Lịch sử của Bonsai
Nghệ thuật Bonsai là một trong những nét văn hóa độc đáo của người Nhật thể hiện sự gắn kết lâu đời của thiên nhiên cây cối với con người. Lịch sử của nghệ thuật này đã bắt nguồn từ rất lâu trước kia. Bonsai được truyền vào Nhật Bản từ Trung Quốc vào thời Heian. Trong suốt từ thời Kamakura đến thời Muromachi, bonsai đã được tầng lớp cai trị như giới võ sĩ và người trong triều đình yêu thích, đã từng được phác họa trong bức tranh cuộn “Saigyo monogatari emaki” (nửa đầu thời Kamakura) với cổ thụ mọc trên đá, hay trong bức tranh “Kasuga Gongen kenki” (nửa cuối thời Kamakura) với hình hai chậu bonsai.
Ảnh: Wikipedia
Đến thời Edo, Bonsai trở nên hưng thịnh như một nét văn hóa. Trải qua ba đời tướng quân Ieyasu, Hidetaka, Iemitsu, bonsai đều được yêu thích, đặc biệt tướng quân Iemitsu có tình yêu vô bờ với nghệ thuật này. Ngày nay, ta có thể thấy gia tài để lại của tướng quân Iemitsu đang được bảo vệ cẩn trọng như cây thông đỏ và thông trắng Nhật Bản tại trường trung học Tokyo Metropolitan Engei và thông trắng tại Cục Hoàng Gia.
Ảnh: Blog.goo.ne.jp
Thời Edo, nghệ thuật bonsai được phổ biến rộng rãi trong dân chúng và nhanh chóng đạt tới sự phát triển cao độ. Điều đó đã được phác họa trong các bức tranh khắc gỗ của Katsushika Hokusai và Utagawa Hiroshige. Những giống cây như bìm bìm, hoa cúc, hoa diên vỹ được lựa chọn rất nhiều, ngoài ra, nhờ vào các thủ pháp độc đáo đã được trui rèn dựa trên độ ẩm, cách chăm sóc đã khiến cả những cây như vạn niên thanh, quyết lá thông, hay gốc của những cây thay lá hiếm có cũng trở thành đối tượng để đầu tư hoặc sưu tầm. Đến mức đã xuất hiện những cây có giá trị lớn có thể đổi lấy cả căn biệt thự.
Ý thức về thực vật ngày càng cao kết hợp với ý thức về cái đẹp của những võ sĩ khiến cho cách yêu thích bonsai cũng dần thay đổi. Vào thời này, chậu cảnh, cách bài trí được hoàn thiện và tương quan với hình dáng của những chậu bonsai ngày nay. Mặt khác, từ sau thời Edo, “Cây yêu thích của văn nhân” được mến mộ nhiều lên với trung tâm là Kyoto và Osaka.
Ảnh: @bonsaipasion
“Cây của văn nhân”, theo đúng như tên gọi của nó, đó là dáng cây được văn nhân yêu thích, đó không phải những dáng cây thẳng tắp, đồ sộ mà những cây thân nhỏ nhắn, tiêu sái. Những cây này khiến ta tự hỏi, phải chăng đó chính là dáng vẻ tự do tự tại rời xa thế tục của người văn nhân. Hơn nữa, đến thời Heian, ý tưởng coi trọng sự gần gũi với thiên nhiên đã được đề xướng.
Điểm cốt lõi của Bonsai
Mang trong mình lịch sử phát triển như vậy, ngay từ đầu, bonsai và nghệ thuật làm vườn đã không hề giống nhau. Khác với việc yêu thích và chăm sóc cho cây khỏe mạnh của nghệ thuật làm vườn, nghệ thuật bonsai chăm sóc cây từ khi còn non, bộc lộ nét đẹp của cây ra ngoài trong một không gian giới hạn như chậu cảnh.
Ông Yamada Tomio, chủ đời thứ 4 khu vườn Seikou-en có lịch sử từ thời Edo nói rằng: “Bonsai là một cuộc dạo chơi của trí tưởng tượng. Quan sát, cảm nhận sự phong tình của bốn mùa đó khiến người ta phải nhớ đến phong cảnh của Nhật Bản.” Trong tác phẩm “Mamebon- loại bonsai nhỏ nhất thế giới” của biên tập viên, nhà nghiên cứu bonsai Yamada Junzou, có viết rằng: “Bonsai là thứ dùng kéo, dây kẽm thay cho bút viết để vẽ nên “những bức họa sống””.
Điều cốt lõi của nghệ thuật bonsai là nuôi dưỡng, tạo thế, để làm toát lên hết vẻ đẹp, sức sống của cây. Biết được đặc tính của cây, tìm kiếm, đào sâu hơn nữa nét đẹp tiềm tàng và duy trì vẻ đẹp đó. Và để hướng tới cái đẹp, người nghệ nhân cần phải bỏ đi những cành không cần thiết, để tạo được dáng cho cây cần cắt bớt rễ, dùng dây kẽm để uốn cành, tỉa lá để tán cây dày hơn,… việc đó cần rất nhiều công sức với rất nhiều kỹ thuật.
Để có được cây bonsai tốt bắt buộc phải hiểu được đặc trưng, tính chất của cây, bằng thủ pháp của con người để nhìn thấu nội tại bên trong của cây. Đồng thời, bản thân cây tự mình phát triển nên bonsai là kết quả của việc hợp tác giữa người và cây. Dù có lờ qua những đặc tính của cây, gượng ép uốn cành, tạo ra một sản phẩm tùy ý thì cũng sẽ không thể nào làm nên một tác phẩm đẹp. Nếu không có sự tồn tại của cây thì cũng không có gì được tạo nên cả. Đó là kết quả của việc hòa trộn giữa thực thể là cây và ý thức của con người.
Vì vậy, những cây bonsai không còn được chăm sóc sẽ không thể giữ được hình dáng, thế cây vì thế cũng bị rối loạn. Khi nhìn vào những cây đó, những người xung quanh có thể hiểu được, cây bonsai cũng chính là bản thân người chăm sóc, đã từng là một tác phẩm. Ngoài ra, khác với cây cảnh- là sự mô phỏng lại phong cảnh, bonsai khiến người xem phải liên tưởng đến một thiên nhiên hùng vĩ hơn nhiều. Mang những đặc điểm gần giống với những đặc điểm của văn học, bonsai khiến người xem cảm nhận được ẩn ý, những cảm xúc dâng trào, trí tưởng tượng, và cả dư âm.
Không chỉ là một thú chơi trong lúc nhàn rỗi, người Nhật đã nâng bonsai trở thành “Đạo”, mang đầy ý nghĩa thiêng liêng của tư tưởng, triết học. Bonsai là nghệ thuật của cái đẹp, nghệ thuật của sự kết hợp giữa thiên nhiên và con người. Khi đã mệt mỏi với những muộn phiền của cuộc sống hối hả, hãy thử đến với bonsai, chắc chắn rằng bằng sức mạnh thiên nhiên tràn đầy, tâm hồn bạn sẽ được thanh lọc, tìm lại được bản ngã nguyên thủy của mình.