Bạn chưa từng cô độc

Đăng ngày 03/02/2019 bởi iSenpai

Chào mừng ngày giải phóng

Mình đã từng hứa sẽ kể lại khi tìm thấy bản thân mình. Và ngày ấy đến sớm hơn mình tưởng, theo cái cách mình chưa bao giờ nghĩ tới.

Thi thoảng có bạn nhảy vào khung chat hỏi mình dạo này khoẻ chứ? Luôn khoẻ, công việc tốt chứ? luôn tốt. Mọi thứ xuôn sẻ chứ? Luôn trôi.

Dạo này ổn cả chứ?

Sao ta? Mình luôn phân vân rất nhiều với câu hỏi này.

Thành thật mà nói, bất kỳ một ai sống xa nhà, họ vốn chưa từng ổn chút nào.

Họ có thể để cuộc sống bộn bề cuốn mình đi, và một phút giây lắng đọng nào đó, họ sẽ nhận ra sự cô độc xung quanh mình. Hoặc chính bản thân họ cũng không hề nhận ra chúng.

Những người xa quê, luôn mang theo những nỗi chênh vênh như vậy.

Nhật Bản, miền đất hứa và thứ giấc mơ suốt nhiều năm của mình, mình chưa từng cười rạng rỡ như khi ở Nhật. Nhưng mình cũng chưa từng tốn nhiều nước mắt như ở Nhật, chúng như hai thái cực giữa thiên thần và ác quỷ vậy. Và, dù đi xa đến đâu cũng không có một nơi nào cho mình sự yên bình được như góc ban công của những năm tháng tuổi thơ. Những người xa quê, họ vẫn phải mang theo nỗi sợ vô hình, rằng cha mẹ không đủ thời gian để đợi ngày họ trở về. Rằng không biết còn bao cái tết đoàn viên được ăn cùng gia đình nữa. Và những kẻ tồn tại được luôn là những người có nội lực rất lớn, với cái nhìn phải thật tích cực, tới mức có thể tự trào phúng bản thân vậy.

Ngồi một mình trong căn phòng trống, đối mặt với 4 bức tường và nằm nghe tiếng đồng hồ đập từng nhịp, từng nhịp, quả là một trò tra tấn hoàn hảo đối với mình. Những ngày bắt đầu cuộc sống của một salary man, thật nhiệt huyết, thật căng tràn, nhưng khi mọi thứ bắt đầu vào guồng quay, mình buộc phải đối mặt với nỗi sợ cố hữu kéo dài nhiều năm về trước.

Những ngày tháng sau đó, mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn, những gì nhiệt huyết nhất bị đẩy lùi cho sự cô độc chiếm trọn. Mình bắt đầu được tận hưởng trò tra tấn ấy thấm dần qua thớ thịt. Tất cả chỉ còn lại trống và rỗng. Trong ký ức về những tháng ngày của nửa năm về trước, chỉ cần nghe tiếng mở của khoá cài, cảm giác lo sợ và trống rỗng lại bắt đầu xâm chiếm cơ thể. Chỉ cần bước vào căn phòng của mình là lại không thể ngừng khóc được.

Làm thế quái nào mình có thể bị tra tấn trong chính căn phòng của riêng mình?

Và làm thế quái nào mình có thể ổn được bây giờ?

Để có thể vượt qua bất kỳ một nỗi sợ hãi nào, cách duy nhất vẫn luôn là đi xuyên qua nó. Lần đầu tiên mình không mong có ai đó ở bên cạnh để thoát khỏi cảm giác cô độc nữa. Quãng thời gian đó mình buộc phải ở một mình, và cũng không thể bắt đầu thứ gì được. Bởi mình không thể để chúng tiếp tục ám ảnh nốt nửa đời còn lại.

Thật tuyệt vời với những ngày được quẩy cùng những người bạn, mình cười rạng rỡ hơn bao giờ hết. Nhưng khi mình quay trở lại căn phòng của mình, mình lại tiếp tục bị tra tấn, và vòng lặp ấy cứ tiếp tục không hồi kết. Bài tập về nhà thời ấy của mình là về đến nhà không làm chi khác ngoài nằm sàn nhà và khóc, xem liệu có hết nước mắt rồi dừng khóc được không. Nhưng vẫn cứ khóc như được mùa vậy. Mình mua cây cảnh giăng kín nhà, nhưng cũng không ổn, bọn cây cảnh không biết nói tiếng người. Mua đủ các thể loại mặt cười treo khắp nhà, xong nhìn tụi nó rồi cứ ôm mặt khóc cả dòng sông vậy. Mình vẫn còn nhớ như in cảm giác khi được nằm trọn trong chiếc ghế sofa ở phòng của chị bạn, nó nhỏ vừa khít để ôm trọn người mình. Không có lấy một xen ti mét nào cho sự cô độc ở đó.

