Bức tranh toàn cảnh về công cuộc duy tân của Nhật Bản

Đăng ngày 06/06/2016 bởi iSenpai

Sự thành công của thời kỳ Minh Trị Phục Hưng còn do tính thực dụng của các nhà lãnh đạo trẻ, họ đã tiến chậm chạp, bỏ ngay những khởi đầu sai lầm, thử nghiệm các điều học hỏi mới và coi kỹ xem các cải cách có thích hợp với xã hội và dân tộc của họ không.

1. Nước Nhật và chính sách bế quan tỏa cảng

Thế kỷ 21 đã được gọi là Thế Kỷ Thái Bình Dương và các quốc gia ở chung quanh đại dương lớn nhất này đang đóng các vai trò rất quan trọng trong tương lai.

Tại vùng phía bắc Thái Bình Dương, phần đất Alaska của Bắc Mỹ tiếp gần với phần đất Yakutsk của miền Tây Bá Lợi Á, thuộc nước Nga. Về phía tây nam của Thái Bình Dương là các hải đảo chạy gần như song song với lục địa châu Á, đó là các đảo Aleutian, Kurile, quần đảo Nhật Bản, quần đảo Phi Luật Tân…

Vào thế kỷ 16 và 17, ba cường quốc đã thiết lập buôn bán với Nhật Bản là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hòa Lan. Người Bồ và người Hòa Lan đã tới Nhật Bản qua mỏm cực Nam của châu Phi, còn người Tây Ban Nha tới từ thuộc địa của họ là Mễ Tây Cơ. Các người này bị người Nhật gọi là bọn “Nam man” hay những kẻ man rợ của phương Nam, vì họ thường từ phía Nam đi tới Nhật Bản.

Sang thế kỷ thứ 18 và 19, có thêm ba quốc gia nữa tìm cách buôn bán với Nhật Bản là nước Nga, nước Anh và Hoa Kỳ nhưng vào thời kỳ này, Nhật Bản đã áp dụng chính sách “bế quan tỏa cảng”, cấm đoán mọi giao dịch thương mại với các người nước ngoài, ngoại trừ với người Hòa Lan sinh sống tại Nagasaki. Vì thế, các người nước ngoài muốn làm thay đổi chính sách kinh tế kể trên không phải là một việc dễ dàng.

Quốc gia đầu tiên muốn gõ cửa Nhật Bản là nước Nga. Vào đầu thế kỷ 18, Đại Đế Peter (1672-1725) là Sa Hoàng có rất nhiều quyền lực và tham vọng, đã quyết định mở mang miền Siberia . Đây là một vùng đất bao la, rất giàu tài nguyên nhưng khí hậu rất khắc nghiệt. Vào thời đại của Sa Hoàng Peter, di chuyển hàng hóa qua miền Siberia chỉ trông cậy vào các con chó chạy trên những cánh đồng tuyết phủ mênh mông, còn dùng đường biển đi từ một hải cảng trên biển Baltic tới hải cảng Okhotsk tại Siberia phải mất hơn một năm. Hơn nữa, các hải cảng thuộc miền đông lại đóng băng 10 tháng trong một năm và chỉ dùng được trong 2 tháng 8 và 9. Việc chuyên chở tài nguyên Siberia là quặng mỏ và sản phẩm rừng, chỉ trông cậy vào các con tầu biển chở nặng và các hải trình dài đòi hỏi tới các hải cảng thân hữu để các con tầu này cập bến lấy đồ ăn và nước uống. Ngoài ra, các con tầu Nga đi tới Siberia còn cần một nơi chờ đợi cho băng tuyết tan đi. Một hải cảng của Nhật Bản đúng là một nơi lý tưởng. Với ý định như thế, Đại Đế Peter ra lệnh cho các học giả học tiếng Nhật qua các sách của người Hòa Lan và cho tầu thuyền thám hiểm các hòn đảo Kuril nằm giữa nước Nga và nước Nhật. Nhưng Đại Đế Peter đã chết trước khi có các tiếp xúc chính thức giữa hai nước.

Tới cuối thế kỷ 18, nước Nga lại có một nhà vua nhiều quyền lực là Nữ Hoàng Catherine (1729-96). Bà vua này cố gắng nối tiếp các liên lạc chính thức với Nhật Bản nên vào năm 1792, một phái đoàn Nga đã tới hải cảng Nemuro thuộc hòn đảo phía bắc Hokkaido. Để có được tình cảm tốt đẹp, phái đoàn này còn đưa về Nhật Bản các người Nhật bị đắm tầu và được đối xử tử tế tại đất Nga. Phái đoàn Nga xin phép tới Edo là kinh đô của Nhật Bản thời đó để thương lượng việc buôn bán nhưng đã bị từ chối. Tới năm 1804, một phái đoàn Nga khác cũng tới hải cảng Nagasaki và cũng bị chính quyền Shogun (将軍 Tướng Quân) cự tuyệt.

Sự việc hai lần khước từ buôn bán với nước Nga đã khiến cho tại Edo, những người có trách nhiệm quốc gia phải quan tâm. Hokkaido là một hòn đảo thưa dân, ở phía bắc, rất cần được phát triển để mang lại thực phẩm cho các hòn đảo tại phía nam. Sự liên lạc với nước Nga có thể giúp ích cho việc phát triển này. Nếu phái đoàn Nga kiên nhẫn hơn, nán ở lại Nhật Bản lâu hơn thì việc thương lượng có thể có kết quả. Tuy nhiên, vị đại sứ Nga không kiên nhẫn, đã tự ý ra lệnh cho một tầu chiến tấn công một vùng biển của đảo Hokkaido. Việc dùng võ lực này đã khiến cho chính quyền Shogun quyết định tăng cường võ trang để bảo vệ Nhật Bản và càng cấm cản người nước ngoài.

Năm sau, 1808, một tầu chiến Anh chạy vào hải cảng Nagasaki và thuyền trưởng của con tầu đã bắt buộc vị tổng trấn thành phố phải cung cấp các đồ ăn và nước uống cần thiết. Nhiều tầu Anh khác cũng làm như vậy và vào năm 1824, đã có các cuộc chiến giữa các thủy thủ người Anh và một số người Nhật Bản.

