là một cựu huấn luyện viên cá heo giàu kinh nghiệm, ông hiểu rất rõ về loài động vật này, ông thường xuyên đến Taiji.
Ông O’Barry hiện đang quản lý dự án bảo vệ cá heo của riêng mình, dự án có mục tiêu bảo vệ loài cá heo trên khắp thế giới. Ông đã làm việc với những người Nhật làm nghề săn cá heo trong suốt nhiều năm qua để thuyết phục họ chuyển sang các loại hình kinh doanh khác ví như kinh doanh dịch vụ lặn biển hay làm xiếc cá heo.
Người Nhật trả lời: “Hãy biến khỏi đất nước chúng tôi”
Và người Nhật nói gì? Ngay sau vụ việc trên, rất nhiều cơ quan truyền thông của Nhật đã tiến hành các cuộc điều tra ý kiến của người dân, và lần này, người Nhật đã kiên quyết bảo vệ những gì họ coi là thuộc về truyền thống của mình.
Nhà báo Matt Gabriel tại Nagasaki nói: “Một quyết định hoàn toàn đúng đắn của chính phủ Nhật. Chúng tôi không cần những kiểu người như thế này đến đất nước chúng tôi để dạy chúng tôi phải cư xử thế nào, phải thay đổi truyền thống của mình ra sao.”
Bà Kazuko Fujita, công chức ở Tokyo, khẳng định rằng vụ việc ông Ric O’Barry bị yêu cầu rời khỏi Nhật không liên quan gì đến tự do ngôn luận, bởi theo bà, những người phương Tây chỉ trích Nhật cần nhìn lại chính những gì họ đã và đang làm.
Người Nhật chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích người phương Tây vì giết mổ gia cầm hay bò, lợn; bất kỳ loài động vật nào cũng có linh hồn, vì thế việc người Nhật giết một con cá heo cũng chẳng khác gì việc người Mỹ giết một con bò hay gà, lợn.
Có thể người Nhật rất bảo thủ. Tuy nhiên, ngay cả với lý do bảo vệ loài cá heo, chính nhiều người phương Tây cũng không ủng hộ cách làm của ông Ric O’Barry.
Kỹ sư công nghệ thông tin người Mỹ Trent Bruch nói: “Chắc chắn ông O’Barry sẽ chẳng bao giờ làm một bộ phim tài liệu tương tự về tình trạng thảm sát cá heo tương tự tại đảo Faroe bởi những người da trắng thường chia sẻ suy nghĩ rằng họ chung một chiến tuyến. Trên thế giới còn biết bao nhiêu nước giết hại loài cá heo như Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan nhưng tại sao ông O’Barry không làm?”
Rất nhiều nước trên thế giới đều có những phong tục dã man khác nhau
Thế giới bao gồm rất nhiều quốc gia và mỗi quốc gia có cách đối xử khác nhau đối với các loài động vật, có những con vật được đất nước này trân quý nhưng với nước khác chúng cũng chỉ là động vật bình thường.
Sẽ là không hợp lý nếu lấy quan điểm sống của nước mình áp đặt lên nước khác, phản đối truyền thống phong tục của người mang quốc tịch khác mình.
Ở Mông Cổ, người nước này rút xương và ruột của con bò hay cừu qua đường cổ họng sau đó nhét đá nóng cháy vào cũng qua đường này để thịt của con vật được chín từ trong ra ngoài. Người Peru thì nổi tiếng với món sinh tố ếch, người ta lột da con ếch rồi cho nó vào máy xay sinh tố khi nó còn đang sống nguyên cùng với một số loại gia vị khác để làm thành món sinh tố yêu thích.
Món ăn ếch sống cũng không phải riêng người Peru mới có, ở một số vùng của nước Nhật người ta cũng ăn món ếch sống theo một cách mà người nước ngoài nhìn vào hẳn thấy rất kinh dị. Đó là người Nhật rửa sạch một con ếch sống, sau đó bổ đôi giữa lưng con vật, họ cho con vật bổ đôi vào bát, rắc gia vị lên rồi cho vào mồm nhai sống từng nửa một.