Những cuộc vui càng đậm bao nhiêu, về tới nhà mình càng bị nặng bấy nhiêu. Rồi mọi thứ cứ nặng dần, khi mình cảm nhận rõ vết khuyết trong tâm mãi lớn dần đều. Thấy mình như một mớ rẻ rách và nhàu nát, nằm quằn quại trên nền nhà lạnh, nghe tiếng lòng mình ngân mãi trong đêm. Khi đã tiêu đến những gam kiên nhẫn cuối cùng, mình mệt lả ngủ thiếp đi. Trong những giấc ngủ chập chờn đó, mình mơ thấy mình đang ở góc ban công quen thuộc khắc sâu tuổi thơ. Mình được ở nhà và nằm trong bàn tay của cha mẹ. Đêm đêm nghe tiếng ếch đồng thở và hương lúa quyện đượm mùi. Chúng thật yên bình và hiền hoà. Rồi mình lại thấy một con bé 15 tuổi nhỏ bé và bất lực, chỉ biết ngồi gục xuống bàn khóc tức tưởi của tròn 10 năm trước. Nhưng tất cả chỉ là mơ. Mớ hổ đốn ấy kiến cứ nửa đêm mình lại lao ra ngoài đường lang thang một mình, đi mãi, đi lang thang cho hết đêm, như đêm tối của chị Dậu vậy. Chúng thật tù túng khi mình không tìm được lý do và cũng không tìm được hướng giải quyết.

Rồi mọi thứ dần dà trở về con số không tròn trĩnh. Không mục tiêu, không động lực, không lý do sống. Tất cả những gì mình rèn luyện bao năm mình vứt hết. Mình đã từng rất tự tin rằng bất kỳ nghịch cảnh nào mình cũng có thể chuyển sang trạng thái tích cực nhất, nhưng mình không làm được. Tất cả mọi lý thuyết đều không thuyết phục được và trở nên vô nghĩa với mình. Thứ kéo mình lại thời ấy là niềm vui trong công việc, chúng cho mình cảm giác mình còn đang sống. Nhưng với những ngày không phải đi làm, tất cả trở về trống và rỗng, mình sợ những kỳ nghỉ dài. Hiện tượng này ngành tâm lý gọi là trạng thái chân không. Rất nhiều người về hưu phải đối mặt với chúng khi đột ngột nghỉ việc dài.

Đỉnh điểm là khi mình bắt đầu không còn kiểm soát được bản thân nữa. Và khi không biết đổ lỗi vô đâu, mình sợ con người, những thứ cảm xúc tồi tệ nhất của mình là từ con người, nhưng những thứ tuyệt vời nhất, cũng nhờ con người. Khi thứ cảm xúc không đầu không tên ấy cứ lặp đi lặp lại không hồi kết, và mình mãi không tìm được nguyên nhân và cách giải quyết. Mình bắt đầu phát hiện ra với những vết dao cứa khi nấu ăn vô tình để lại, mình không còn cảm thấy đau nữa. Ngược lại chúng khiến mình được giải toả và thoả mãn phần nào. Nó là triệu chứng ban đầu của chứng SI – self injuge bản thân. Khi có một số vấn đề họ không thể giải quyết được, họ có xu hướng cắt rạch và tự huỷ hoại bản thân. Chúng cho họ cảm giác thoả mãn với những nỗi đau về tinh thần không vượt qua được. Mình tìm đọc những sách nói về cái chết và những sự bất hạnh nào đó, chúng giúp mình thấy mình còn may mắn so với rất nhiều người.

Luật hấp dẫn quả thực rất hiệu nghiệm, cả với những thứ tiêu cực hay tích cực. Cùng khoảng thời gian đó, mình được biết anh chàng học sinh của mình đã tự sát. Anh treo cổ tự sát trong chính căn phòng của mình. Liệu có cái chết nào dễ dàng hơn không? Ba năm trước chính mình là người đã reo vào đầu anh về một Nhật Bản thật nhiều mộng đẹp. Facebook của anh hai tháng trước đó đã không cập nhật thêm, chỉ còn những dòng ngắn ngủi, rằng anh đang rất tù túng và có chút vấn đề. Chúng thật dễ dàng bị bỏ qua. Và dường như mình đã không chút mảy may suy nghĩ khi đọc được chúng trước đó, khi mình còn có quá nhiều vấn đề của riêng mình.