Tất cả các biến cố kể trên phối hợp lại đã khiến cho chính quyền Shogun ban ra một sắc luật mới vào năm 1825, ra lệnh bắn phá tất cả các tầu thuyền ngoại quốc tới gần các bờ biển Nhật Bản và giết hay bắt tất cả các thủy thủ xa lạ. Các chính quyền địa phương Nhật được lệnh toàn quyền thi hành sắc lệnh này mà không cần hỏi về kinh đô Edo. Trước kia, các tầu biển nước ngoài nếu thiếu nước uống và đồ ăn thực sự, có thể ghé các hải cảng Nhật Bản trong một thời gian thật ngắn, nhưng sau khi sắc luật kể trên được ban hành thì mọi tầu bè ngoại quốc đều bị từ chối dứt khoát. Hành động cứng dắn của chính quyền Shogun kể trên lại càng làm cho chính quyền này bất lực về sau.

Cũng vào khoảng thời gian này, tại Trung Hoa, các thương nhân người Anh đã bán thuốc phiện trồng tại Ấn Độ cho các dân ghiền người Hoa. Vì thế Hoàng Đế Trung Hoa đã ra lệnh việc bán thuốc phiện phải bị chấm dứt và tại một hải cảng miền Quảng Đông, một số lớn thuốc phiện của người Anh bị tịch thu và đốt bỏ. Nước Anh vì vậy đòi nước Trung Hoa bồi thường và khi bị từ chối, các tầu chiến Anh đã bắn phá bờ biển Trung Hoa. Đó là cuộc “Chiến Tranh Nha Phiến”. Lực lượng Trung Hoa không thể chống lại hạm đội Anh nên một số hải cảng Quảng Đông, hải cảng Thượng Hải và thành phố Nam Kinh bị chiếm đóng. Hiệp Ước Nam Kinh ký năm 1842 nhường cho nước Anh hòn đảo Hồng Kông gần Quảng Đông và đặc quyền cho phép người Anh buôn bán tại 5 hải cảng Trung Hoa.

Tại châu Á, Trung Hoa từ xưa vẫn được coi là một nước lớn, hùng mạnh nhất mà không thể chống cự nổi hạm đội Anh, điều này đã làm cho Nhật Bản phải suy nghĩ. Một số lãnh chúa Nhật đã khuyến cáo chính phủ nên giao thương ngay với các nước Tây Phương để có cơ hội mua võ khí ngõ hầu bảo vệ Nhật Bản. Tuy nhiên chính quyền Shogun vẫn cương quyết bế quan tỏa cảng, nhưng việc học hỏi Tây Phương có thể được làm ngơ để người Nhật biết cách chế tạo ra các võ khí mới.

2. Đô Đốc Perry tới nước Nhật

Sau nước Nga và nước Anh, Hoa Kỳ là quốc gia thứ ba đòi hỏi Nhật Bản phải mở hải cảng, giao thương với các nước ngoài. Vào thập niên 1840, Hoa Kỳ đã quan tâm tới Thái Bình Dương. Năm 1846, nước Anh công nhận quyền lợi của Hoa Kỳ tại miền đất Oregon và hai năm sau đó, Tây Ban Nha chịu nhường thuộc địa là miền California sau cuộc chiến tranh Mễ Tây Cơ. Năm 1849, cuộc khám phá ra vàng tại California đã tạo nên cuộc săn vàng sôi nổi tại miền tây Hoa Kỳ. Đã có một dự định xây dựng một đường xe lửa xuyên qua lục địa Bắc Mỹ và một dự án về tầu thủy băng qua Thái Bình Dương để tới Trung Hoa. Các quốc gia chính của châu Âu đang hướng về thị trường hàng triệu người tiêu thụ của châu Á để bán ra các sản phẩm dư thừa của họ, tạo nên bởi các phương pháp sản xuất của cuộc cách mạng kỹ nghệ. Hoa Kỳ cũng muốn chia phần trong việc tìm kiếm thị trường quốc tế. Ngoài ra vùng biển bắc Thái Bình Dương là nơi rất tốt để săn cá voi và đã có hơn 500 người Mỹ hành nghề tại vùng biển này. Những lý do kể trên khiến cho Hoa Kỳ hướng về châu Á.

Nhật Bản là miền đất nằm trên đường đi từ California tới Trung Hoa. Một thập niên về trước, nước Anh đã dễ dàng ép buộc Trung Hoa phải mở cửa để cho người nước ngoài vào buôn bán nên vào lúc này, Hoa Kỳ cũng muốn làm áp lực với Nhật Bản vì người Nga đang có các toan tính về thị trường Nhật. Vì thế, Hoa Kỳ phái một đoàn tầu chiến tới kinh đô Edo. Cầm đầu hạm đội Hoa Kỳ là Đô Đốc Matthew Calbraith Perry (1794-1858).

Đô Đốc Perry thuộc một gia đình hải quân truyền thống. Anh của ông là Oliver Hazard Perry là một vị anh hùng trong trận chiến Hồ Erie của cuộc chiến 1812. Còn chính Perry, ông đã chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ lớn nhất thời đó trong cuộc chiến tranh Mễ Tây Cơ và đã thắng lợi trong cuộc tấn công hải cảng Veracruz. Ông cũng là một nhà ngoại giao trong các cuộc thương thảo tại Canada, Naples và Nigeria. Đô Đốc Perry luôn luôn bênh vực quan điểm là Hải Quân Mỹ nên dùng tầu thủy chạy bằng hơi nước để thay thế loại tầu biển dùng buồn, vì vậy trong hạm đội của ông đi tới Nhật Bản đã có hai tầu thủy. Ngoài ra, đặc tính thích hợp nhất của ông trong việc thương lượng với Nhật Bản là tính kiên nhẫn.

Mùa thu năm 1852, Đô Đốc Perry rời hải cảng Annapolis để đi Nhật Bản, có Tổng Thống Hoa Kỳ Millard Fillmore tới tận nơi từ biệt. Đây là vị đô đốc thứ tư của Hoa Kỳ được gửi đi Nhật Bản kể từ năm 1845, vì các lần trước đều thất bại. Vào ngày thứ Sáu, mồng 8 tháng 7 năm 1853, hạm đội của Đô Đốc Perry tiến vào vịnh Edo (nay là vịnh Tokyo) trước các con mắt rất ngạc nhiên và thán phục của người Nhật Bản vì họ chưa từng được trông thấy hai chiếc tầu thủy chạy ngược gió. Hạm đội này đã bỏ neo tại thành phố Uraga, trên bờ phía tây của vịnh Edo.