Cá nhân người viết từng thấy rợn người khi mà người ta cho con ếch vào mồm, mắt nó vẫn mở trợn trừng và bởi nó bị chặt nhanh quá, dây thần kinh của nhiều bộ phận chân tay chưa chết hẳn, nó vẫn còn đủ khả năng giẫy vùng vẫy trong miệng người nhai để mong thoát thân.
Trong các phong tục, lễ hội đấu bò tót của Tây Ban Nha cũng không kém phần dã man khi chạy đua cùng với người dân và khách du lịch thì hai chú bò tót bị giết chết ngay trước mắt hàng nghìn khán giả đang reo hò cổ vũ. Đó là một lễ hội đã có truyền thống rất lâu đời của Tây Ban Nha và nó mang lại nguồn lợi không hề nhỏ cho kinh tế Tây Ban Nha.
Nếu một người xa lạ nhìn vào, đó chắc chắn là những hành động hết sức dã man. Tuy nhiên, là một người trong cuộc, người dân chỉ đơn giản nhìn nó như những phong tục truyền thống của mình.
Nó cũng giống như việc bạn sang Ấn Độ và yêu cầu họ phải ăn thịt bò, bạn sang Mỹ yêu cầu họ đừng giết lợn, sang Pháp bảo họ đừng ăn gan ngỗng nữa vì để làm ra món gan ngỗng thì họ đã đối xử với con vật đó vô cùng tàn tệ trong lúc nuôi.
Tại sao người Việt không thế?
Vòng quanh thế giới, quay lại Việt Nam, ta có thể có cái nhìn khác hơn về câu chuyện chém lợn ở làng Ném Thượng. Các tổ chức bảo vệ động vật rồi không ít người Việt chỉ trích đây là hành động bạo lực. Dưới những áp lực từ chính quyền, dư luận, lễ chém lợn năm nay phải tổ chức trong bạt kín, thay vì tổ chức lộ thiên cho bà con chứng kiến như mọi năm.
Tuy nhiên, nếu ai đó lập luận rằng nó khiến làm tăng tình trạng bạo lực, vậy có ai thống kê được rằng tỷ lệ bạo lực hay tội phạm ở làng Ném Thượng cao nhất, cao nhì tại Việt Nam hay không?
Nếu tìm hiểu, có thể thấy văn hóa truyền thống của làng lại bắt nguồn từ một câu chuyện ý nghĩa với nguồn gốc rõ ràng. Những người dân trong làng đều trân trọng truyền thống này, có chăng, chỉ có những “kẻ ngoài cuộc” ít hiểu biết về truyền thống, mới mạnh miệng lên án hay chạy theo phong trào.
Lý do người Việt ngay lập tức chạy theo việc a dua, chỉ trích các phong tục truyền thống, một phần không nhỏ đến từ việc họ không hiểu rõ giá trị văn hóa của những truyền thống lâu đời đấy.
Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa người Việt với người Tây Ban Nha, người Chi Lê hay người Nhật Bản. Ở những quốc gia kia, họ hiểu rõ ý nghĩa của công việc mình đang làm.
Không phải cứ họ đến từ những nước “nhà giàu” thì làm gì cũng hay, một bản lĩnh và nền tảng kiến thức để bảo vệ cho truyền thống dân tộc trước sức ép của những người nước ngoài với nền tảng văn hóa và truyền thống khác chúng ta là điều hoàn toàn cần thiết.
One thought on “Bị lên án vì giết cá heo, người Nhật trả lời: “Hãy biến khỏi đất nước của tôi””
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.
Nói như bạn thì giết tê giác, hổ, voi cũng giống như mổ bò, lợn, gà à?