Burakumin: Những người bị xua đuổi trong xã hội Nhật Bản

Đăng ngày 28/10/2015 bởi iSenpai

Trong xã hội Nhật tồn tại một sự phân biệt giai cấp đối với tầng lớp Burakumin, cộng đồng của những người làm công việc bị cho là không “trong sạch”.

Trên chiếc bàn trong góc căn phòng cổ tại chợ thịt Shibaura, Tokyo, hàng trăm bức thư với những lời nguyền rủa, miệt thị đang rải kín mặt bàn. Những bức thư này nhằm vào lớp người đang có mặt trong đó, thành phần được gọi là Burakumin, hay có thể hiểu là “thành phần cặn bã” bị xã hội Nhật xa lánh, cách ly.

Không giống như Dalit, lớp người dưới đáy xã hội Ấn Độ bị cách li vì xuất thân thấp hèn, những người thuộc cộng đồng Burakumin này bị tẩy chay do công việc mà họ đang làm. Nghề đồ tể, nghề mai táng hoặc nghề thuộc da được coi là những ngành nghề “dơ bẩn” và phải chịu sự khinh bỉ, xa lánh từ cách đây rất lâu rồi. Tuy nhiên, sự phân biệt ấy vẫn còn hiện hữu khá rõ trong xã hội xứ sở hoa anh đào cho đến tận ngày nay. Không cần biết kể cả đó có là những kẻ đứng sau từng thớ thịt bò Kobe mang lại danh tiếng cho Nhật Bản, họ vẫn bị đối xử như những tên hạ cấp, tội phạm, chẳng ai thèm đoái hoài, chẳng ai thèm quan hệ.
Những người làm nghề liên quan đến cái chết rất bị kì thị tại Nhật Bản.
“Khi người ta hỏi chúng tôi rằng công việc của chúng tôi là gì, chẳng ai dám trả lời cả. Đó là vì chúng tôi không muốn gia đình mình bị tổn thương, con cái bị bạn bè kì thị. Nếu chỉ là chúng tôi không thôi, sẽ rất dễ dàng để đáp trả lại, nhưng còn con trẻ, chúng nào đâu có sức mạnh để chống lại lời nói gây tổn thương?”, Yuki Miyazaki, một thợ giết mổ chia sẻ.
Tên gọi Burakumin nghĩa là “bọn nhà quê”, có nguồn gốc từ thời phong kiến. Cái tên mang tính miệt thị này nhằm để chỉ nhóm cộng đồng lao động chân tay làm các ngành nghề bị coi là không trong sạch, liên quan đến chết chóc như đao phủ, thợ giết mổ động vật, người hàng thịt và nhân viên mai táng. Những người này được coi là tầng lớp dưới đáy xã hội, gọi chung là Eta. Người thuộc tầng lớp Eta sẽ bị các Samurai toàn quyền giết chết nếu chẳng may phạm tội nào đó. Trong thế kỷ 19, người ta cho rằng một Eta chỉ có giá trị bằng 1/7 người bình thường. Thậm chí đến ngày hôm nay cụm từ mang tính miệt thị nặng nề này vẫn được sử dụng đâu đó, ví dụ như người ta nói về động vật bị giết thị là “chúng bị giết bởi bọn Eta”.
_86289349_img_7658-eb56f
Một trong hàng trăm bức thư miệt thị gửi tới những người thuộc tầng lớp Burakumin.
Trong những năm 1970, một nhóm những người ủng hộ sự bình đẳng của cộng đồng Burakumin đã phát hiện ra một danh sách dày 330 trang ghi chi chít tên tuổi, địa chỉ và thông tin cá nhân của các Buraku được bán cho các chủ doanh nghiệp tuyển dụng. Rất nhiều công ty lớn tại Nhật Bản được biết đã sử dụng danh sách này để “cạch mặt” các ứng viên dự tuyển có trong danh sách. Cao trào nhất là vào năm 2009, Google Earth đã đánh dấu một khu vực giữa Tokyo và Osaka xác định vị trí ngôi làng nơi các Buraku từng sinh sống trong thời phong kiến. Hậu quả là người ta vin vào khu vực này để truy tìm tung tích người có gia cảnh liên quan đến ngôi làng “dơ bẩn”.
