Theo một bài báo đăng trên NHK, tổng kết tình hình kinh doanh ngành bia trong vòng 6 tháng đầu năm cho thấy cả sản lượng và doanh thu tiêu thụ của loại đồ uống này đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, kết quả này không có gì là lạ khi mà tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt là trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp lần ba, các nhà hàn buộc phải ngừng phục vụ đồ uống có cồn và bia đương nhiên không phải là ngoại lệ.
Mặc khác ngay cả việc tiêu thụ các loại bia lon cũng có sự sụt giảm. Việc tăng thuế đồ uống có cồn bắt đầu từ tháng 10 năm 2020 theo Luật sửa đổi thuế càng khiến các công ty lao đao. Mặc dù đã có chuẩn bị cho sự sụt giảm nhưng có vẻ như mức giảm đã vượt quá dự tính của họ.
Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, việc tiêu thụ bia tươi tại các cửa hàng khó có thể kì vọng sẽ tăng trưởng. Vì vậy, việc phát triển các loại bia lon trở thành trụ cột chính trong chiến lược của ngành công nghiệp bia ở Nhật. Trong tương lai gần, xu hướng “ở nhà” của người tiêu dùng sẽ tiếp tục và các doanh nghiệp dự định sẽ cố gắng khai thác nhu cầu này. Khi mà cơ hội được uống bia tươi trở nên khó khăn, người tiêu dùng sẽ càng ưa chuộng bia lon hơn. Nắm bắt tâm lí này, mới đây cả Kirin và Asahi đều tung ra thị trường loại bia mới được giới thiệu là có hương vị hệt như bia tươi được sản xuất thủ công.
Chiến lược thứ hai của các nhà sản xuất bia là đánh vào “ý thức về sức khỏe” vốn đã ăn sâu vào tiền thức người tiêu dùng tại Nhật. Năm ngoái, hai hãng Kirin và Suntory đã tung ra loại bia lon “không đường” đầu tiên của họ. Lí do là thời gian gần đây, nhiều người có xu hướng “tránh bia” vì cho rằng “bia nhiều đường, uống nhiều sẽ làm người ta béo lên”.
Ngoài ra, sau khi Asahi tung ra loại đồ uống có ga vị bia có nồng độ cồn thấp 0,5%, thì Sapporo cũng tung ra thị trường một sản phẩm có nồng độ cồn thấp như vậy từ tháng 9 năm ngoái. Trước đây, các hãng bia dự kiến doanh số bán bia sẽ tăng sau tháng 7, khi mà Thế vận hội được tổ chức, bên cạnh đó là xu hướng về quê, đi chơi dịp nghỉ hè.
Tuy nhiên, Tokyo một lần nữa ban bố tình trạng khẩn cấp lần 4 kể từ ngày 12/7, các nhà hàng, quán bia rượu tiếp tục ngừng phục vụ đồ uống có cồn, kì vọng này đã bị dập tắt. Mặc dù Thế vận hội vẫn được tổ chức trong tình trạng không khán giả, nghĩa là, người ta vẫn có thể vừa uống bia vừa xem trận đấu tại nhà, nhưng nhận định chung của các nhà phân tích là nhu cầu tiêu thụ bia sẽ không nhiều như mong đợi.