“Tôi muốn nói rằng, Abenomics là một sự thất bại”, ông Jeff Kingston, giáo sư chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo nói “Suy thoái kinh tế có nghĩa là ông Abe không đưa được Nhật Bản tăng trưởng và ông cũng không có những cải cách mang tính cơ cấu. Tất cả còn lại chỉ là sự thất vọng”.
Tương lai ảm đạm của Nhật Bản
Trước những tin tức xấu liên tiếp về nền kinh tế của Nhật Bản, liệu sức hấp dẫn của Thủ tướng Nhật Bản Abe đã biến mất? Đây là những câu hỏi được nhiều người đặt ra chỉ vài ngày sau khi chính phủ Nhật Bản công bố số liệu nền kinh tế cho thấy, nước này đã rơi vào suy thoái.
Câu trả lời của các nhà kinh tế và chuyên gia chính trị đó là, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đang mâu thuẫn nhau trong việc kích thích tiền tệ và thắt chặt tài chính. Và những do dự đó phản ánh một cuộc tranh luận dữ dội về những vấn đề lớn hơn như: vòng xoáy của tình trạng giảm phát gây ra hai “thập kỷ mất mát”, hoặc nợ quốc gia đang phình to khiến nhiều người lo lắng có thể diệt vong tương lai của đất nước.
Những mâu thuẫn này cũng phản ánh cuộc chiến chính trị dai dẳng, một bên là Bộ Tài chính quyền lực và những yêu cầu của Bộ này đối với kỷ luật ngân sách và một bên là Thủ tướng Shinzo Abe cùng những người ủng hộ chi tiêu và chính sách tiền tệ tích cực để kích thích tăng trưởng.
Đầu năm nay, các bên đã nỗ lực trong việc cân bằng những mâu thuẫn khi ông Abe cho phép tăng thuế tiêu dùng bất chấp cảnh báo rằng động thái này có thể dập tắt sự phục hồi mong manh. Bây giờ những cảnh báo đã được chứng mình là có thật, ông Abe thậm chí còn muốn dốc sức kích thích kinh tế thêm nữa, trì hoãn việc tăng thuế lần thứ hai, giải tán Hạ viện và kêu gọi bầu cử sớm nhằm ngăn chặn uy tín của mình xuống thấp hơn nữa.
Nhưng có một quan điểm thứ ba, đó không phải là một ngân sách cân bằng và cũng không một sự kích thích lớn đủ để tạo ra một sự phục hồi lâu dài. Theo những người ủng hộ quan điểm này, những gì cần thiết là cần phải cải cách thị trường một cách triệt để, điều mà ông Abe đã không làm được. Theo họ, chính sách Abenomics cho đến nay không giúp ích cho nền kinh tế.
“Abenomics cho đến nay là một mớ hổ lốn các biện pháp”, Takao Komine, một chuyên gia về chính sách kinh tế tại Đại học Hosei ở Tokyo nói “Sự thành công hay thất bại của nó sẽ phụ thuộc vào việc Thủ tướng Abe có đưa ra những thay đổi cơ cấu về dài hạn hay không”.
Cuộc đấu tay đôi giữa ông Abe và Bộ Tài chính
Chỉ cần một vài tuần trước đây, Abenomics đã được ca tụng như là một câu chuyện thành công hiếm hoi trong các quốc gia phát triển, trong đó nhiều nước mắc căn bệnh chung mang tên giảm phát. Khi ông Abe nhậm chức cách đây hai năm, ông gây áp lực mạnh lên NHTW khi hối thúc bơm lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế. Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng cao như một phép lạ. Nhật Bản trở thành một minh chứng thành công về một trong những nước tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên thế giới.
Niềm vui ngắn tày gang tay, sự kỳ diệu của Abenomics dường như cũng biến mất. Cú đánh chết người được tung vào ngày 18/11, khi số liệu của chính phủ công bố cho thấy, trong quý 3, nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới sụt giảm 1,6%. Đây là quý thứ hai liên tiếp Nhật Bản suy giảm kinh tế, về mặt lý thuyết có thể được gọi là đã rơi vào suy thoái kinh tế. Ông Abe, người được xếp hạng cao chỉ vài tuần trước đây, đột nhiên tuyệt vọng xuất hiện trực tiếp trên truyền hình quốc gia để biện hộ cho chương trình kinh tế của ông.
