Bàn về bản in Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tại Nhật Bản

Đăng ngày 09/07/2020 bởi iSenpai

Bài viết của tác giả Hồ Bạch Thảo đăng trên Nghiên Cứu Lịch Sử (https://nghiencuulichsu.com/2018/03/22/ban-ve-ban-in-dai-viet-su-ky-toan-thu-tai-nhat-ban/)

Vào tháng 7 năm cuối đời Tự Đức [Tự Đức thứ 36, 1883], một phái đoàn Tướng hiệu tham mưu bản bộ Nhật Bản đến thăm Việt Nam. Phái đoàn không viếng kinh đô Huế, đến ngay thành Hà Nội tại miền bắc. Bấy giờ nước Việt Nam thực sự lâm vào hoàn cảnh tang gia bối rối, vua Tự Đức mất vào ngày 16 tháng 6 Quí Mùi [1883]; trong vòng 4 tháng, các quyền thần làm cuộc thay đổi lần lượt 3 vua (1). Tại miền Bắc, sau khi Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ hai vào ngày mồng 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ [1882], Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử; Pháp nắm chủ quyền Hà Nội, triều đình Huế cử Nguyễn Hữu Độ làm Tổng đốc Hà Ninh, tìm cách liên lạc với Pháp. Bấy giờ Tướng hiệu Nhật đến thăm Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ, được viên Tổng đốc tặng bộ sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư; bèn đem về, rồi khắc in tại Nhật.

Việc phái đoàn Nhật đến thăm xã giao viên Tổng đốc, rồi nhận bộ sử Việt Nam, chỉ là một công đôi việc; vì đây là phái đoàn quân sự, nhiệm vụ chính của họ không phải là công tác văn hoá. Xét tình hình Á châu lúc bấy giờ, Nhật Bản chưa có mưu đồ chính trị tại Việt Nam; nước này sau khi canh tân, đang tranh chấp quyền lợi với nhà Thanh tại Đài Loan và Triều Tiên. Trước khi quyết định mạnh tay với Trung Quốc; nhắm “biết mình biết người trăm trận trăm thắng”, phái đoàn Tướng hiệu Nhật lặng lẽ quan sát thực lực quân Thanh đang dàn trận tại các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh; đối đầu với quân Pháp, trong cuộc chiến tranh Pháp Thanh. Sau khi đánh giá được thực lực đối phương, để chuẩn bị cho chiến tranh Trung Nhật xảy ra tại Triều Tiên 10 năm sau đó; phái đoàn Nhật Bản trở về nước.

Bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do phái đoàn Nhật mang về, sau khi trình lên triều đình, được xuất bản vào tháng 10 năm Minh Trị thứ 17 [1884]. Người phụ trách biên tập xuất bản là Dẫn Điền Lợi Chương [引田利章], lúc bấy giờ giữ chức Trợ giáo kiêm Tham mưu bản bộ Lục quân đại học hiệu. Ông có lời Phàm Lệ tại phần mở đầu sách như sau:

            Phàm Lệ

-Sử An Nam không có sách nào đầy đủ hơn sách này, nên mới có tên gọi là Toàn Thư. Tháng 7 năm ngoái Tướng hiệu tham mưu bảnbộ của chúng ta phụng mệnh đến nước này; viên Tri thành Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đem tặng sách. Bèn mang về xem, bọn chúng tôi đem in. Thấy trong sách có nhiều chữ mất, hoặc sai lạc; chữ nào không khảo được thì xin đánh ô vuông điền vào.

-Kỷ về Lê Thái Tổ, nguyên do Sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn, rồi Thái học sĩ Phạm Công Trứ soạn Tục Biên, cùng với các Bản Kỷ Toàn Thư; sau đó nhóm Lê Hy lại truy cứu thêm để viết Tục Biên rồi cho vào Thực Lục. Nay theo bản của Lê Hy.