Thật khó để có thể làm người tốt được.

Sau đó vào khoảng thời gian tháng 8, lại cái chết nữa của một người bạn, không rõ nguyên nhân, nhưng dường như cũng là tự sát. Và trong nửa năm đó mình đã mất đi tới hai người bạn của mình. Cả hai đều không để lại chút nhắn nhủ hay kể lại thứ gì khiến họ quyết định tự sát như vậy.

Cách đây 8 năm, mình đã từng cùng nhóm bạn làm một bài nghiên cứu khoa học kéo dài 2 năm về vấn nạn tự sát tại Nhật Bản. Hồi đó mình luôn cho rằng họ thực sự quá thiếu trách nhiệm với gia đình khi để lại những câu hỏi ngơ ngác và sự dằn vặt cho những người ở lại. Là một cách trốn chạy hèn nhát hạ đẳng nhất. Nhưng khi trải qua những cảm xúc của nửa năm về trước, chúng cho mình được đóng vai cả kẻ trong cuộc lẫn người ngoài cuộc. Mình hiều phải thực sự can đảm và tù túng đến mức nào họ mới đi đến quyết định như vậy.

Một số bạn bè mình tin tưởng khuyên mình nên tìm đến bác sỹ tâm lý. Nhưng những năm tháng trước đó đã dạy mình một điều chắc chắn rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Chắc chắn sẽ có cách nào đó để mình giải quyết đống mess của bản thân. Và mình cứ tìm kiếm mãi, đọc mãi, đi mãi. Rồi mình may mắn tìm được những người chị sẵn sàng lắng nghe mình, dù chỉ mới gặp lần đầu. Hoá ra họ cũng có rất nhiều nỗi niềm riêng và cũng đã có khoảng thời gian điên loạn của riêng mình. Rồi rất nhiều những buổi couching, bới cả tổ tông lông cánh mấy đời để tìm hiểu nguyên nhân cho căn bệnh tinh thần của mình. Hết vợ đến chồng nhảy vào couching cho mình, cả ở nhà riêng lẫn trường lớp. Rồi tự mình couching mỗi sáng sớm và trước khi ngủ. Hay những buổi care sharing định hướng lại tương lai.

Mình buộc phải học lại mọi thứ từ đầu với các lớp kỹ năng mềm mỗi tháng. Sau đó là rất nhiều những buổi chia sẻ kiến thức học được trong nửa năm qua, định kỳ mỗi tháng 1 lần. Mất rất nhiều năm để học cách lắng nghe, nhưng lần đầu tiên mình phải đặt mình vào vị thế của người chia sẻ. Và khi chia sẻ những vấn đề của mình cho nhiều người hơn, mình thấy chúng thật nhỏ bé. Mình dần ổn định tâm lý và bớt điên loạn bụi đời lang thang như trước kia.

Nhưng mọi thứ chỉ thực sự ổn định vào tháng 10 khi mình phát hiện ra người thầy luôn tràn trề nguồn nhựa sống và chưa bao giờ tắt nụ cười của mình cũng đã xém chút tự sát vào năm 14 tuổi, do nạn ijime (bắt nạt) tại trường học. May mắn nhờ mẹ phát hiện và ngăn chặn kịp thời, bao bọc thầy bằng tình thương của gia đình. Nó có lẽ là lý do khiến thầy luôn chống phá trường lớp một thời, cũng y như mình vậy.

Mình hiểu rằng luôn có duy nhất hai đáp án cho những mớ rối rắm đó. Bạn để buông thả bản thân mình và cho mọi thứ xuống đáy. Hoặc bạn lấy chúng làm đòn bẩy để phát huy toàn bộ năng lực và sức mạnh tiềm ẩn của bản thân. Bởi khi đã chạm đáy, con người ta chẳng còn gì để mất mà không làm đến cùng. Nó được gọi là trạng thái Zero base trong khoa học. Nhưng giai đoạn vượt vũ môn ấy, vốn không dễ dàng chút nào.

Và mình cuối cùng cũng có phương án giải quyết cho đống mess của mình.

Rồi khi mọi thứ thực sự đã qua đi, thay cho những cảm xúc tiêu cực nhất, mình thấy bản thân may mắn vì đã bước được một chân vào thế giới rất riêng biệt. Với câu chuyện của cô bạn nghệ sỹ Piano đồng tính với những vết sẹo kéo dài hai cẳng tay do những lần cắt rạch dọc suốt một thời tuổi thơ. Hay chị bạn bị tổn thương và quyết định đi làm gái điếm khi bố mẹ ly hôn ở tuổi 16. Một người cha nghiện ngập bài bạc khi để đứa con trai đầu lòng phải chết đuối trong sân hồ trước mặt nhà.