Sự xuất hiện quá nhanh và bất ngờ của hạm đội Mỹ đã khiến cho chính quyền Shogun không biết cách phản ứng, vì vậy cách hay nhất của họ là trì hoãn việc đối phó, trong khi đó dân chúng Nhật đã kéo tới Uraga để nhìn thấy rõ các con tầu chiến Hoa Kỳ. Vào thời đó, các tầu thuyền của Nhật Bản còn làm bằng gỗ, thô sơ, không sơn phết, trong khi chiến hạm Mỹ được đóng theo kỹ thuật mới và sơn màu đen.

Lúc cập bến cảng Nhật Bản, Đô Đốc Perry đã từ chối gặp các nhân viên cấp dưới và sau một buổi lễ long trọng, đã trao bức thư của Tổng Thống Fillmore cho một hoàng tử Nhật để chuyển về cho Thiên Hoàng. Bức thư này đã nhã nhặn đòi hỏi ba điều: việc thương mại trên căn bản thử nghiệm, việc đối xử nhân đạo đối với các thủy thủ Mỹ gặp nạn và việc bán than đá cho các tầu thủy Hoa Kỳ. Chính quyền Shogun lúc đó đã không trả lời ngay mà yêu cầu hạm đội Mỹ ra đi vì bức thư đã được chấp nhận. Đô Đốc Perry hẹn sẽ trở lại sau một năm với một hạm đội hùng mạnh hơn. Shogun sau đó đã hội họp với các lãnh chúa để hỏi ý kiến và tìm ra giải pháp. Lòng ái quốc, lòng hãnh diện quốc gia và chính sách bế quan tỏa cảng đã không cho phép họ chấp nhận các điều yêu cầu của Hoa Kỳ. Nhưng vũ khí hùng mạnh của hạm đội Mỹ lại có thể gây nên những rắc rối giống như người Anh đã làm tại Trung Hoa.

Ngày 11 tháng 2 năm 1854, Đô Đốc Perry trở lại vịnh Edo, lần này với 8 tầu chiến. 5 ủy viên của chính quyền Shogun đã họp với Đô Đốc Perry tại một làng thuộc tỉnh Yokohama và cuối cùng, vào ngày 31 tháng 3, họ đã ký với nhau thỏa ước Kanagawa, chấp thuận đối xử tử tế với các thủy thủ bị đắm tầu người Hoa Kỳ, cho phép các tầu biển Hoa Kỳ được cặp bến tại hải cảng Shimoda, nằm 100 dặm về phía nam của Edo, tại hải cảng Hokodate thuộc hòn đảo Hokkaido, và cũng chấp nhận trụ sở của một viên lãnh sự Hoa Kỳ tại Shimoda để sau này dàn xếp việc thương mại. Việc phê chuẩn thỏa ước được phía Hoa Kỳ làm ngay, nhưng phía Nhật Bản đã để mất nhiều thời giờ hơn. Bắt chước Hoa Kỳ, các nước Anh, Hòa Lan và Nga cũng đòi hỏi các nhượng bộ tương tự và Nhật Bản không còn cách nào khác hơn là chấp nhận.

Tháng 8 năm 1856, viên lãnh sự Hoa Kỳ đầu tiên tên là Towsend Harris tới nhận nhiệm sở tại hải cảng Shimoda. Vị này đòi hỏi Nhật Bản không những mở hải cảng để giúp các tầu biển cần tiếp liệu mà còn phải thi hành việc thương mại toàn diện. Vào thời này, nhiều người Nhật đã thấy rằng thỏa ước bất công, có tính một chiều bởi vì Nhật Bản không thể buôn bán tại Hoa Kỳ, song Nhật Bản quá yếu, không làm sao ngăn cản được áp lực ngoại quốc và đã đến lúc phải chấm dứt chế độ Shogun Tokugawa (Tướng Quân) đã nắm quyền lực hai thế kỷ rưỡi. Các lãnh chúa đã bàn tính tới việc phục hồi quyền lực cho Thiên Hoàng. Kyoto do đó đã trở nên một trung tâm chính trị sôi động. Một khẩu hiệu phổ biến vào thời kỳ đó là “Tôn vinh Thiên Hoàng, đánh đuổi các kẻ man rợ “. Một số lãnh chúa thế lực đã mời Thiên Hoàng và các nhà quý tộc tham dự vào các buổi bàn thảo về chính sách quốc gia, một việc làm đầu tiên trong nhiều thế kỷ.

Trong một cố gắng để làm yên lòng phe đối lập đối với các đòi hỏi thương mại mới, Shogun Tokugawa đã mang thỏa ước để xin Thiên Hoàng chấp thuận. Vào các thập niên trước, tất nhiên Thiên Hoàng phải đồng ý nhưng lần này, Thiên Hoàng đã bác bỏ. Một lý do là vì hải cảng phải mở cửa là Osaka, quá gần với Kyoto. Thiên Hoàng lại khuyến cáo chính quyền Shogun phải quan tâm đến các ý kiến của các lãnh chúa mạnh thế.

Tháng 8 năm 1858, Shogun thứ 13 tên là Iesada qua đời. Hội Đồng Niên Lão đã chỉ định một Đại Thần có quyền hành động như một nhà độc tài để phục hồi quyền hành trung ương. Vị này phải đủ mạnh để bắt giữ các lãnh chúa đối lập, chọn ra một Shogun mới và ký thỏa ước với Hoa Kỳ. Vào lúc này, các nước Anh, Hòa Lan, Nga và Pháp cũng đòi hỏi các thỏa ước tương tự, khiến cho sự bất mãn càng gia tăng nhất là khi nhiều người ngoại quốc bắt đầu tới Nhật Bản.

