|
Năm 2009, một bài báo nổi tiếng trên trang Wired có nhan đề: “Vì sao người Nhật ghét iPhone” đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều độc giả. Theo nội dung bài viết trên trang Wired, một trong những lý do iPhone bị ghét là do giá cả. Nhà phân tích thị trường của công ty Global Crown Research, ông Tero Kuittinen cho rằng giá của nó quá cao so với thực tế thị trường.
Mặc dù có mức giá cao như vậy nhưng iPhone của Apple vẫn nổi tiếng ở nhiều nơi khác trên thế giới với doanh số 10 triệu chiếc năm 2008 (thời điểm iPhone ra đời) và giúp tên tuổi của Apple nhanh chóng vọt lên vị trí thứ 3 trong những nhà phân phối điện thoại lớn nhất thế giới.
Có được thành công vang dội như vậy, nhưng các nhà phân tích dự đoán rằng Apple sẽ thất bại khi chinh phục thị trường Nhật Bản, bởi Nhật Bản vốn là một quốc gia có xu hướng cực đoan với các thương hiệu của châu Âu như Nokia hay Motorola.
Ngoài sự khác biệt về văn hóa, người Nhật cũng yêu cầu những tiêu chuẩn cao và phức tạp đối với một chiếc điện thoại. Quốc gia này nổi tiếng đi trước thời đại, đặc biệt là trong công nghệ mà khi đó iPhone bị coi là “chưa đủ tầm”. Giải thích về điều này, nhiều người cho rằng iPhone không có camera quay được video, mà cũng chẳng gửi được tin nhắn đa phương. Một tính năng nữa người Nhật cực yêu thích nhưng những chiếc iPhone năm 2009 chẳng có đó chính là khả năng điều khiển TV, theo Kuittinen.
Ngày đó tại Nhật, iPhone thê thảm tới mức, để thúc đẩy việc kinh doanh, nhà mạng Soft Bank còn tung ra một chương trình “iPhone cho mọi người” trong đó những chiếc iPhone 3G 8GB còn được cho không khách hàng với duy nhất một điều kiện là phải có hợp đồng 2 năm với nhà mạng.
Từ xuất phát điểm như vậy, những chiếc iPhone đã chinh phục thị trường Nhật như thế nào?
Dù bị chê trách ít nhiều về mặt công nghệ trong thời gian đầu, Apple vẫn là thiết bị chiếm được cảm tình của chị em phụ nữ. Người Nhật dùng điện thoại di động để xem TV, sử dụng GPS, tải nhạc, làm phim, thanh toán hóa đơn, kiểm tra mail còn trước cả khi người Mỹ biết đến những tác dụng này. Nhật bản cũng có những chiếc điện thoại màn hình cảm ứng 8 năm trước khi iPhone ra đời, chính là chiếc Pioneer J-PE01. Sau một thập kỷ cố đẩy lùi bất cứ thương hiệu nước ngoài nào ra khỏi lãnh thổ Nhật, người Nhật cuối cùng đã phải khuất phục trước những model nước ngoài.
Pioneer J-PE01 |
Hãy nhìn NEC, từng là một trong những công ty CNTT và viễn thông lớn nhất thế giới. Sau 2 năm vật vã với các khoản lỗ và mức giá cổ phiếu sụt giảm 90% chỉ trong vòng một thập kỷ, năm 2013, công ty này đã chấp nhận bán mảng di động và cắt giảm 10.000 nhân sự. Các nhà phân tích cho biết NEC không thể cạnh tranh với Apple và Samsung hơn nữa.
Chuyện gì đã xảy ra? Nhà phân tích Nobuyuki Hayashi cho rằng có 3 lý do khiến người Nhật hết yêu những chiếc điện thoại được sản xuất trong nước mà chuyển sang iPhone. Đầu tiên, phụ nữ Nhật đón nhận sự xuất hiện của iPhone như một cú “hit” lớn. “iPhone cực kỳ phổ biến với phái nữ ngay từ ngày đầu. Chiếc điện thoại vỏ nhựa cạnh bo tròn iPhone 3G đã sớm trở thành một vật dụng không thể thiếu của các chị em phụ nữ Nhật với nhiều mẫu ốp lưng được trang trí khác nhau. Sau đó, Apple đã trở thành một thương hiệu trung thành của phụ nữ Nhật”.