-Bản Kỷ Thực Lục từ kỷ Lê Thái Tông trở xuống mất tên người biên soạn; vì vậy nhóm Phạm Công Trứ thu thập phần tán dật của sử trước để soạn Toàn Thư.

Tháng 10 mùa đông năm Minh Trị thứ 17 [1884]

Dẫn Điền Lợi Chương[引田利章]

Ngoài ra có vị Giáo thụ văn học tại nội cung nước Nhật Bản kiêm Đại học Đông Kinh tên là Xuyên Điền Cương [川田剛], tước Tòng ngũ vị (2) viết lời tựa. Nội dung bài viết chê Việt Nam ta vào thời cận đại suy bại; nhược điểm này do thiếu tinh thần tự cường, chứ không phải do học chữ Nho rồi trở nên yếu đuối; tác giả lại so sánh Việt Nam với Thái Lan, thấy rằng Thái Lan có phần tiến bộ hơn trước. Bản dịch lời tựa như sau:

An Nam và Tiêm La đất đai gần nhau, phong thổ tương tự, lãnh thổ dân số cũng gần tương đương; nhưng An Nam thì yếu đuối bị người Pháp khống chế; riêng Tiêm La thì của cải nhiều, chính trị sáng sủa, đi đến chỗ giàu có. Người bình luận tìm không ra nguyên nhân, bèn đổ riết rằng An Nam dùng chữ Hán, với luận điệu rằng nước nào dùng chữ Hán thì tâm hồn mềm yếu không chấn tác! Ô hô! Nếu đúng như vậy thì tại sao nước Ấn Độ đã mất (3), mà Tiêm La hiện nay dùng chữ nước đó [chữ Pali]; đế quốc La Mã đã mất, mà cớ sao các nước Âu Mỹ lại dùng chữ nước đó [Latinh]. Bởi vậy muốn biết nước có chấn tác hay không; hãy xét ở chỗ tự cường hay dựa vào người. Kẻ tự cường thì tập trung tài lực, luyện binh, trung thành với chủ, thực hành hiệu nghiệm; kẻ ỷ người, dựa sức vào nước lớn, chỉ phô trương hư uy [uy lực mướn].

An Nam xưa là Giao Chỉ, lập quốc tương đối lâu; nhưng từ đời Lưỡng Hán trở về sau, vào [Trung Quốc] triều cống, nhận sách phong, tập quen thói lệ thuộc. Gần đây người Pháp thông thương lập phố; rồi một ngày Pháp gây hấn, bèn nhờ nước Thanh (4); một lần đánh thua,  Pháp chiếm Đông kinh [Hà Nội], đánh lần nữa Pháp chiếm Lạng Sơn, vị vua phế bỏ, thực quyền vào tay họ; ngoại viện không thể dựa được rõ như vậy đó. Trước đây Mạc Phủ ta mấy lần thư từ giao thiệp với An Nam, Tiêm La; thương nhân đến sống tại Tiêm La dần dần tụ tập thành đường phố Nhật Bản. Có Sơn Điền Trường Chính trí dũng hơn người, lúc Tiêm La bị cướp bèn xin giúp, suất quân người nước ta lập công rồi chiếm cứ đất. Lúc này Thái Lan vốn không dùng chữ Hán mà yếu nhược hơn An Nam là tại sao? Vì dựa vào ngoại viện, mà không chịu tự cường.