Năm 1860, vị Đại Thần bị ám sát chết. Lúc này, một số võ sĩ Samurai Nhật đã đốt nhà của nhiều người ngoại quốc và giết chết một số người khác. Tầu chiến các nước phương Tây liền trả thù lại bằng cách bắn phá các hải cảng Nhật. Chính quyền Shogun càng ngày càng trở nên bất lực, không kiểm soát nổi tình thế. Có hai thành phố đã mua lậu võ khí tây phương là Satsuma ở phía nam của đảo Kyushu, và Choshu ở phía tây của đảo lớn Honshu. Họ đã tổ chức được 2 đội quân gồm các samurai trẻ, có khả năng. Những người ngày thấy rằng cần phải thiết lập nên một chính phủ mới dưới quyền của Thiên Hoàng và hủy bỏ chế độ Shogun (Tướng Quân). Một trong các samurai trẻ kể trên sau này trở nên một chính khách lỗi lạc của nước Nhật, đó là Ito Hirobumi, sinh năm 1841 trong một gia đình võ sĩ đạo thuộc miền Choshu.

Ito Hirobumi cho rằng cách hay nhất để học hỏi Tây Phương là đi qua phương Tây. Với đạo luật bế quan, ra khỏi nước Nhật có thể bị khép tội tử hình. Nhưng Ito, 22 tuổi, và 4 người trẻ khác đã trốn lậu trên một con tầu biển hướng tới Thượng Hải, đó là vào năm 1863. Tới Thượng Hải, Ito xin làm thuyền viên trên một con tầu khác để đi tới London, nước Anh.

Năm 1864, lãnh chúa tỉnh Choshu đã ra lệnh cho các đại pháo trên bờ bắn vào các con tầu ngoại quốc chạy vô các eo biển hẹp giữa hai đảo Honshu và Kyushu. Kết quả là các đại pháo này đã bị các tầu biển tây phương tiêu diệt dễ dàng. Rồi tỉnh Satsuma cũng gặp các kinh nghiệm tương tự. Điều chứng minh rõ ràng này đã khiến cho người Nhật Bản nhận biết sự cần thiết phải xử dụng võ khí và học hỏi kỹ thuật chiến tranh của Tây Phương. Ito Hirobumi được phái tới Nagasaki để lo việc nhập cảng võ khí của nước Anh.

Tháng 9 năm 1866, vị Shogun thứ 14 chết sau 8 năm cầm quyền. Kế tiếp là Shogun thứ 15 và cũng là Tướng quân cuối cùng của giòng họ Tokugawa. Năm 1867, Thiên Hoàng qua đời, kế vị là một hoàng tử 14 tuổi tên là Mutsuhito.

Ngày 3 tháng 1 năm 1868, các đội quân của hai tỉnh Satsuma và Choshu đã chiếm Hoàng Cung Kyoto. Những người lãnh đạo cuộc nổi dậy đã triệu tập một hội đồng hoàng tộc để điều khiển đất nước và hội đồng này gồm những người không muốn tiếp tục chế độ Shogun. Từ tháng 4 năm 1868, Shogun trở thành một trong các lãnh chúa và quyền lực của giòng họ Tokugawa bị chấm dứt sau hai thế kỷ rưỡi.

Hội đồng cai trị Nhật Bản đã tuyên bố rằng Thiên Hoàng cần được phục hồi quyền lực cũ. Vị Vua của triều đại mới này là “Thiên Hoàng Minh Trị“, người đã mở ra một trang sử rực rỡ cho nước Nhật.

3. Xóa bỏ thể chế cũQua đầu thế kỷ 19, người Anh đã thay thế người Bồ Đào Nha và người Hòa Lan làm chủ về thương mại tại các vùng biển châu Á và những nguồn lợi buôn bán của người Anh cũng bắt đầu phát triển rầm rộ tại Trung Hoa. Trong khi đó Hoa Kỳ lại chú ý hơn tới Nhật Bản.

Sau khi Đô Đốc Perry đã bắt Nhật Bản phải mở cửa, hai hải cảng của Nhật được dành cho Hoa Kỳ là Shimoda ở cuối bán đảo gần Edo, nơi có tòa lãnh sự Hoa Kỳ, và Hakodate, trên đảo phía bắc Hokkaido.

Năm 1858, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ đầu tiên là Towsend Harris đã ép Nhật Bản ký một thỏa ước thương mại toàn phần, có hiệu lực từ năm 1860. Nhật Bản cũng phải ký các thỏa ước bất công với người Anh, người Hòa Lan, người Pháp, người Nga và hải cảng Nagasaki phải mở cửa cho tầu thuyền Nga cập bến. Sau đó vào năm 1866 còn có thỏa ước về thuế 5 phần trăm đánh trên hàng hóa nhập cảng vào Nhật Bản. Các thương gia nước ngoài rất chú ý tới hai thành phố mới phát triển là Yokohama, rất gần kinh đô Edo, và Kobe ở phía bờ kia vịnh, đối với Osaka. Binh lính Anh và Pháp cũng đi theo các thương nhân để bảo vệ các cơ sở thương mại và nhân viên khỏi sự đe dọa của các hiệp sĩ Samurai.

Chính sách bế quan tỏa cảng sụp đổ, làm cho nước Nhật rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sự chênh lệch giá vàng tại Nhật Bản so với nước ngoài đã làm cho vàng của Nhật Bản ra đi khỏi nước. Kỹ nghệ dệt cổ truyền cũng bị hàng dệt làm bằng máy móc từ bên ngoài cạnh tranh và phải ngưng trệ. Chính phủ Edo không còn khả năng bảo vệ Nhật Bản, đành phải ký kết nhiều thỏa ước và cúi đầu trước các người Tây Phương. Nước Nhật đang rơi vào con đường bán thuộc địa như Trung Hoa.

Lòng bất mãn và tình trạng xáo trộn tràn lan khắp nước Nhật. Các hiệp sĩ Samurai bất tuân lệnh, tự nhận là “Samurai không chủ”, đã tấn công các người Tây phương, giết chết viên thư ký của Lãnh Sự Hoa Kỳ Harris vào năm 1859 và đốt tòa nhà Lãnh Sự Anh tại Edo vào năm 1863. Ii Naosuke, lãnh chúa chủ trương hòa hoãn với Tây Phương, đã bị các hiệp sĩ Samurai thuộc miền Mito phục kích và giết chết bên ngoài cổng lâu đài tại Edo năm 1860. Quyền cai trị của Edo bị phân hóa.

