Bộ bài Tổ Tôm và bí ẩn chưa có lời giải của mối quan hệ Việt – Nhật

Đăng ngày 09/10/2016 bởi iSenpai

Các nhân vật trong bộ bài Tổ Tôm mặc trang phục thời Edo. Nhiều hình ảnh mang đặc trưng Nhật Bản. Nhưng người Nhật hoàn toàn không biết đến trò chơi này.

Có một chuyện cũng lạ, liên quan tới cả Nhật và Việt, đó là bộ bài Tổ Tôm. Bài Tổ Tôm thì nhiều người miền Bắc và một số người trí thức Việt Nam hay chơi, nên cũng đã biết. Bộ bài gồm 120 lá, có 30 hình vẽ, chia đều mỗi hình vẽ 4 lá, đặc biệt có 7 hình vẽ có thêm dấu đỏ…Lối chơi Tổ Tôm cần bốn người, có nhiều nước, khá cao. Người không quen có thể chơi theo kiểu Ðánh Chắn(Bỏ bớt hàng nhất) cần năm người hoặc đếm số như “xì dách(Tối đa 21 nút tức điểm, black jack)” của bài Tây gọi là Ðánh Bất(Tối đa 11 nút) thì mấy người chơi cũng được. Những người mới chơi, không đọc được số bằng chữ Hán thì nhờ người biết đọc viết số bằng La Tinh trên lá bài.

Lạ ở chỗ là bộ bài này chỉ có người Việt chơi, người Nhật không chơi, người Hoa cũng không chơi (Trừ một số ít Hoa Kiều ở Việt Nam). Nhưng những chữ viết trên lá bài là một loại chữ Hán (Kanji) kiểu cách, hơi giống Lệ Thư (Reisho) với nét cứng mạnh, gồm có bốn loại chữ là “văn, vạn, sách, thang, không biết có liên hệ gì với mạt chược, tiếng Nhật gọi là “majan”(Ma tước) không? Còn các hình vẽ đều là hình vẽ của Nhật, có lẽ gốc là một lối tranh mộc bản(Mokuhan, học từ Trung Hoa nhưng trở thành đỉnh cao mỹ thuật độc đáo của Nhật) đơn giản và nay thường do người Hoa in ra bán.

Ðặc trưng Nhật Bản rõ rệt nhất là tất cả các nhân vật đều mặc “Kimono” (Trước Vật) thời Edo (Giang Hộ), trong số này có 18 hình đàn ông(Có 8 người bó chân), 4 hình phụ nữ và 4 hình trẻ em. Các hình cá chép(Koi, lý), trái đào(Momo), thành(Shiro), thuyền(Fune) cũng là những hình ảnh Nhật.

Tới nay, đã có một vài người nêu vấn đề xuất xứ của bộ bài từ đâu, lưu lạc thế nào mà để lại một dấu tích “bí ẩn” như vậy. Nếu ai biết xin lên tiếng hộ.

Phần trên được chúng tôi chính thức đưa lên nguyệt san Mekong số 53, tháng 11/1999. Trong khi báo còn đang in, thì ngày 01/11/1999, tình cờ xem TV đài NHK băng tần số 3, thấy Giáo Sư Yumio Sakurai(Anh Tĩnh Do Cung Hùng) thuộc Ðại Học Todai(Ðông Kinh Ðại Học) trình bày trong chương trình(Rekishi De Miru Sekai, Thế Giới Nhìn Bằng Lịch Sử) cũng đã đề cập đến “bí ẩn” của bộ bài Tổ Tôm.

Chúng tôi liên liên lạc hỏi thăm, thì được biết:

Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đề cập tới vấn đề này trong cuốn “Le To Tom, L’Annam Nouveau”, 1932, vol. 125 – vol 143”.

Giáo Sư Kim Vĩnh Kiện (Có lẽ là một người gốc Triều Tiên) biết đến Tổ Tôm qua cuốn trên và lần đầu tiên đề cập tới ở Nhật trong cuốn (Đông Dương – Nhật Bản quan hệ) do nhà xuất bản Fuzanbo (Phú Sơn Phòng), Ðông Kinh, năm 1943). Giáo Sư đã cố gắng tra tìm nhưng không biết gì hơn chắc chắn đó là những hình phong tục Nhật.

Giáo Sư Yumio Sakurai đã giới thiệu trong cuốn “Nihon No Kinsei 1, Nhật Bản Cận Thế, tập 1″ do nhà xuất bản Chuo Koron Sha, Trung Ương Công Luận Xã, xuất bản năm 1992. Theo Giáo Sư, loại chữ ghi trên đó cũng lạ, không hẳn là chữ Hán bình thường, một số chữ có thể là chữ Nôm? Thực ra, tất cả chỉ là chữ Hán viết kiểu cách đi thôi.

Chúng tôi có đưa cho một số người Nhật đọc thử, họ đọc không được hoặc vừa đọc vừa đoán. Ðặc biệt lá bài “nhất thang” (Chữ nhất viết theo lối cổ) có hình bà mẹ cho con bú, nét viết rất lạ (Bộ ba chấm thủy viết thành hình số 8, chữ nhất dạng cổ cũng khó nhận ra) thì hầu như không ai đọc được.

Thêm một điểm cũng lạ là người Việt chơi bài và cờ hầu như không biết chữ Hán, nhưng nhận diện quân Cờ Tướng, Mạt Chược và quân bài Tam Cúc hay Tổ Tôm viết bằng chữ Hán thì không sai.

Cửa tiệm Mekong Center chúng tôi ở Nhật Bán thường bán bài Tổ Tôm cho người Việt(Thanh niên miền Bắc) và cho người Nhật, họ không biết chơi, nhưng mua để nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc.

Theo DU HỌC NHẬT BẢN

Trả lời