Nay nhà vua ta trung hưng tu sửa ngoại giao, chỉnh đốn võ bị; lại càng lưu ý đến nguyên nhân các nước châu Á, trị, loạn, hưng, vong. Năm ngoái sai 4 vị quan là nhóm Đại Điểu Khuê Giới đến Tiêm La; Khuê Giới viết 2 quyển sách chép những điều chính trị duyên cách mà An Nam chưa có. Mới đây Trợ giáo đại học Lục quân, ông Dẫn Điền Lợi Chương cho khắc in 24 quyển Đại Việt Sử Ký, Đại Việt tức là An Nam. Sách này do nhóm Sử quan An Nam Ngô Sĩ Liên soạn, khởi đầu vào thời thái cổ và dừng bút vào đời Lê thứ 24, hiệu Gia Tông [1672-1675]. Gia Tông đồng thời với vua Khang Hy nhà Thanh và Thiên Hoàng Linh Nguyên Bảo Thiên Hoà. Từ thời đó cho đến về sau thời vận thay đổi, không giữ được nếp xưa; nay dựa vào nước lớn không thể tự cường, nhưng đã thấy triệu chứng suy mấy trăm năm về trước. Nếu đem so sánh với Tiêm La, thấy được bên nọ bên kia, có cái được cái mất, thực không khó mà biện biệt. Những nhà bình luận về việc này không còn kết tội việc dùng chữ Hán nữa!

Ngày trọnghoán [10-20] tháng 12 mùa đông năm Minh Trị Giáp Thân [1884]; Giáo thụ văn học tại nội cung nước Nhật Bản kiêm Đại học Đông Kinh, Tòng ngũ vị Xuyên Điền Cương [從五位川田剛] soạn.

*

Bộ sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Nhật xuất bản, được trang mạng Trung Quốc Triết Học Điện Tử Hoá Kế Hoạch [中國哲學書電子] đăng theo lối chụp hình, gồm 2 tập: tập một 684 trang, tập hai 776 trang. Đem so sánh với bản chữ Nho Đại Việt Sử Ký Toàn Thư do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội in trong nước vào năm 1998 thì thấy tương tự; duy phần cuối phụ lục Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên không in. Điều này cũng dễ hiểu vì Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên mới được tìm thấy tại thư viện gia đình của cố Giáo sư Nguyễn Văn Huyên (5) và bản này cũng chỉ là một phần của bản Phạm Công Trứ đã được khắc in trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Lược qua bản in của Nhật thấy có một số chữ đánh ô vuông, đúng như lời Phàm Lệ cho biết chữ nào không khảo được thì đánh ô vuông điền vào. Ngoài ra còn có một số chữ chép sai; đơn cử dòng cuối sách, bản chữ Nho của Việt Nam ghi “Thiều Sĩ Lâm vi Lại khoa đô cấp sự trung” “Thiều Sĩ Lâm làm Lại khoa đô cấp sự trung”;  bản in Nhật, theo nguyên văn chụp hình của trang mạng Trung Quốc Triết Học Điện Tử Hoá Kế Hoạch, tập 2, trang 772, chép là “Thiều Sĩ Lâm vi Sử khoa đô cấp sự trung”. Đúng là “tam sao thất bổn”, chữ “lại 吏” chép thiếu một nét ngang “-” thành chữ  “sử 史”, khiến sai mất cả câu. Nghĩ đến tai nạn chép lại bị nhầm, xảy ra từ lâu đời; người đọc sách phải cúi đầu cảm ơn Chester Carlson, nhà phát minh máy copy [ photocopier], đã cứu vớt nỗi khổ này.


Chú thích:

1.Ba vua gồm: vua Dục Đức bị truất phế sau khi Tự Đức mất 3 ngày, vua Hiệp Hoà làm vua mới 4 tháng, bị ép uống thuốc độc chết; vua Kiến Phúc lên ngôi vào ngày 7 tháng 10 năm Quí Mùi.

2.Tòng ngũ vị: có lẽ tương tự với tước Tòng ngũ phẩm của Việt Nam dưới thời quân chủ.

3.Nước Ấn Độ mất: vào thời điểm này [1884], Anh cai trị Ấn Độ.

4.Nhờ nước Thanh: ý chỉ quân Cờ Đen và chiến tranh Pháp Thanh.

5.Giáo sư Nguyễn Văn Huyên: nguyên Bộ trưởng giáo dục Việt Nam Dân Chủ CộngHoà.

Trả lời