Bên ngoài, hạm đội Anh bắn phá thủ phủ Kagoshima của miền Satsuma vào năm 1863 để trả thù cho việc một người Anh bị ám sát gần Yokohama năm trước. Vào năm 1864, hạm đội quân các nước đã phá hủy các pháo đài của miền Choshu gần Shimonoseki khi các nơi này đã bắn vào các tầu thuyền nước ngoài.

Với nền tài chính quốc gia bị tê liệt, dân chúng Nhật Bản ngơ ngác theo dõi tình hình chính trị trong nước một cách thụ động trong khi đó, một số võ sĩ trẻ Samurai thuộc miền Tây Nhật Bản đã hợp tác với một nhóm quý tộc chưa từng có kinh nghiệm về chính trị, tìm cách kiểm soát chính quyền trung ương, lật đổ chế độ Tướng Quân. Tháng 4 năm 1868, một hội đồng hoàng gia được thành lập, đã ra một tuyên ngôn gọi là “Hiến Chương Tuyên Thệ” (Charter Oath) hay “Năm Điều Tuyên Thệ” (Five Articles Oath). Các nhà lãnh đạo mới đã nhờ Thiên Hoàng công bố Tuyên Ngôn vào ngày 8 tháng 4 năm 1868 theo đó Tất cả các hủ tục của quá khứ cần phải loại bỏ, nhiều cơ hội được mở ra cho mọi người một cách công bằng, và sự hiểu biết phải được tìm kiếm ở khắp nơi trên Thế Giới.

Dưới danh nghĩa đoàn kết chung quanh Thiên Hoàng, những nhà lãnh đạo mới đã không làm sống lại cơ chế cổ xưa hay các chức tước đã có từ trước, mà cố gắng học hỏi ở các nước phương Tây tiến bộ hơn. Họ đã hủy bỏ kiến trúc phong kiến của xã hội Tokugawa mà theo học các định chế Tây Phương, với loại chính quyền tập trung. Châm ngôn của họ là “Phú Quốc, Cường Binh”, hay một quốc gia giàu có và một quân đội hùng mạnh.

Sau cuộc lật đổ chế độ Tướng quân, các chức vị cao nhất được giao cho những nhà quý tộc danh tiếng và các lãnh chúa đã cộng tác vào cuộc lật đổ chế độ cũ, nhưng thật ra, những vị này chỉ đứng tượng trưng còn những người lãnh đạo thực sự của nước Nhật vào giai đoạn này là các hiệp sĩ Samurai và các nhà quý tộc trẻ trung. Cầm đầu nhóm là nhà quý tộc Iwakura Tomomi, 43 tuổi, là người cao niên nhất, hoạt động cho đến khi qua đời vào năm 1883. Sau đó là các hiệp sĩ Samurai xuất sắc như Kido Takayoshi của miền Choshu, Okubo Toshimichi và Saigo Takamori của miền Satsuma. Những nhân vật này nắm giữ các chức vụ như thứ trưởng, ủy viên (councilors). Theo truyền thống cổ của Nhật Bản, việc lãnh đạo được chỉ huy tập thể, các quyết định quan trọng được bàn thảo và cùng đồng ý. Không một ai trong nhóm tìm cách nắm quyền một cách độc tài, giống như sau các cuộc cách mạng xẩy ra tại các quốc gia khác.

Các nhà lãnh đạo mới đã thuyết phục được các lãnh chúa của các miền Choshu, Satsuma, Tosa và Hizen, tức là những người có công đầu, hoàn trả lại địa phận của họ cho Thiên Hoàng vào ngày 5 tháng 3 năm 1869. Các lãnh chúa khác cũng tự nguyện hoặc bị bắt buộc làm theo, để rồi vào ngày 29 tháng 8 năm 1871, chính quyền mới tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn các lãnh địa, tất cả đất đai tập trung vào một chính quyền trung ương, chỉ định các thống đốc và bồi thường cho các lãnh chúa bằng các công phiếu chỉ có giá trị nếu chính quyền mới tồn tại. Các lãnh chúa cũ đành phải chấp nhận, dùng công phiếu như một nguồn vốn ngân hàng và họ biến dần thành một số nhà kinh doanh giàu có. Giai cấp lãnh chúa bị xóa bỏ, cũng kéo theo giai cấp võ tướng là các hiệp sĩ Samurai. Năm 1876, các Samurai bị từ chối đặc quyền đeo kiếm, tức là biểu hiệu của một giai cấp ân sủng.

Thành phố Edo từ lâu đã là cung thành của giòng họ Tokugawa, là thủ đô chính trị thực sự của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ, nay cũng là bản doanh của chính quyền mới. Mùa thu năm 1868, Edo được đổi tên thành Tokyo hay “Đông Kinh” tức là thủ đô phía đông, và Thiên Hoàng cùng triều đình rời về Tokyo vào mùa xuân năm 1869. Vào lúc này, các nhà cầm quyền mới chỉ có trong tay một chính sách là biểu tượng đoàn kết chính trị chung quanh Thiên Hoàng và xây dựng đất nước bằng danh nghĩa này, mặc dù vào lúc đó, Thiên Hoàng mới chỉ là một hoàng tử 14 tuổi. Năm 1868, niên hiệu của Thiên Hoàng được gọi là “Minh Trị” (Meiji) và nhà Vua này đã ngự trị Nhật Bản cho đến khi qua đời vào năm 1912.

4. Cải tiến theo Tây Phương

Trong vòng 10 năm, chính quyền mới của Nhật Bản đã xóa bỏ được hoàn toàn cơ chế chính trị và xã hội của thể chế Tướng Quân (Shogun), kiểm soát được đất nước, để rồi làm phát triển các định chế chính trị mới, một hệ thống kinh tế mới, một trật tự xã hội mới, cùng với một lực lượng quân sự mới, làm nòng cốt cho việc bành trướng đế quốc sau này.