Rất khó có thể bước vào thế giới riêng của họ, bởi chúng vốn đã được đóng kín từ rất lâu. Trừ khi bạn đủ tin tưởng và cho họ cảm giác an toàn, hoặc bạn cũng có những đồng cảm với họ. Cách đơn giản nhất mình vẫn hay làm, đó là hỏi họ liệu có đang ổn, và cho dù đáp án ra sao, mình chỉ ngồi lặng lẽ bên họ để họ có một điểm tựa. Họ dạy mình hiểu bản chất con người luôn rất tốt đẹp, từ khi lọt lòng những đứa trẻ vẫn luôn thuần khiết, nhưng do những vấn đề riêng khiến họ phản ứng lại cuộc sống theo những cách khác nhau như vậy.

Và rồi, khi mình đã xếp gọn đống hổ đốn ấy và chúng bắt đầu lên da non, lại những tổn thương khác kéo đến. Lại khóc như một con điên ở sân ga, khóc như chưa bao giờ được khóc, khi tất cả những cảm xúc chân thành và nhiệt huyết nhất, chúng tan như bọt biển, tan hoang. Đến cả một cuộc trò chuyện tử tế cũng chưa từng có nổi. Lần đầu tiên mình thương cho bản thân với đống rối rắm không tên nhiều năm, chúng kéo mình đi xa hơn mình tưởng. Nhưng khi tất cả bắt đầu lắng xuống, mình thấy mình phải xin lỗi nhiều hơn, vì dường như khi người ta đau chân, thứ người ta quan tâm duy nhất chỉ là cái chân đau ấy của mình vậy. Mình coi chúng là cái giá phải trả cho sự yên bình của hiện tại. Và như một lời nhắc nhở, mình vốn có quá ít thời gian để tiếp tục bơi trong đống mess ấy thêm nữa.

Những nỗi đau cũng thật lấp lánh sắc màu và trở nên vô giá, vì chúng dạy ta chân quý những niềm vui nhỏ bé đến nhường nào. Bằng cách nào đó, tổn thương rồi vẫn sẽ tiếp tục, và mình rồi cũng sẽ làm tổn thương cả những người mình yêu quý nhất. Nhưng mình sẽ không né tránh chúng. Những ai cảm nhận được nỗi đau càng lớn sẽ càng thấy những niềm vui thật sâu rõ. Ai cũng có trong mình những vết xước nào đó, bạn có thể giữ chúng cho riêng mình, có thể chia sẻ với một ai đó mình tin tưởng, nhưng hãy cho mình một deadline để quên đi, có thể là một vài tháng, vài năm, hay cả chục năm. Hoặc cứ giữ chúng và chuyển tất cả thành động lực cho riêng mình. Bởi chuyện hôm nay có lớn cỡ nào, mai cũng sẽ là chuyện nhỏ. Chuyện năm nay có lớn ra sao, sang năm cũng chỉ là chuyện cũ, kiếp này có lớn thế nào, kiếp sau cũng chỉ là truyền thuyết.

 

Vào một ngày cuối năm, mình vô tình gặp người thầy đã đồng hành cùng mình trong những năm tháng thời còn du học sinh với những chuyến baito dịch xa. Người mà ngày chia tay 1 năm trước chỉ nhắc đi nhắc lại duy nhất một câu, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra cũng tuyệt đối không được trốn chạy. Thầy là một trong những nạn nhân bị mình hành hạ nhiều nhất với câu hỏi bất hủ, rốt cuộc mục đích sống của thầy là gì. Và thầy cũng không khỏi bất ngờ khi mình nói nửa năm trước mình bị ám ảnh rất nhiều về chuyện tự sát. Thầy lại tiếp tục thiên trường ca rằng cả tương lai phía trước vẫn đang đón chờ mình, rằng mình còn phải kết hôn, mình còn phải ngắm nhìn những đứa con trưởng thành như niềm vui và mục đích sống hiện tại của thầy. Mình chỉ lặng lẽ đi bên và tủm tỉm cười, cuối cùng ông cụ 60 tuổi ấy cũng cho mình thứ mình tìm kiếm: Chúc mừng em, chắc hẳn là Dung bây giờ yêu đời và mạnh mẽ lắm rồi đó.

