Những hành động của một đám đông cuồng nộ và thiếu hiểu biết có thể hủy hoại, làm vấy bẩn hình ảnh của cả một dân tộc. Tâm lý bài trừ cực đoan, sự vị kỷ, giận giữ và nông cạn của một tập thể công dân có thể phương hại khôn lường đến lợi ích của cả một quốc gia.
Trung Quốc đã phải trả “nhiều cái giá” cho hành động dung dưỡng tâm lý bài Nhật ở trong nước. Đó là bài học mà cộng đồng thế giới cần ghi nhớ để đừng bao giờ lặp lại.
Cuối năm 2012, khi Nhật quyết định quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, người dân đã có những phản ứng quá khích ở trong nước như biểu tình, đốt cờ Nhật, tấn công người Nhật, đập phá nhà máy của nhà đầu tư Nhật tại Trung Quốc và thậm chí là đốt cả xe Nhật của chính người Trung Quốc sở hữu.
Sự việc ngày càng đi xa, chính phủ Trung Quốc đã phải có những biện pháp mạnh để kiểm soát tình hình, nhiều người bị bắt và kết án vì lạm dụng bạo lực trong các cuộc biểu tình, phá hoại tài sản và đe dọa, khủng bố người khác.
Theo thống kê từ Reuters, chỉ trong khoảng tháng 9 và tháng 10/2012, người biểu tình Trung Quốc đã đập phá một khối tài sản trị giá khoảng 126 triệu USD, mà theo họ là của “bọn Nhật xấu xa”.
Thế nhưng, trớ trêu thay, người Trung Quốc không hiểu một điều rằng hầu hết số thiệt hại này sẽ được bảo hiểm chi trả còn các ông chủ Nhật sẽ chẳng bị thiệt hại bao nhiêu, ngoại trừ khoản chi phí do đóng cửa hoặc chuyển địa điểm đặt nhà máy ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Trong khi đó, những công nhân Trung Quốc tham gia đập phá đã chính tay họ “đập đi nồi cơm” của chính mình. Khi nhà máy bị đóng cửa, họ trở thành những người đầu tiên chịu thiệt hại vì mất việc. Sau cuộc đốt phá, hàng trăm người Trung Quốc đã phải vào tủ, bỏ lại mẹ già, con thơ ở những vùng quê nghèo heo hút.
Những hành động trên của đám đông cuồng nộ không chỉ là một “vết ố” trong truyền thông hình ảnh quốc gia Trung Quốc, khiến báo giới cả trong nước và quốc tế chỉ trích dai dẳng mà còn giáng một cú đau vào nền kinh tế Trung Quốc: nhiều nhà đầu tư Nhật đã quay lưng, tìm cách tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Theo Business Times, vốn đầu tư của Nhật tại Trung Quốc đã giảm từ 13,48 tỷ USD trong năm 2012 xuống còn 6,5 tỷ USD trong năm 2013 và tiếp tục giảm trong năm 2014. Nguồn tiền từ các nhà tài phiệt Tokyo đã liên tục chuyển hướng ra khỏi Bắc Kinh để chảy về Hà Nội và Bangkok.
Hàng loạt các tập đoàn sản xuất của Nhật đã tìm đường đi khỏi Trung Quốc vì quá sợ hãi trước “những người dân bình thường rất hiền lành và cởi mở với chúng tôi, đột nhiên họ trở nên hung dữ và tấn công chỉ vì tôi là người Nhật”, tờ Japan Times dẫn lời một doanh nhân Nhật nói.
The Times of India (Thời báo Ấn Độ) cho biết, sự ra đi của các doanh nghiệp Nhật, kéo theo tâm lý lo sợ của các doanh nghiệp Mỹ, Pháp tại Trung Quốc, cùng với sự xuống cấp của nhiều yếu tố đã khiến Trung Quốc không còn là nước thu hút được nhiều FDI nhất nữa. Theo khảo sát của hãng Dịch vụ Toàn cầu E&Y, tháng 11/2013, Trung Quốc đã chính thức bị mất ngôi “địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất” về tay Ấn Độ, tụt xuống vị trí thứ 3, thua cả Brazil.