Kết quả của một điều tra trong năm 1993 cho thấy có khoảng 1 triệu Buraku sống ở 4.000 cộng đồng trên khắp quốc gia. Liên minh giải phóng Burakumin, một tổ chức giành quyền bình đằng cho cộng đồng Buraku được thành lập vào năm 1955 cho biết thực chất số người “dưới đáy xã hội” là 3 triệu người, chia làm 6.000 cộng đồng khác nhau. Có nghĩa là khoảng 2 triệu người đã và đang che giấu thân phận của mình mỗi ngày để cố hòa nhập vào xã hội Nhật Bản hà khắc.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, kết quả từ cuộc điều tra năm trước cho thấy chỉ có 1 người trong số 10 người được hỏi cho rằng mình sẽ không đồng ý cho con cái cưới người có xuất thân từ cộng đồng Burakumin, trong khi một nửa số người được hỏi nói họ chẳng thấy phiền với các Buraku. Lý do họ đưa ra là cộng đồng này thường dính dáng đến các tổ chức yakuza hoặc xã hội đen. Thực chất nguyên nhân sâu xa cũng là vì Burakumin bị đối xử khắc nghiệt quá, họ cần một sự bảo vệ đến từ tầng lớp mạnh mẽ hơn, họ muốn có một nơi chào đón họ khi tất cả những cánh cửa khác đã đóng sập ngay trước mắt.
_86289355_mob-eb56f (1)
Cộng đồng Burakumin thường có dính dáng đến xã hội đen.
Kể từ thập niên 60 của thế kỷ trước, chính phủ Nhật đã ban hành nhiều giải pháp nỗ lực xóa nhòa khoảng cách giữa cộng đồng Burakumin và xã hội Nhật Bản. Nhiều quỹ đã được lập để trợ giúp cải thiện nơi ở, cuộc sống của “tầng lớp dưới đáy xã hội”, song song với đó là tư tưởng người dân cũng đã thoáng hơn, đã có những người liên lạc với các Buraku để thông tin về những kẻ có mưu đồ hãm hại họ. Và cũng trên chiếc bàn trong góc phòng ấy, bên cạnh đống thư thù ghét là một số bức thư cảm ơn từ nhóm học sinh tiểu học vừa ghé qua khu chợ. Nhóm học sinh tỏ ra biết ơn vì những gì chúng học được về cách ngành công nghiệp thịt vận hành, thịt chúng ăn từ đâu mà có, đó là ai mang cho chúng thực phẩm mỗi ngày. Có lẽ, trong thời gian tới, sự phân biệt giai cấp từ thời phong kiến này sẽ sớm phai nhạt dần đi.

Theo Lương Hồng Phúc / Trí Thức Trẻ

One thought on “Burakumin: Những người bị xua đuổi trong xã hội Nhật Bản

  1. Nhưng nếu những người bị cho là “thành phần cặn bã của xã hội” này biến mất thì chắc khối người phải khóc lóc van xin họ trở lại đấy. Không thể nào hiểu nổi cái tư tưởng của những người mỗi ngày ra siêu thị mua thịt về nấu, ăn xong lại phỉ báng người đã giúp họ có được đồ ăn mà không phải đụng tay chân vào những việc dễ sợ như giết mổ. Thà là chỉ nói miệng thôi đi, lại còn viết cả thư miệt thị nữa, bộ rảnh rỗi tới mức đó sao? Cứ nghĩ một ngày phải tự giết mổ heo, bò lấy thịt hay phải tự tay lo công việc mai táng trong nhà thì mình nghĩ những người trên cần được biết ơn hơn là bị hắt hủi. Mà ngay cả khi họ muốn thay đổi nghề nghiệp cũng không cho người ta cơ hội nữa, bắt nạt nhau cả trong cuộc sống sao?

Trả lời