Ueno Takayuki không ngần ngại một chút nào khi quyết định dầm mình ở nơi có nồng độ bức xạ cao đẻ tìm kiếm những thành viên trong gia đình mình đã bị sóng thuần cuốn trôi trong thảm hoạ Fukushima năm năm về trước.
Thi thể của mẹ và con gái Erika của anh đã được tìm thấy nhưng Ueno vẫn phải dũng cảm vượt qua phóng xạ và cái lạnh ở bãi biển gần nhà máy hạt nhân đã bị phả huỷ để tìm kiếm thi thể của cha anh và con trai Kotaro, khi ấy mới ba tuổi, để hoàn tất những mất mát của mình.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi như một người cha là phải bảo vệ được lũ trẻ, và tôi đã thất bại. Điều đó khiến tôi trở thành một người cha tệ nhất trên đời, tôi phải xin lỗi các con mình,” Ueno (43 tuổi), sống cách nhà máy điện hạt nhân 22km về phía bắc nói với phóng viên hãng thông tấn Reuters. “Tôi đã có thể ôm Erika trong tay và nói ‘Ba xin lỗi’ nhưng tôi vẫn chưa làm được điều đó với Kotaro”.
Trận động đất 9 độ richter và sóng thần ngày 11 tháng 3 năm 2011 đã giết chết gần 16.000 người dọc bờ biển đông bắc Nhật Bản và làm hơn 2.500 người mất tích.
Thảm hoạ hạt nhân ở nhà máy Fukushima số 1 còn khiến nhiều người dân ở vùng phụ cận gặp phải những dư chấn tâm lý.
Kimura Norio, người sống cách nhà máy 3km về phía nam đã phải chọn giữa việc ở lại và tìm kiếm cha, vợ và đứa con gái nhỏ Yuna hoặc mang mẹ và cô con gái lớn tránh xa khỏi vùng bị nhiễm bức xạ.
“Lòng tôi bị giằng xé bởi việc phải dừng chuyện tìm kiếm và bỏ họ lại… khi tôi quay trở lại, không còn nhiều hi vọng để tìm thấy họ vẫn còn sống,” Kimura (50 tuổi) nói.
Vụ tai nạn ở nhà máy hạt nhân đã ngăn cản những nỗ lực tìm kiếm Yuna, thành viên mất tích cuối cùng trong gia đình Kimura, của anh và một nửa những người sống ở quê hương anh, thị trấn Okuma vì nồng độ phóng xạ cao.
Một cuối tuần gần đây, Kimura và hàng chục tình nguyện viên do Ueno dẫn dắt đã đã vượt qua những mảnh vỡ trên bãi biển Okuma lộng gió để tìm kiếm những dấu hiệu của Yuna. Họ được phép vào khu vực này 30 lần trong một năm và tìm kiếm trong 5 tiếng đồng hồ mỗi chuyến đi.
Khi họ đang đào bới chỗ đất trộn với gỗ, xi măng, cột điện, ống sắt và quần áo đủ màu sắc và kích cỡ thì tiếng máy đo phóng xạ kêu lên chói chang. Nó chỉ nồng độ 6 micrisievers/ giờ, cao gấp 100 lần ở Tokyo.
Tuy nhiên điều này không làm Kimura dao động.
“Tôi sẽ tiếp tục cho tới khi tìm thấy con gái mình,” Kimura nói, và anh cũng sẽ tìm kiếm thêm những nạn nhân khác.
Sự kiên trì đó có thể được giải thích từ quan niệm về sự sống và cái chết của người châu Á.
“Ở phương Tây khi một người chết, cơ thể thường được nhìn nhận và đối xứ như một vật bình thường,” theo giáo sư Niwa Shinichi ở trung tâm y tế Aizu, đại học Y Fukushima. “Còn ở châu Á, có một niềm tin mạnh mẽ rằng linh hồn tồn tại và không tách rời khỏi cơ thể.”
Theo Reuters/Japan Today.