Vào giữa tháng 2, Royal Holdings – tập đoàn kinh doanh khách sạn nhà hàng và phục vụ ăn uống trên các chuyến bay đã mở họp báo về việc liên kết kinh doanh với nguồn vốn từ Sojitz. Các lĩnh vực kinh doanh chính của Royal Holdings đã gặp nhiều khó khăn vì Covid và công ty rơi vào mức thâm hụt ngân sách lên tới 27,5 tỷ yên. Và nhiều doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực ở Nhật cũng đứng trước những khó khăn tương tự khiến họ phải lựa chọn phá sản hoặc huy động vốn từ bên ngoài.
Toyokeizai đã có bài viết phân tích về trường hợp của Royal Holdings trong thương vụ liên kết với Sojitz đồng thời huy động 17,8 tỷ yên thông qua phát hành cổ phiếu. Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn thì công ty có một vài phương án tiến hành tái cấu trúc như đóng cửa các cửa hàng kinh doanh thua lỗ và kêu gọi nhân viên tự nguyện nghỉ việc. Ngoài ra họ có thể xem xét hai phương án: tự xây dựng lại hay hợp tác với các công ty khác để tăng vốn.
Với tình hình dịch hiện tại thì việc tự xây dựng là một phương án không khả thi nên Royal Holdings đã lựa chọn việc nhận vốn từ Sojitz. Phương án này dự kiến sẽ nâng tỷ lệ an toàn vốn của công ty từ 30% lên 50%. Đây là cách để củng cố nền tảng cho sự sống còn của Tập đoàn vào phút chót.
Tương tự nhiều doanh nghiệp khác cũng phải tiến hành gấp rút tăng vốn để tránh phá sản. AP Holdings, công ty điều hành Trang trại Tsukada, là một trong số đó. Vào tháng 2 năm nay công ty này đã huy động được khoảng 2,5 tỷ yên thông qua việc phân bổ vốn của bên thứ ba cho Oisix Ra Daichi và các quỹ đầu tư. Trước đó họ đã dùng các biện pháp như đóng cửa các chi nhánh, phái cử nhân viên tới các công ty khác và di chuyển trụ sở chính để giảm chi phí nhưng đến cuối 9/2020, công ty rơi vào tình trạng vỡ nợ 900 triệu yên. Chủ tịch Hisashi Yoneyama đã quyết định rót thêm một khoản đầu tư từ tiền cá nhân lên tới 1 tỷ yên, nhưng ông vẫn phải tìm kiếm thêm các nhà đầu tư bên ngoài.
Hai ví dụ trên là những công ty đều có thể tồn tại thông qua việc tăng vốn nhưng số lượng các công ty phá sản do tình trạng dịch kéo dài ngày càng tăng. Theo Tokyo Shoko Research, có tổng cộng 1108 vụ phá sản ở Nhật liên quan đến Covid tính đến ngày 26/2. Tháng 2/2021 đánh dấu một kỷ lục mới với 122 trường hợp. Tuy nhiên, tổng số vụ phá sản doanh nghiệp ở Nhật năm 2020 là 7773 vụ, giảm 7% so với năm 2019, mức thấp nhất kể từ năm 1990 cho thấy tình trạng vẫn ở mức thấp do Chính phủ Nhật đã đưa ra các biện pháp trợ cấp duy trì doanh nghiệp và các khoản vay không lãi suất, không thế chấp. Các chính sách này đã giúp kéo dài tuổi thọ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ tương tự không kéo dài mãi mãi. Nếu kinh tế không phục hồi, các doanh nghiệp sẽ lần lượt rơi vào tình trạng vượt mức chi trả.
Theo Toyokeizai