Vậy là hành trình tìm kiếm bản thân của mình cũng tạm có hồi kết. Và tất cả những câu trả lời mình tìm thấy trong suốt 8 năm qua đều không hề đúng, hay chúng đã không còn phù hợp với mình. Câu trả lời vốn đã nằm trong chính bản thân mình. Và biết đâu một ngày nào đó mình lại phát hiện ra toàn bộ câu trả lời của hiện tại lại không hề đúng. Hành trình tìm kiếm và kiến tạo bản thân ấy sẽ kéo dài suốt cuộc đời mình. Bởi còn rất nhiều tiềm năng trong mỗi người cần được khai phá.

Và hành trình ấy, mỗi người vốn phải tự tìm kiếm những câu trả lời cho riêng mình. Để tìm được chúng mình cần sự trợ giúp của rất nhiều người. Và lời khuyên hãy cứ tiếp tục đi vốn đã không hề đúng với mình. Vì mình đã đi suốt những năm tháng trước đó vẫn không có câu trả lời. Mình buộc phải dừng lại mới tìm thấy được bản thân. Nhưng khoảng thời gian 1 năm trước chúng đã cho mình quá nhiều động lực, như một chiếc la bàn với niềm tin rằng đã có người tìm thấy con đường của riêng họ qua phương pháp đó. Thứ niềm tin ấy, có lẽ cũng chính là ý nghĩa lớn lao nhất của một mentor. Nhưng mình sẽ lưu giữ chúng để nhắc rằng có rất nhiều người họ vẫn đang nỗ lực xây những ước mơ của riêng mình. Và hơn hết, nó cũng nhắc mình về một miền ký ức cháy rực, cháy như chưa bao giờ được cháy của bản thân suốt 1 năm hành xác đi tìm việc của năm ngoái.

Cuối cùng mình cũng có thể ngồi yên bình và thanh thản trong căn phòng của riêng mình. Lắng nghe tiếng bút viết xột xoạt trên trang giấy trắng và mỉm cười với những cuốn sách. Một sự yên bình đến từ tâm.

Mọi thứ đã yên, thật yên trong tâm.

Trên bàn học của mình hiện tại luôn có một viên đá nhỏ kỷ niệm lần đi chơi xa ở Kamakura cùng với cô bạn thân. Giống như cách người ta luôn để tấm ảnh gia đình vào ví cuả những người có tiền sử tự sát vậy. Viên đá không hề hoàn hảo mà chứa vết cứa ở giữa. Để nhắc nhở bản thân rằng tất cả những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống này, có thể không hiện hình ngay trước mặt, nhưng chúng vẫn luôn tồn tại đâu đó, nó nhắc mình đang giàu có tới mức nào. Mình cám ơn vì bản thân vẫn còn được sống, lành lặn và khoẻ mạnh. Mỗi ngày trước khi kết thúc công việc luôn viết ra một danh sách những lời cảm tạ. Mình nói yêu bố mẹ mỗi ngày, trước khi còn quá muộn. Chúng dường như là điều duy nhất mình có thể làm được với một cô con gái sống xa nhà lâu năm.

Và nếu thực sự một ngày nào đó mình phải đón nhận cái chết, mình hi vọng sẽ đủ can đảm và không chút hối tiếc để nhận nó. Nhưng mình mong, mình sẽ luôn còn mãi trong lòng những người mình yêu quý, cũng giống như họ vẫn luôn tồn tại trong con người mình, bất chấp không gian, và thời gian.

Bản thân cái chết không hề xấu, nó là một cách thach lọc để đón nhận những điều mới mẻ. Nhưng mình cũng chưa vội để chết. Thật khó để đánh mất nhựa sống của những kẻ ham sống. Người ta vẫn sẽ thấy một con bé vừa đi vừa bật nhạc EDM nhảy chân sáo mỗi giờ tan tầm của ga ike. Miệng luôn cười be bét và tung tẩy trêu ngươi hội Nhật trầm ngâm bên cạnh. Vẫn vui thú với trò đua xe xếp hình xanh đỏ của đèn tín hiệu giao thông mỗi ngày.

Bởi chỉ cần được sống, đã là một điều vĩ đại của tạo hoá. Và tết năm nay dù xa nhà cả nghìn kilomet nhưng mình tin ai rồi cũng sẽ ổn. Như những người vô gia cư sống gầm cầu Shinjuku, bằng cách nào đó họ vẫn tìm được tấm chăn ấm cho riêng mình trong mỗi mùa đông giá rét.

Tin mình đi. Ai rồi cũng sẽ ổn, theo cách riêng của mỗi người.

Ngày hôm nay của bạn ổn chứ? Còn mình thì luôn ổn :D

Tokyo 27/12/2018.

Nguyễn Thị Phương Dung.

 

Trả lời