Nhật Bản cũng có những chiếc điện thoại trông ưa nhìn như iPhone. Một sản phẩm từng có thời đình đám chính là chiếc điện thoại hình thanh kẹo Infobar. Sản phẩm này thậm chí còn giành được nhiều giải thưởng thiết kế thế giới. Thế nhưng tình yêu với iPhone, một sản phẩm dù thiếu đi những công nghệ tiên tiến nhất vốn đã trở thành tiêu chuẩn tại Nhật, vẫn lan tràn khắp nơi.
Điện thoại InfoBar |
Theo IDC Nhật Bản, iPhone đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất năm 2012. Tới năm 2013, thị phần của iPhone đã vươn tới con số 15%, tức là còn vượt cả hai công ty đình đám trong nước là Sharp và Fujitsu với cùng mức thị phần 14%. Theo số liệu thống kê của Market Plus, thị phần iPhone năm 2014 đã lên tới con số 51%. Trong khi đó ba đại gia di động nhật là Sony, Sharp và Fujitsu “hít khói” với 17% và 6% (xem biểu đồ bên dưới để biết thêm thông tin chi tiết).
Doanh số smartphone Nhật Bản tính theo thị phần |
Nhà bán lẻ di động hàng đầu Nhật Bản, NTT Docomo, công ty vốn từng từ chối bán những chiếc iPhone đã cố gắng vớt vát bằng cách tung nhiều chương trình khuyến mại cho những sản phẩm sản xuất ở nước ngoài như Samsung Galaxy. Nhưng nỗ lực này cũng chẳng giúp hãng đánh bại Apple, theo ông Hayashi, người từng cho rằng cách ngành di động vận hành tại quốc gia này đã dẫn đến một sản phẩm kém cỏi: “Các nhà mạng đã sản xuất hầu như tất cả những chiếc điện thoại được bán trong nước. Kể cả Nokia hay Samsung cũng phải điều chỉnh sản phẩm theo yêu cầu của các nhà mạng, bao gồm cả việc bổ sung các tính năng mà nhà mạng tin rằng quan trọng như ví điện tử, chức năng điều khiển One-Seg TV và nhiều dịch vụ đặc biệt khác của nhà mạng. Thế nhưng iPhone là chiếc điện thoại duy nhất tại Nhật được bán ra mà không bị chỉnh sửa gì cả”. Ngoài ra, ông còn cho biết, những chỉnh sửa đó khiến chiếc điện thoại Android trở nên quá nhiều tính năng, quá phức tạp và pin sụt rất nhanh.
Thứ 3, ông chỉ ra rằng phần mềm mà các hãng Nhật đưa vào những chiếc điện thoại nước ngoài, cũng chính là phần mềm xuất hiện trên những chiếc điện thoại trong nước, không thể sánh được với sản phẩm của Apple. Ông cho hay: “Như Steve Jobs đã từng nói, lỗi lầm lớn nhất của các nhà sản xuất Nhật Bản là họ đã không nhận ra công nghệ phần mềm đã trở nên quan trọng đến thế nào. Hầu hết những vị giám đốc tại các công ty điện tử tiêu dùng Nhật Bản đều là những kỹ sư phần cứng, và họ không hiểu được tầm quan trọng của phần mềm hoặc công việc kinh doanh phần mềm là như thế nào”.
Mặc dù muốn bài ngoại, mặc dù muốn ghét iPhone nhưng người Nhật đã không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của các sản phẩm mang thương hiệu táo khuyết. Chính những sai lầm của các nhà sản xuất đã khiến cho các đại gia điện tử Nhật Bản đành ngậm ngùi nhìn Apple nuốt chửng phần lớn miếng bánh thị phần.
Lê Nga (ictnews)