(Tổ Quốc) – Bộ truyện tranh Subasa nổi tiếng một thời giúp giấc mơ của người Syria không bị gián đoạn.
“Tình hình ở Syria thật tồi tệ – đến mức mà tôi nghĩ rằng nó có thể khiến trẻ con ngừng mơ ước. Tuy nhiên, hóa ra ước mơ của bọn trẻ lại chính là một ngày nào đó Syria sẽ lại trở nên tốt đẹp,” Obada Kassoumah nói. “Tôi ước mình có thể đem đến cho bọn trẻ một chút hy vọng và khiến chúng tin rằng, chúng hoàn toàn có thể mơ ước.”
Obada là một sinh viên Syria tại Tokyo, và hiện đang là người biên dịch các bộ truyện tranh Nhật Bản (manga) sang tiếng Arab.
Một cách khá tình cờ, bộ manga nổi tiếng về đề tài bóng đá Captain Tsubasa (từng được phát hành ở Việt Nam dưới tên Subasa) đã được quyên góp cho các tổ chức từ thiện, và giờ đây đang được phân phát đến những trẻ em tị nạn người Syria trên khắp châu Âu và Trung Đông.
Đối với Obada, công việc dịch thuật đến từ một cơ hội bất ngờ, tuy nhiên, giờ đây, nó đã trở thành một điều gì đó rất riêng tư và quan trọng.
Thoát khỏi thực tế cho dù chỉ trong một khoảnh khắc
Vốn là sinh viên khoa Tiếng Nhật tại một trường đại học ở thủ đô Damascus, năm 2012, Obada nhận được học bổng đến Nhật theo chương trình trao đổi giáo dục. Thời điểm này, tại Syria tình hình bắt đầu trở nên hỗn loạn. Gia đình của Obada đã rất khó khăn mới có thể thu xếp cho cậu rời khỏi đất nước. Sau khi chương trình trao đổi một năm kết thúc, Obada tiếp tục ở lại Nhật Bản theo học như một sinh viên thông thường; đồng thời bắt đầu công việc bán thời gian là dịch truyện tranh.
“Khi còn nhỏ tôi thường xuyên xem Captain Tsubasa trên TV và tôi rất thích nó,” chàng thanh niên 26 tuổi kể lại. “Đó là câu chuyện về một đứa trẻ mơ ước trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, và đã phấn đấu hết sức mình để biến giấc mơ thành hiện thực.”
|
Ban đầu, việc chuyển ngữ bộ manga sang tiếng Arab chỉ là một quyết định hoàn toàn mang tính kinh doanh của nhà xuất bản Nhật Bản. Tuy nhiên, sau đó, họ nhận được một lời đề nghị bất ngờ từ giáo sư Masanori Naito – một chuyên gia Trung Đông tại Đại học Doshisha, Kyoto.
Giáo sư Naito từng học Tiến sỹ nhiều năm tại Damascus trước đây, và luôn “đau đáu” mong muốn được làm một điều gì đó, để giúp đỡ những người dân Syria vô tội bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.
Ông gợi ý nhà xuất bản quyên góp một truyện tranh cho trẻ em tị nạn. “Đối với tôi, tấm bi kịch Syria là vấn đề rất nghiêm trọng,” Naito chia sẻ. “Trong quá khứ tôi từng sống tại những ngôi làng mà giờ đây đang bị các lực lượng nổi dậy chiếm giữ.” Lời đề xuất của ngài giáo sư ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhà xuất bản Shueisah – đơn vị giữ bản quyền bộ manga Captain Tsubasa.
Thông qua một số tổ chức NGO quốc tế và Unicef, các cuốn truyện tranh giờ đây đã được chuyển đến tận tay những trẻ em Syria trong các trại tị nạn trên khắp châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông.
|
“[Những gì trong truyện] khác xa với thực tế mà bọn trẻ đang phải trải qua”, Giáo sư Naito giải thích. “Tuy nhiên đối với bọn trẻ, việc có thể thoát khỏi thực tế cho dù chỉ trong một khoảnh khắc nào đó, thực sự rất quan trọng. Và những cuốn sách này cũng có thể đem lại hy vọng cho tương lai của chính các em.”
Ông Naito tin rằng, manga chính là “một công cụ sức mạnh mềm chống lại đau thương và sự thay đổi.”
Món quà ngạc nhiên đến từ Nhật Bản
Một trong những địa điểm nhận được “món quà” ngạc nhiên mang tên Captain Tsubasa là một trại tị nạn tại Berlin. Tuần trước, những quyển truyện tranh đầu tiên đã được tổ chức NGO Wefa trao tận tay cho 60 trẻ em Syria trong trại.
|
“Đây thực sự là một điều độc nhất vô nhị, và chúng tôi nhận được những phản ứng hoàn toàn khác bình thường,” Ismet Misirlioglu của Wefa nói với kênh BBC. “Bọn trẻ thường nhận được quần áo và thức ăn, vì vậy, các em rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi có truyện tranh Nhật Bản – và bằng chính ngôn ngữ của họ.”
Trong thời gian tới, Wefa Berlin dự định sẽ đem đến thêm nhiều truyện tranh nữa.
Nghĩa vụ của một người Syria
Tại Tokyo, Obada Kassoumah vẫn đang “cần mẫn” dịch những cuộc phiêu lưu của đội trưởng Tsubasa và các đồng đội sang tiếng Arab. Anh hiện đang dịch đến tập thứ 7 trên tổng số 37 tập của cả bộ truyện. Đối với Obada, trước mắt, trở lại Syria không phải là một sự lựa chọn.
Thay vào đó, chàng thanh niên sẽ ở lại Nhật Bản và hoàn thành chương trình học của mình. Obada biết rằng, trong tương lai, Syria sẽ cần đến những kiến thức và kỹ năng của mình; đồng thời tin rằng, anh sẽ đem lại ảnh hưởng lớn hơn nếu tiếp tục xây dựng những kết nối giữa hai quốc gia.
“Tôi có những người bạn đang chiến đấu chống lại chính phủ, và cả những người bạn đang chống lại lực lượng nổi loạn,” Obada chia sẻ. “Chúng tôi là một gia đình – và bây giờ, họ đang cố gắng để tiêu diệt lẫn nhau.”
|
Tuy nhiên, Obada hy vọng, những bản dịch của mình sẽ đem lại nụ cười cho những đứa trẻ Syria ở đâu đó trên thế giới và góp phần xoa dịu đi nỗi đau chiến tranh gây ra.
“Là một người Syria, đây là nghĩa vụ của tôi – và thông qua những gì mình đang làm, tôi có thể giúp đỡ được đồng bào của mình,” chàng trai trẻ quả quyết.
(Theo BBC)