Các nhà lãnh đạo mới với óc thực tế, đã học hỏi từng phần về các tổ chức chính trị tây phương, cẩn thận thử áp dụng chúng vào xã hội Nhật Bản. Bộ Kinh Tế trở nên nòng cốt của chính quyền vì bộ này quyết định về cách xử dụng các ngân khoản. Hệ thống Ngân Hàng được đặt ra, lúc đầu theo tiêu chuẩn phân quyền như tại Hoa Kỳ, nhưng sau lại theo cách tập quyền của nước Bỉ. Năm 1871, đồng Yen được ấn định là đơn vị tiền tệ thống nhất. Các hệ thống Thuế Vụ cũng được đặt ra vào năm 1873. Thông Tin và Kỹ Nghệ là hai ngành quan trọng. Đường dây điện tín được kéo dài khắp nước và hệ thống Bưu Điện được thiết lập vào năm 1871. Năm sau, có đường xe lửa nối dài thủ đô Tokyo và hải cảng Yokohama cách đó 19 dậm. Chính quyền mới cũng cho xây dựng các kỹ nghệ “kiểu mẫu” tại nhiều nơi, khai thác hầm mỏ, lập ra các xưởng vũ khí để không phải mua của nước ngoài. Kỹ nghệ đóng tầu cũng được bắt đầu với tầm cỡ nhỏ đồng thời với các kỹ nghệ se sợi và dệt lụa, kỹ nghệ làm gạch ngói và làm thủy tinh. Một số kỹ nghệ nhẹ khác cũng bắt đầu hoạt động.

Các thập niên đầu của thời kỳ Minh Trị là thời gian học hỏi Tây Phương, giống như ngàn năm về trước, người Nhật Bản đã học hỏi Văn Hóa và Văn Minh Trung Hoa, nhưng lần này, tiến trình học tập nhanh hơn và có hệ thống hơn. Vài nhà lãnh đạo của chính quyền mới đã từng đi nước ngoài trước năm 1868, nay cũng ra khỏi nước để quan sát và học tập. Từ năm 1871 tới năm 1873, chính lãnh tụ Iwakura đã dẫn một phái đoàn gồm quá nửa các chính khách hàng đầu, thực hiện một chuyến công du, trước tiên tới Hoa Kỳ, rồi sau qua một số nước phương Tây để thuyết phục họ sửa đổi các hiệp ước bất công, đã áp đặt lên chính quyền Tokugawa. Chuyến công du này tuy không thành công nhưng các chính khách Nhật Bản vào thời đó đã thấy tận mắt, nghe tận tai các điều tiến bộ của nước ngoài.

Người Nhật Bản đã không chọn hẳn một quốc gia nào làm khuôn mẫu, mà học lấy những gì hay nhất của từng quốc gia. Các sinh viên, kể cả nữ giới, đã được tuyển chọn cẩn thận căn cứ vào khả năng thực sự rồi được gửi ra nước ngoài, bởi vì Thế Giới là một ngôi trường học bao la. Các du học sinh được phân phối học những gì, học ở đâu, và học làm sao để sau này có thể mang những điều hiểu biết, trở về quê hương, làm thay đổi đời sống tại Nhật Bản. Những nơi du học đều rất hấp dẫn đối với tinh thần ham học của người Nhật: nước Anh về Hải Quân và Hàng Hải Thương Thuyền, nước Pháp về Luật Pháp và Tổ Chức Chính Quyền Địa Phương, nước Đức về Quân Đội và Y Khoa, còn Hoa Kỳ được chú ý về cách khai thác Thương Mại.

Chính quyền mới lúc đầu cũng thuê mướn các chuyên viên tây phương với lương bổng thật cao vì Nhật Bản không phải là nơi hấp dẫn để sinh sống. Từ Hoa Kỳ, hàng trăm nhà truyền giáo đã tới Nhật Bản dạy tiếng Anh miễn phí và cũng phụ trách các phạm vi khác. Các giáo sĩ Tin Lành này đã dựng nên nhiều trường học, nhưng nhân viên của các cơ sở giáo dục cũng như các cơ quan khác đã bị thay thế nhanh chóng bởi các sinh viên được huấn luyện do chính các nhà truyền giáo hay bởi các sinh viên du học trở về. Vì thế, tới cuối thế kỷ 19, không còn chuyên viên ngoại quốc nào tại Nhật Bản, trừ phạm vi giảng dạy ngoại ngữ.

Các sách học và các công trình khảo cứu của Tây Phương cũng được phiên dịch sang tiếng Nhật, đồng thời với các công trình biên khảo của các nhà bác văn người Nhật giỏi về Tây Phương. Nhà biên khảo lừng lanh nhất là Fukuzawa Yukichi, người đã từng qua phương Tây nhiều lần kể từ năm 1860, đã viết rất nhiều sách, chẳng hạn như cuốn “Tình Trạng Tây Phương” (Seiyo Jijo). Chính ông Yukichi cũng đã lập nên một cơ sở giáo dục tư rất uy tín, để sau này trở thành Đại Học Keio lừng danh.

Các nhà lãnh đạo mới của nước Nhật cũng chú ý đến nền giáo dục phổ thông. Bộ Giáo Dục được lập nên vào năm 1871 để quản trị các trường học từ bậc Tiểu Học đến Đại Học. Trong thập niên 1870 và vào các năm đầu của thập niên 1880, toàn thể nước Nhật Bản sôi động trong việc học hỏi các nước Tây Phương và sự kiện này được gọi là “Khai Hóa Văn Minh” (Bummei Kaika). Trong giai đoạn này, tinh thần “Võ Sĩ Đạo” của người Nhật Bản đã được xử dụng đúng cách vào việc xây dựng một quốc gia tân tiến, ngang hàng với các nước phương tây.

Khi chế độ Tướng Quân của giòng họ Tokugawa bị sụp đổ vào năm 1868, các nhà lãnh đạo mới của nước Nhật chỉ là những chính khách non trẻ, chưa từng có kinh nghiệm gì về cách quản trị đất nước. Tuy nhiên, họ lại là những người có đầu óc thực tế, đã áp dụng thử từng phần các cách tổ chức chính trị của Tây Phương vào xã hội Nhật Bản.