Ngành du lịch, dịch vụ của Trung Quốc cũng đồng thời chịu những tác động tiêu cực, không chỉ vì chính phủ Nhật khuyến cáo người dân Nhật không đi du lịch ở Trung Quốc khi đó (người Nhật đi du lịch nhiều nhất thế giới) mà còn vì “tiếng dữ đồn xa” trong cộng đồng du khách quốc tế.
Càng ở những đất nước văn minh, hành vi kỳ thị dân tộc càng bị cộng đồng lên án và tẩy chay mạnh mẽ.
Đó là những “cái giá” cụ thể, có thể đong đếm bằng cách quy ra giá trị kinh tế mà Trung Quốc đã phải trả, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì Trung Quốc đã mất vì giữ tâm lý bài Nhật.
Cần phải nhắc lại rằng, cuộc biểu tình trên chỉ là biểu hiện “đỉnh điểm” của tâm lý bài Nhật ở Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc cũng bị truyền thông thế giới lên án vì “nuôi oán hận” quá lớn đối với người Nhật.
Tâm lý này không chỉ biểu hiện cụ thế ở xu hướng truyền thông, phim ảnh (mỗi năm, điện ảnh Trung Quốc “giết” hàng triệu lính Nhật) mà còn cả trên các diễn đàn, game, tranh ảnh, sách và cả các scandal phân biệt đối xử mang tính kỳ thị người Nhật ngoài đời thực.
Người Trung Quốc đã nhầm lẫn giữa chính phủ Nhật với công dân Nhật, trút giận lên tất cả những gì có dính dáng đến Nhật, thậm chí 1 người đàn ông Trung Quốc cùng vợ và con gái đã bị đám đông quá khích hành hung chỉ vì ông ta đi một chiếc xe hơi Nhật.
Trung Quốc đã có những nhà hàng treo biển “Không phục vụ người Nhật” hoặc “Người Nhật và chó không được vào”. Thậm chí, khi xung đột với các nước láng giềng lên cao, Trung Quốc đã ghép luôn cả cư dân của các nước này vào danh sách “những người bị oán hận”.
Ngày 28/2/2013, một nhà hàng ở Bắc Kinh đã trưng tấm biển: “Nhà hàng này không phục vụ người Nhật, người Philippines, Việt Nam và chó”. Ngay lập tức, hành vi này đã bị lên án cực lực bởi dư luận thế giới.
Tờ Huffington Post đã gọi đây là một hành vi phân biệt chủng tộc, nhiều tờ báo dẫn lại nguồn tin từ AFP cũng chỉ trích nặng nề nhà hàng trên, độc giả bất bình vì thật khó tin, ngay ở thế kỷ 21, giữa trung tâm Bắc Kinh sầm uất vẫn có thể còn những luồng tư tưởng “mông muội” đến thế.
Khi báo giới ồ ạt đưa tin, Trung Quốc ngay lập tức trở thành một danh từ đầy ác cảm đối với nhiều người mà trước đây họ vốn “không quan tâm” hay thậm chí là “có thiện cảm” với đất nước và con người Trung Quốc. Tâm lý ấy không chỉ lan rộng riêng ở Nhật, Philippines hay Việt Nam, mà còn trên toàn thế giới.
Không ai chê trách người Nhật vì họ bị kỳ thị, nhưng hầu hết độc giả, trong đó có cả chúng ta, đều lên án, chế giễu tâm lý bài Nhật một cách nhược tiểu và cực đoan của người Trung Quốc. Những hậu quả mà Trung Quốc phải trả giá đáng ra nên là một bài học mà mọi người dân Việt Nam phải ghi nhớ để không vấp lại sai lầm tương tự.
Những hành động của một đám đông cuồng nộ và thiếu hiểu biết có thể hủy hoại, làm vấy bẩn hình ảnh của cả một dân tộc. Tâm lý bài trừ cực đoan, sự vị kỷ, giận giữ và nông cạn của một tập thể công dân có thể phương hại khôn lường đến lợi ích của cả một quốc gia.
Vì vậy, trong những ngày này, người Việt hãy cứ giữ một trái tim nóng nhưng cần phải có một cái đầu lạnh khi có bất cứ một hành động nào nhân danh lòng yêu nước.
Theo INFONET