“Bố mẹ Nhật nên để con vấp ngã để thành công”
Ảnh: Agnes Chan chụp ảnh với ba người con của mình tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Stanford của người con thứ hai năm 2015
Agnes Chan, một tác giả ăn khách về sách nuôi dạy con cái, cho biết, các quy định vô lý và kỳ lạ ở các trường học của Nhật Bản không chuẩn bị hành trang cho các em bước vào thế giới nơi mà công nghệ đang thay đổi ý nghĩa của con người. Hơn nữa, hệ thống trường học áp chế đang giết chết sự sáng tạo, đồng thời cha mẹ quá bảo vệ con cái, đặt kỳ vọng cao vào con cũng đang gây ảnh hưởng xấu.
Agnes Chan hiện nay đang đảm nhiều vai trò như ca sĩ, nghệ sĩ truyền hình, giảng viên, đại sứ thiện chí của UNICEF và viết sách. Cô nói, “Tôi không nghĩ gia đình và xã hội đang mong đợi ở trẻ em những điều đúng đắn. Họ muốn các em là ‘học sinh ngoan,’ đạt thành tích cao trong học tập, tuân thủ kỉ luật tốt. Điều đó không còn quá quan trọng nữa vì máy tính làm tốt hơn thế. Chúng ta phải dạy con cái thành người, là người mà rô bốt không thể bắt chước được. Đây là cuộc chiến sinh tồn.”
Agnes Chan là người Hồng Kông, đến Nhật để bắt đầu sự nghiệp ca hát của mình năm 17 tuổi. Cô có sự khởi đầu là một thần tượng nhạc pop tuổi teen và giờ đây cô là người bênh vực cho trẻ em sâu 40 năm sinh sống ở Nhật. Cô cưới người quản lý cũ của mình, một người đàn ông Nhật Bản, và là mẹ của ba cậu con trai đã lớn lên trong một gia đình đặc biệt, và đều học ở Đại học Stanford, nơi cô đã lấy bằng Tiến sĩ về giáo dục trong khi mang thai cậu con trai thứ hai.
Ngày nay, nhu cầu hướng dẫn nuôi dạy con cái ngày càng tăng, rất nhiều phụ huynh tìm kiếm lời khuyên đáng tin cậy làm thế nào để “nuôi con cho đúng”. Vì thế, cô Chan đã trở thành chuyên gia tư vấn cho các bậc phụ huynh một cách tự nhiên. Trong buổi kí tặng cuốn sách mới nhất của cô, “Nuôi con trong thời đại mới,” cô nhận được bão câu hỏi từ các bà mẹ mất ngủ vì con hoặc đang chuẩn bị làm mẹ.
“Tôi có thể hiểu những lo lắng của họ. Thế giới chúng ta đang thay đổi rất nhanh và nó không còn như lúc tôi còn trẻ. Ở đây không còn là phép cộng nữa, mà đã là phép nhân. Chúng ta đang chuẩn bị cho con cái mình làm những công việc mà chúng ta thậm chí không biết nó còn tồn tại sau 20 năm nữa hay không.”
Mặc dù hai đứa con lớn của cô không được nuôi dưỡng trong thời đại kĩ thuật số, phong cách làm cha mẹ của cô chưa bao giờ thay đổi: cổ điển. Không quản lý vi mô, giữ thời gian biểu linh hoạt, sắp xếp thời gian không tiếp xúc với màn hình, khám phá thiên nhiên, chơi các trò chơi cờ bàn, dạy thông qua chơi, và nấu ăn hoặc làm bánh sinh nhật với con. Trong khi đó, nhiều cha mẹ Nhật đang cố gắng hết sức vì con mình, các lớp học thêm, học nhạc, học thư pháp, câu lạc bộ thể thảo… Họ đầu tư nhiều vào con cái, tin rằng có thể gặt hái được trong tương lai.
Tiền bạc đầu tư vào con cái, bao gồm cả phần thưởng bằng tiền mặt cho điểm tốt, là bằng chứng cho sự thành công của bố mẹ, họ tự nhủ như vậy. Nhưng cô Chan khích lệ con cái không phải bằng cách rút séc ra. “Biết rằng con có thể làm được đã đủ là một nguồn động lực. Tôi cố gắng xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin, tò mò, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm và cả việc tự đứng dậy cho con. Tất cả những điều này càng trở nên quan trọng hơn bởi vì những thứ như hợp đồng làm việc tạm thời hay trả lương dựa trên thâm niên có thể sẽ không còn nữa.”
Cô Chan lo lắng rằng hệ thống giáo dục của Nhật Bản đang đi lùi, và nhiều giáo viên không đạt tiêu chuẩn. Đó là lý do cho dịch bệnh tự tử tuổi teen, bắt nạt, trốn học, cô lập xã hội và nhiều vấn đề xã hội khác đang ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Cô nhìn thấy những vấn đề và đất nước cần phải giải quyết khi cô sinh con trai đầu lòng 30 năm trước giờ vẫn chưa được giải quyết. Bố mẹ vẫn chưa thoát khỏi ảo tưởng rằng con đường dẫn đến thành công rất trơn tru.
Theo cô Chan, Nhật Bản là một “xã hội nơi mọi thứ đều có vai trò hoàn hảo”. Cô giải thích rằng một số người trở nên đơ cứng vì xã hội mang tính đồng nhất, phân cấp, theo định hướng nhóm. Và những người không tuân thủ sẽ được gọi là “cái đinh nhô ra (và bị đập dẹp xuống)”. “Bố mẹ muốn con cái thành công và họ cảm thấy rằng chỉ có một cách: thúc đẩy chúng trở nên ưu tú. Thành tích hạng A, nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, những thứ được xem là giá trị văn hóa cao. Định kiến này nên được bỏ đi. Đó không phải là cách để dạy trẻ con về giá trị của bản thân. Chúng bắt nạt những đứa trẻ khác bởi vì đó là một cách để cảm nhận về sự ưu việt của chính mình. Bắt nạt là một vấn đề lớn ở trường học Nhật Bản, và mọi người luôn cố gắng che đậy nó. Đây là trách nhiệm của tất cả mọi người.”