Các năm đầu của công trình cải cách đã đòi hỏi rất nhiều ngân quỹ dùng cho những chương trình như thành lập lục quân và hải quân tân tiến, thuê mướn các chuyên viên nước ngoài, gửi các sinh viên đi du học, đặt nền móng cho một chính sách giáo dục quốc gia phổ thông, xây dựng các kỹ nghệ và hầm mỏ mới, đặt các cơ sở truyền thông mới và làm phát triển hòn đảo Hokkaiko…

Về đối ngoại, chính phủ mới phải lo đối phó với các món nợ cũ của chính quyền Tokugawa, còn về đối nội, việc bồi thường cho các lãnh chúa cũ, cho các võ sĩ Samurai bất mãn và sự tốn kém trong việc dẹp cuộc nổi loạn của miền Satsuma vào năm 1877…, tất cả đã làm cho ngân quỹ quốc gia khô cạn. Vào thời kỳ đó, Nhật Bản cũng khó lòng xin được các trợ giúp tài chính và kỹ thuật của các nước ngoài vì dù sao, các món tiền cho vay đều kèm theo lãi xuất rất cao và Nhật Bản thời đó còn là một quốc gia nghèo, chưa có đủ uy tín cần thiết để mượn được tiền. Người Nhật cũng hiểu rõ bản chất “đáng sợ” của các món tiền vay mượn từ các nhà tài phiệt đế quốc. Nhật Bản chỉ còn cách là trông vào chính mình để phục hưng kinh tế.

Một sự việc đã xẩy ra có lợi cho Nhật Bản vào các năm trong thập niên 1860. Thời bấy giờ tại châu Âu có bệnh dịch tầm và nhờ vậy, đã có nhu cầu rất lớn về tơ tầm và trứng tầm, và các miền sản xuất tơ tầm tại miền trung Nhật Bản đã đáp ứng được nhu cầu đó. Các nhà kinh doanh tơ tầm này lại áp dụng nền cơ khí mới vào phương pháp se sợi, cuốn tơ… nhờ thế họ đã sản xuất được những sợi tơ tầm đều hơn, có chất lượng hơn hẳn các nước khác tại châu Á. Nhờ các cải tiến kỹ thuật áp dụng vào kỹ nghệ, Nhật Bản đã giành được thị trường tơ lụa tại Phương Tây và lụa Nhật Bản đã là nguồn xuất cảng lớn nhất cho tới thế kỷ 20. Nhờ tơ lụa, Nhật Bản đã cân bằng mậu dịch với Tây Phương trong khi đó, đã dần dần cải tiến nền kinh tế trong nước.

Tại quốc nội Nhật Bản, tình trạng tài chính của các năm trong thập niên 1870 cũng rất bi đát. Đồng tiền đang trên đà lạm phát nguy hiểm. Tiền xuống giá đã làm lợi cho các nhà nông là những người phải đóng thuế cố định. Do đồng tiền nhỏ đi và nhờ sản phẩm, các nhà nông Nhật đã có dư vốn để đầu tư vào nông nghiệp. Thêm vào đó là sự cải tiến các phương tiện giao thông, việc bãi bỏ các hàng rào phong kiến ngăn cản việc thương mại và sự du nhập các kỹ thuật mới về nông nghiệp… tất cả đã khiến cho nông sản gia tăng rất nhiều trong vài thập niên. Tuy nhiên, sự lạm phát lại làm giảm rất mau nguồn lợi tức của chính phủ do thuế má, khiến cho việc quản trị chính quyền bị lung lay. Các biện pháp tài chính mạnh vì vậy cần phải được áp dụng.

Bộ Trưởng Tài Chính thời bấy giờ là Matsukata Masayoshi, là một trong các nhà lãnh đạo trẻ của miền Satsuma, đã giữ chức vụ trong gần hai thập niên. Matsukata đã áp dụng một chính sách hạn chế khắc khổ. Ông đã cắt giảm các ngân khoản, bán bớt các xí nghiệp của chính phủ và các nhà máy không có tính chiến lược cho tư nhân. Dĩ nhiên các chính sách kinh tế của Matsukata đã bắt người dân Nhật phải chịu đựng nhiều thiếu thốn và thời bấy giờ, chính phủ cũng đủ mạnh để dẹp tan các chống đối.

Một ảnh hưởng do chính sách kể trên là các tài nguyên kỹ nghệ non yểu của nước Nhật lại rơi vào tay một số người có tiền. Những người này đã mua của chính phủ các nhà máy với số vốn rẻ hơn là số tiền mà chính phủ đã bỏ ra để thiết lập. Nhờ xuất vốn thấp, cộng với cách quản trị tư vừa uyển chuyển, vừa cương quyết, các xí nghiệp tư nhân Nhật Bản đã xây dựng được đủ kỹ năng và kinh nghiệm để vượt qua các khó khăn ban đầu trong phương pháp kỹ nghệ hóa. Một thành công cụ thể là ngành tơ sợi trong các năm giữa thập niên 1880. Kế đó là sự thành công của các ngành kỹ nghệ khác.

Vào cuối thế kỷ 19, Nhật Bản đã thành công trong việc kỹ nghệ hóa, tuy nhiên các cải cách của Matsukata lại khiến cho các lợi lộc tài chính của sự phát triển tập trung vào tay của một nhóm nhỏ tư nhân, hay các tay tài phiệt (zaibatsu).

Các nhà kỹ nghệ và doanh nhân mới của thời Minh Trị không phải là con cháu của những nhà thương mại của thời kỳ Tokugawa, vì những người đó đã cố bám víu lấy nền kỹ nghệ cổ truyền hay các phương pháp làm thương mại lỗi thời. Một trường hợp ngoại lệ là gia đình Mitsui, thiết lập từ thế kỷ 17, đã trở nên một thành phần quan trọng nhất trong nền kinh tế mới. Các doanh gia mới phần lớn có nguồn gốc bình thường, song lại là những người mạo hiểm có tài, biết nắm lấy các cơ hội vàng son của một thời kỳ thay đổi nhanh chóng. Shibusawa Eiichi thuộc một gia đình nông dân miền Edo biết làm thương mại, trở nên giàu có và đạt được giai cấp Samurai vào năm gần tàn của chế độ Tướng Quân. Eiichi rời chính quyền mới vào đầu thập niên 1870 để trở nên một nhân vật hàng đầu trong ngành kỹ nghệ tơ sợi, ngành ngân hàng và trong một số các ngành chuyên môn khác.

