Trong nỗ lực tuyệt vọng để giúp kiếm nguồn lao động bù lại cho tình trạng thiếu hụt lao động ngày một tăng cao mà không làm phật ý nhiều chính trị gia, chính phủ Nhật đang cố gắng đưa ra các chính sách thu hút lao động nước ngoài nhưng né tránh bằng mọi cách để người ta không gọi nó là sửa đổi chính sách nhập cư.
Có lẽ tại hiếm nơi trên thế giới mà chính sách nhập cư trở thành một đề tài nhạy cảm dễ gây tranh cãi đến mức độ như ở Nhật.
Ngay cả khi dân số già, người lao động thiếu trầm trọng, các cử tri Nhật sẵn sàng bỏ phiếu lật đổ bất kỳ một chính trị gia nào dám mời gọi nhiều lao động nước ngoài vào Nhật.
Vì thế, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang phải hành động chậm rãi và thăm dò phản ứng của dư luận. Mới đây, những chính trị gia thân cận với Thủ tướng Shinzo Abe đã bắt đầu tiến hành vận động hành lang để mở thêm ngành nghề đón nhận lao động nước ngoài.
Ngoài ra, họ cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi lao động người nước ngoài tại Nhật từ mức hơn 1 triệu ở hiện tại.
“Chúng tôi biết rằng người Nhật vô cùng dị ứng với lao động nước ngoài, là chính trị gia, chúng tôi thừa hiểu điều đó nên mọi hành động phải được tính toán thật kỹ lưỡng để tránh các phản ứng bất lợi”, chuyên gia tư vấn chính sách cho đảng LDP của Thủ tướng Shinzo Abe, ông Takeshi Noda nhận xét.
Không giống như ở Mỹ nơi mà thái độ đối với vấn đề nhập cư vô cùng cởi mở, ở Nhật, dù thế giới đã toàn cầu hóa từ rất lâu và nhiều nước trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển nhất thế giới đã chấp nhận nhập cư, thì Nhật vẫn đóng kín cửa. Người Nhật lo sợ về sự đa dạng văn hóa, tôn giáo, sắc tộc hơn bất kỳ người nước nào khác trong nhóm G20.
Trong bối cảnh châu Âu đang loay hoay không giải quyết được các vấn đề của người nhập cư, người Nhật càng nhìn vào kịch bản đó để đóng cửa đất nước hơn nữa.
Để thay đổi được chính sách nhập cư ở Nhật sẽ cần rất nhiều thời gian, đảng LDP đã đề xuất về thay đổi chính sách nhập cư cách đây cả một thập kỷ nhưng rồi tất cả lại rơi vào bế tắc. Từ đó đến nay, tình trạng thiếu hụt lao động và dân số già ngày một nhiều hơn, bức tranh nhân khẩu học của Nhật ngày một xấu khiến giới chính trị gia không thể ngồi yên.
Từ khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên nhậm chức vào tháng 12/2012, các chương trình tái thiết đất nước sau thảm họa động đất năm 2011 được tiếp tục triển khai mạnh tay hơn, kinh tế Nhật phát triển và hoạt động chuẩn bị cho Olympic 2020 được khởi động khiến nhu cầu lao động tại Nhật lên mức cao nhất 24 năm.
Vì thế nên không có gì ngạc nhiên khi mà số lượng lao động nước ngoài tại Nhật đã tăng 40% tính từ đầu năm 2013, trong đó hơn 30% là người Trung Quốc, sau đó những nhóm lao động đông nhất tại Nhật bao gồm Việt Nam, Philippines và Brazil.
Tuy nhiên dù cần lao động như vậy nhưng quy định về cấp visa và gia hạn visa đối với lao động nước ngoài tại Nhật vẫn vô cùng ngặt nghèo. Chính vì thế lao động nước ngoài hiện chỉ chiếm 1,4% tổng lực lượng lao động Nhật trong khi đó tỷ lệ này trung bình tại các nền kinh tế phát triển nhất thế giới là 5%.
Cho đến nay, các biện pháp thu hút lao động nước ngoài chủ yếu tập trung vào việc nới lỏng chính sách đối với lao động có tay nghề và ngoài ra là mở rộng hệ thống đào tạo chia sẻ công nghệ với các nước đang phát triển, nhận người từ nhóm nước này đưa sang Nhật dạy nghề.
Tuy nhiên chính sách thứ 2 hứng chịu khá nhiều chỉ trích vì giới phân tích cho rằng nó đã trở thành một cách lạm dụng lao động giá rẻ.
Lần này, đảng LDP của Thủ tướng Nhật đã đề xuất về việc nhận thêm lao động người nước ngoài cho nhiều lĩnh vực mà Nhật đang rất thiếu lao động như y tế và nông nghiệp với thời hạn visa 5 năm và được phép gia hạn visa. Ngoài ra, để tránh tình trạng phân biệt đối xử, thuật ngữ lao động không có tay nghề sẽ được bỏ đi.
Không có gì đáng ngạc nhiên, dù mới chỉ ở dạng đề xuất nhưng lập tức đã có không ít chính trị gia phản đối, dẫn đầu bởi ông Yoshio Kimura đã phản bác rằng những chính trị gia ủng hộ nhập cư không nên nhân cơ hội này mà cố tình thay đổi chính sách nhập cư. Ông nhấn mạnh rằng họ cần đưa ra mọi biện pháp để ngăn chính sách tác động xấu đến triển vọng việc làm của người Nhật.
Rất nhiều các cuộc tranh luận căng thẳng đã nổ ra trong nội bộ Thượng viện và Hạ viện Nhật, tuy nhiên tin tốt là những ý kiến ủng hộ nhập cư vào Nhật đang thắng thế.
Người đứng đầu lưỡng viện đều có quan điểm thu hút thêm lao động nhập cư vào Nhật. Lao động nước ngoài có lý do để hy vọng vào một môi trường lao động “dễ thở” hơn đối với họ.