Cô cho rằng việc giảm áp lực phải thông minh hoặc chơi thể thao giỏi hơn bạn khác sẽ giúp đứa trẻ thể hiện tốt hơn, vì biết rằng thất bại cũng là điều bình thường trong quá trình học hỏi. Cô không bao giờ cho con đến lớp học thêm, thứ đã biến thành ngành kinh doanh béo bở ở đất nước này, mà để các con trở thành những cá nhân tự chủ. Cô cho các con quyền tự do được mắc lỗi, cô từ chối để cho nỗi sợ điều khiển cách làm cha mẹ của bản thân mình.
Cô Chan nhận ra rằng các bà mẹ bị ám ảnh bởi hình ảnh hoàn hảo mà xã hội hiện đại dựng lên, nơi mà những rủi ro dường như ở khắp mọi nơi. Nhưng từ kinh nghiệm của mình, cô hiểu rằng việc nuôi dạy con và việc cầu toàn không đi đôi với nhau, và không có một cách tiếp cận chung nào đối với kỷ luật. “Điều đầu tiên: đừng so sánh. Nhật Bản là một xã hội đông đúc, và nó có xu hướng so sánh. Nhưng cha mẹ nên nói với con cái rằng, con làm tốt với khả năng của mình. Hãy để đứa trẻ biết tình yêu của bạn không phụ thuộc vào điểm số.”
Cô Chan không che giấu sự thất vọng của mình khi nói về việc Nhât Bản không phân bổ đủ nguồn lực để bảo vệ trẻ em, trong khi một khoản tiền lớn được dùng để hỗ trợ cho người cao tuổi. Việc thiếu hỗ trợ cho trẻ em dẫn đến tình trạng trì hoãn hôn nhân và sinh con. “Người ta sợ hãi bởi chi phí nuôi dạy một đứa trẻ, và họ nghĩ họ cần rất nhiều tiền để cho con vào được trường đại học tốt. Không ai nói đến niềm hạnh phúc được làm cha mẹ.”
Cô là người con thứ tư trong sáu anh chị em. Cô được nuôi dạy bởi “mẹ hổ” với sự khắt khe và không cảm thấy hạnh phúc. Bởi vậy, cô muốn phá vỡ vòng lặp nuôi dạy con độc hại. Hai người anh của cô Chan đã trở thành kế toán viên và kĩ sư như ước muốn của mẹ cô, và hai người chị cũng để mẹ chọn con đường sự nghiệp cho mình. “Mẹ tôi muốn tôi thành luật sư, nhưng tôi đã làm bà thất vọng. Tôi là đứa duy nhất trong nhà không theo ý bà. Đó là cách mà cha mẹ biểu hiện tình yêu trong thời đại của mẹ tôi – đảm bảo cho mọi đứa con có được vai trò tốt trong xã hội. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi muốn con mình được hạnh phúc, đó là ưu tiên hàng đầu của tôi. Cách duy nhất để làm vậy là để chúng tin vào bản thân mình và tự quyết định mình là ai và muốn làm gì. Chẳng quan trọng bạn trở nên giàu có hay nổi tiếng, nếu bạn có ước mơ, bạn sẽ luôn hạnh phúc.”
Cô Chan cho rằng hệ thống giáo dục của Nhật Bản – chương trình giáo dục quốc gia, hệ thống trường tập trung, học vẹt và địa ngục thi cử – sẽ không thay đổi một sớm một chiều. Nhưng cô nhắc nhở chúng ta rằng lớp học không phải là nơi duy nhất có thể học. Hãy để cho đứa trẻ đối mặt với rủi ro, xử lý hậu quả, hãy để chúng tìm cách ra khỏi hố sâu và vũng bùn, phát triể một cách tự chủ. Hãy để chúng thất bại. Còn chúng ta nên buông tay.
“Buông tay là điều khó khăn với bất kì cha mẹ nào. Sau trung học cơ sở, tôi để cho con mình tin rằng chúng có khả năng tự ra quyết định. Tôi rất sợ hãi nhưng tôi tôn trọng sự lựa chọn của con. Khi con trai lớn của tôi chọn trường đúng thứ bảy, thay vì trường nội trú hàng đầu của Mỹ, tôi đã hy vọng nó có thể nhận ra mình đã sai lầm. Nhưng rồi hóa ra không phải thế.” Người con trai đó, Kazuhei, bây giờ là CEO của một công ty khởi nghiệp ở thung lung Silicon. Con trai thứ hai của cô, Shohei, là một kỹ sư ở thung lũng Silicon và con trai út, Kyohei, 22 tuổi, sẽ vào học chương trình sau đại học ở Đại học Stanford năm nay.
“Thật tuyệt vời khi những đứa con của tôi học ở Stanford nhưng đó không phải là mục tiêu. Có rất nhiều những sinh viên tốt nghiệp Stanford nhưng không hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì chúng được hạnh phúc. Ở Trung Quốc chúng tôi có cách nói ‘cheng long, cheng feng,’ và nó có nghĩa là bạn muốn con trai mình thành rồng còn con gái mình thành phượng. Nhưng mỗi đứa trẻ có thể có con đường riêng, bất cứ ai cũng thành rồng thành phượng theo cách của họ.”
Nguồn: Japan Times