Các doanh gia thành công khác phần lớn cũng thuộc giai cấp Samurai, có học thức, có liên quan chặt chẽ với các bạn bè trong chính quyền, và một số cũng đã có kinh nghiệm kinh doanh cho các lãnh chúa, nhờ vậy họ đã là những người dấn thân đầu tiên vào thương trường. Đây là trường hợp của ông Iwasaki Yataro thuộc miền Tosa. Ông này khởi đầu bằng xưởng đóng tầu và đã xây dựng nên Hãng Mitsubitshi, là đại công ty chỉ đứng thứ nhì sau Hãng Mitsui.

Như vậy tới giữa thập niên 1880, Nhật Bản đã thành công trong việc chuyển tiếp từ một chế độ phong kiến sang thành một quốc gia tân tiến. Trong nước đã có một nền chính trị ổn định với nền kinh tế đủ mạnh để cạnh tranh với các nước ngoài, chẳng hạn như về ngành tơ sợi. Đối ngoại, Nhật Bản đủ mạnh để không bị các quốc gia khác lấn át.

Không phải là dễ dàng khi cắt nghĩa sự thành công của tiến trình phục hưng thời Minh Trị. Có nhiều nguyên do bổ túc cho nhau và có những đặc thù về dân tộc, về địa lý, về văn hóa… tất cả đã khiến cho sự phục hưng đất nước được tiến hành mau chóng.

Nhật Bản là một quốc gia hải đảo, ở xa các quốc gia khác, không bị các cuộc ngoại xâm nên dân tộc Nhật sống biệt lập và thuần chủng. Họ không có các nhóm dân thiểu số quan trọng và sau hơn hai thế kỷ sống dưới chế độ Tướng Quân áp chế, cô lập và bế quan, người Nhật không có các chia rẽ tôn giáo, một điều tai hại cho việc đoàn kết quốc gia tại các nước đang phát triển. Hơn nữa, người Nhật vốn có một tinh thần quốc gia rất cao, không một người dân nào lại có ý tưởng muốn nhờ vả một lực lượng nước ngoài để chống lại đồng bào của mình.

Tinh thần quốc gia của người Nhật đã xuất hiện rất sớm, có lẽ từ thời vay mượn nền văn minh Trung Hoa. Vào thế kỷ thứ 7, Nhật Bản còn là một xứ sở nhỏ, lạc hậu so với nước Trung Hoa rất lớn, lại có một nền văn minh rất cao. Do mặc cảm thấp kém, người Nhật đã học hỏi Trung Hoa nhưng họ đã không dập đúng theo khuôn mẫu đi mượn mà biến cải, sao cho thích hợp với xứ sở của họ. Do không bị ngoại xâm, Nhật Bản hoàn toàn có hòa bình và trật tự xã hội, nhờ thế người Nhật đã làm phát triển được một nền kinh tế quốc gia tự cường, một nền học vấn khá cao so với các nước khác thời bấy giờ, cũng như đạt được các tiêu chuẩn cao về tính hữu hiệu chính trị. Do nền nông nghiệp, người Nhật đã có từ lâu tinh thần tập thể, biết phối hợp và cộng tác với nhau trong các việc công ích, biết sống hài hòa với nhau, không có các hành động hung dữ mỗi khi xẩy ra các biến cố lớn như trong hai thập niên 1860 và 1870. Giống như các dân tộc khác tại miền Đông và miền Đông Nam châu Á, người Nhật chăm chỉ làm việc và ham chuộng giáo dục. Họ lại có khiếu thẩm mỹ đặc biệt, biết yêu thiên nhiên và đưa thiên nhiên vào trong cuộc sống.

Qua đầu thế kỷ 19, các giai tầng xã hội của Nhật Bản cùng gặp các trắc trở. Các giới lãnh chúa, quý tộc, võ sĩ Samurai dần dần trở nên mắc nợ nhiều hơn, và chủ nợ là giới thương nhân trước khia bị coi là thấp hèn. Giới nông dân cũng trở nên giàu có nhờ sản xuất. Hai giới này đã được hưởng quyền tự trị tại làng xã và thành thị, vì thế đã trở nên các doanh gia có thế lực. Sự không ổn định về các giai tầng xã hội đã dẫn đến đòi hỏi phải thay đổi và những người tạo nên cuộc thay đổi chính là các hiệp sĩ Samurai đầy tham vọng, có tinh thần quốc gia, không chịu khuất phục trước sự đô hộ của người nước ngoài.

Vào thời bấy giờ, các nhà lãnh đạo Nhật đã không đi tìm các tư tưởng ngoại lai của Phương Tây như chế độ dân chủ, chế độ cộng hòa… vì chính các nhà lãnh đạo cũng chẳng hiểu rõ tường tận về những lý thuyết này. Họ đã khôn ngoan quay về với sự “phục hưng” một nền quân chủ đã có từ lâu đời và là biểu tượng của dân tộc, một điều rất dễ hiểu và rất hấp dẫn đối với mọi người dân Nhật.

Sự thành công của thời kỳ Minh Trị Phục Hưng còn do tính thực dụng của các nhà lãnh đạo trẻ, họ đã tiến chậm chạp, bỏ ngay những khởi đầu sai lầm, thử nghiệm các điều học hỏi mới và coi kỹ xem các cải cách có thích hợp với xã hội và dân tộc của họ không. Các nhà lãnh đạo trẻ đã có hoàn toàn tự do, làm việc theo một trình tự hợp lý, tập trung trước tiên vào các công tác căn bản, và để về sau các công việc khó khăn hơn và không cần thiết lúc bấy giờ. Họ đã thiết lập nền trật tự xã hội và luật pháp, làm phát triển giao thông, đặt cơ sở cho nền giáo dục tiểu học trước khi nghĩ tới bậc đại học, nuôi dưỡng phát triển nông nghiệp để người dân có đủ lúa gạo, nâng đỡ các kỹ nghệ đơn giản trước khi bước vào giai đoạn kỹ nghệ hóa đất nước.

Các nhà lãnh đạo trẻ Nhật Bản đã ước muốn làm ổn định đất nước trước khi mong muốn Nhật Bản đóng một vai trò quốc tế và vì thế, Nhật Bản đã đạt được phương pháp tổ chức một xã hội tân tiến, có được một nền kinh tế phát triển. Thời kỳ “Minh Trị Phục Hưng” đáng được coi là một bước đường lịch sử xuất sắc và độc đáo của Nhật Bản.

Theo KHAI SÁNG

 

Trả lời