Hầu hết các nhà kinh tế đồng ý rằng nguyên nhân trực tiếp là sự tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào ngày 1/4, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
Koichi Hamada, một cựu giáo sư kinh tế tại Đại học Yale, người được biết đến là một kiến trúc sư của chính sách phục hồi kinh tế của ông Abe cho biết, việc tăng thuế không bao giờ là một phần của Abenomics. Thay vào đó, ông nói, đó là một di sản của chính quyền tiền nhiệm, vốn thông qua một đạo luật uỷ quyền mà chương trình tăng thuế có hiệu lực trong năm nay.
Ông Hamada nói, phái diều hâu tài chính trong nội các Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe đã kêu gọi Thủ tướng để nó có hiệu lực theo đúng kế hoạch nhằm giúp giải quyết nợ quốc vốn lớn nhất trong các nước phát triển vẫn đang phình to.
Các thế lực thực sự đứng đằng sau việc tăng thuế, theo ông Koichi Hamada chính là Bộ Tài chính vốn ủng hộ cân bằng ngân sách. Khi thâm hụt của Nhật Bản tăng lên trong bối cảnh suy thoái kinh tế lâu dài, Bộ Tài chính Nhật Bản đã thúc đẩy tăng thuế bán tiêu dùng quốc gia như là một biện pháp để mang lại nguồn thu mới.
Theo ông Hamada, Bộ Tài chính sợ chính phủ Abe chậm trễ trong việc tăng thuế sẽ dẫn đến thất bại trong việc giải quyết vấn đề nợ quốc gia của Nhật Bản-vốn có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin khiến Nhật Bản không thể bán trái phiếu.
Nhưng hôm 19/11, ông Abe bất chấp sự thúc giục của phái diều hâu tài chính đã hoãn lại việc tăng thuế lần thứ hai vào năm 2017. Các nhà đầu tư hoan nghênh động thái này của ông Abe. Cổ phiếu của Nhật Bản đã tăng trưởng trở lại sau khi có mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 6 tháng qua vào ngày 18/11. “Bộ Tài chính là một đối thủ mạnh và khó chơi, nhưng ông Abe đã có can đảm để thi đấu”, ông Hamada nói.
Một số nhà phân tích mô tả bầu cử sớm như một nỗ lực để ngăn chặn ảnh hưởng của Bộ Tài chính. Bằng cách đưa vấn đề tăng thuế như là chương trình hàng đầu của cuộc bầu cử, ông Abe là đã đẩy những người ủng hộ Bộ Tài chính trong đảng của ông ra phía sau. “Kêu gọi bầu cử là một bước đi có tính toán của Abe để bịt miệng đối thủ của mình”, ông Komine, nhà kinh tế học của Đại học Hosei nói.
Ông Hamada bày tỏ lạc quan rằng, suy thoái kinh tế chỉ là một bước lùi tạm thời và rằng việc NHTW quyết định bơm tiền mặt nhiều hơn vào nền kinh tế sẽ mang lại tăng trưởng. “Abenomics vẫn là chính sách phù hợp với Nhật Bản”, ông nói.
Tuy vậy, các chuyên gia khác lại không phải là quá lạc quan như vậy. Theo họ, việc tăng thuế có quy mô tương đối nhỏ so với nền kinh tế. Đó là một dấu hiệu của sự yếu kém cơ bản trong chính sách Abenomics.
Ngoài ra, theo họ, chính sách của ông Abe cũng đã thất bại trong việc tăng thêm thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân của hộ gia đình đã giảm trong tháng 9, đánh dấu mức suy giảm tháng thứ 14 liên tiếp. Sự kích thích kinh tế và tăng thuế đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Việc NHTW ngăn chặn tình trạng giảm phát đã đẩy giá tiêu dùng lần đầu tiên tăng trong vòng hai thập kỷ. Nhưng vì lương không tăng, và thuế bán hàng đẩy lên cao nên hầu hết người Nhật cảm thấy nghèo hơn.
Nguồn Thời báo ngân hàng/ NYTime