Bệnh viện Nhật giấu thông tin bệnh nhân chết vì vi khuẩn kháng thuốc

Đăng ngày 22/10/2019 bởi iSenpai

Đã có 18 người chết trong vòng hai năm qua ở một bệnh viện thuộc Osaka, bệnh viện Hanna, do nhiễm phải vi khuẩn kháng thuốc, nguồn tin thân cận cho biết.

Một trong các nạn nhân là một người đàn ông 71 tuổi, có triệu chứng của căn bệnh nhiễm vi khuẩn kháng thuốc Acnitobacter trước khi chết. Khả năng cao là bệnh nhân chết do nhiễm khuẩn, trong khi đối với 17 bệnh nhân khác, mối liên quan giữa nhiễm khuẩn và cái chết vẫn chưa được xác định.

Bệnh viện này đã không báo cáo về bệnh nhân này trong bảy tháng cho dù các cơ sở y tế được yêu cầu phải báo cáo về các bệnh truyền nhiễm theo Đạo luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Ông Ichiro Kawase, giám đốc bệnh viện, đã xin lỗi về vụ việc: “Chúng tôi nên xem xét đến khả năng nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Chúng tôi đã không nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của vi khuẩn. Điều này là không thể tha thứ.”

Theo phía bệnh viện và các bên liên quan, 19 bệnh nhân tuổi từ 58 đến 97 đã nhiễm vi khuẩn Acnitobacter, có khả năng kháng kháng sinh cao. Trong đó, 18 người đã chết, người còn lại vẫn đang nằm viện.

Vào tháng 8 năm nay, một bác sĩ bên ngoài được bệnh viện ủy nhiệm kiểm tra sự bùng phát của một bệnh truyền nhiễm khác đã phát hiện ra rằng ít nhất một bệnh nhân đã bị nhiễm Acinetobacter. Điều này đã khiến bệnh viện điều tra các trường hợp nhiễm vi khuẩn trong 5 năm qua.

Bệnh viện sau đó xác nhận rằng ít nhất cứ 2 tháng có 1 bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn này trong khu điều trị kể từ tháng 8 năm 2017. Từ phân tích gen của vi khuẩn, bệnh viện kết luận rằng họ đã bị nhiễm vi khuẩn trong bệnh viện, con đường lây nhiễm vẫn chưa xác định được.

Vào tháng 1 năm nay, bệnh viện đã chẩn đoán rằng người đàn ông 71 tuổi bị viêm phổi nặng hơn do tác động của Acinetobacter gây ra. Bệnh nhân này chết hai tuần sau đó. Bác sĩ phụ trách đã xin lỗi gia đình bệnh nhân: “Ông ấy đã qua đời bởi vi khuẩn rất khó điều trị”. Tuy nhiên, bác sĩ đã không báo cáo về trường hợp này với các nhân viên y tế khác và cho bệnh viên cho đến khi vụ việc nhiễm khuẩn bị đưa ra ánh sáng. Bác sĩ nói rằng: “Tôi không biết rằng tôi có nhiệm vụ phải báo cáo các trường hợp như vậy.”

Trong khi đó, bệnh viện đã giải thích rằng họ không xác định bất kì nguyên nhân liên quan trực tiếp nào giữa nhiễm trùng và cái chết của 17 bệnh nhân khác. Theo luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm, bệnh viện không có nhiệm vụ báo cáo trường hợp của 17 bệnh nhân khác vì không thấy triệu chứng do nhiễm vi khuẩn trên.

Nếu những người có hệ thống miễn dịch đang suy yếu bị nhiễm Acinetobacter và biểu hiện triệu chứng, họ có thể chết vì viêm phổi hoặc nhiễm độc máu. Nhiều trường hợp nhiễm vi khuẩn này đã xảy ra trong bệnh viện. Năm 2018, Bệnh viện Đại học Kagoshima ở thành phố Kagoshima phía tây nam Nhật Bản tuyên bố 8 bệnh nhân nội trú đã chết sau khi bị nhiễm vi khuẩn này.

Bệnh viện Hanna có khu điều trị bệnh lao với 123 giường, quy mô điều trị lớn nhất về căn bệnh này ở Nhật Bản.

Nguồn tin: https://mainichi.jp/…/articles/20191017/p2a/00m/0na/022000c…
Hãy vào website iSenpai để xem thêm các tin tức mới nhất về nước Nhật: https://isenpai.jp/category/chuyen-muc-tin-tuc/

Trả lời