Cho đến tận ngày nay, hậu duệ của những người thuộc tầng lớp burakumin vẫn bị phân biệt đối xử. Burakumin là tầng lớp bị coi là “dưới đáy xã hội” ở nước Nhật xưa bao gồm những người làm những công việc bị ghẻ lạnh như mai táng, đồ tể, thu gom rác,…
Risa Kumamoto, 48 tuổi, hiện đã là một giảng viên đại học ở Osaka trong lĩnh vực nhân quyền và xã hội học vốn được sinh ra trong một gia đình burakumin. Địa vị hiện tại của bà không xóa hết được ký ức về một tuổi thơ bị hắt hủi đầy ám ảnh. “Hồi nhỏ tôi luôn cảm thấy xấu hổ vì xuất thân của mình. Tôi sống trong một căn nhà tồi tàn, ngượng ngùng vì bà tôi không biết đọc và tôi chỉ muốn trốn chạy khỏi thế giới đó.”
Sự ghẻ lạnh dành cho những người thuộc tầng lớp burakumin đã hình thành từ thời xa xưa khi thuật ngữ này được dùng để chỉ những người làm các công việc bị coi là “bẩn thỉu, dơ dáy” và sống trong các khu ổ chuột. Họ phải ăn mặc và để tóc theo quy định riêng để phân biệt với những người bình thường và các giai cấp quý tộc khác ở Nhật.
Sau nhiều thế kỷ, những quy định bất công này đã bị dỡ bỏ nhưng định kiến xã hội thì vẫn còn tồn đọng. Theo dữ liệu từ chính phủ năm 1993, có tới hơn 4400 cộng đồng burakumin còn tồn tại ở Nhật với khoảng 900 nghìn người. Con số thực tế có thể lơn hơn gấp 3 lần theo Liên đoàn giải phóng Buraku (BLL).
Giáo sư Kumamoto kể lại ký ức ở tuổi hoa niên của mình khi bà không dám mời bạn bè về nhà chơi. Trên đường đi học về bà thường xuống ở một bến xe bus xa nơi mình sống rồi đi bộ một quãng dài để về nhà vì sợ bị cười chê và không muốn bạn bè biết gia đình mình là burakumin.
Cha mẹ bà đã ly hôn từ khi bà 6 tuổi vì những định kiến xã hội. Rào cản tới từ việc mẹ bà sinh ra trong một gia đình burakumin ở Fukuoka còn cha bà là một người bình thường. Hôn nhân của họ gặp nhiều trắc trở vì nguồn gốc xuất thân rồi đổ vỡ. Khi Kumamoto đi học đại học, bà đã có người yêu song đối phương khuyên bà nên giữ bí mật về xuất thân của mình.
Một người xuất thân từ burakumin thành đạt khác là Taro Murasaki cũng có những trải nghiệm tương tự. Sau khi nối nghiệp cha làm nghề huấn luyện khỉ thì ông bị những người xung quanh ghẻ lạnh vì nghề nghiệp bị coi là thấp kém. Akiyuki Kataoka, phó chủ tịch của BLL nói rằng còn nhiều burakumin ở Nhật đã phải chọn việc che giấu danh tính thật và nguồn gốc xuất thân với con gái, hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè vì sợ bị kỳ thị.
Nhật Bản đã thi hành nhiều chính sách để hỗ trợ cộng đồng burakumin để giúp họ có được cuộc sống tốt hơn. Năm 1969, một luật đặc biệt được thông qua để hỗ trợ nhà ở công, cơ sở y tế, giáo dục cộng đồng cũng như học bổng dành riêng cho tầng lớp burakumin, những người vốn bị bỏ bê việc học hành, khó tìm việc làm và không có nhiều điều kiện tiếp cận các nguồn phúc lợi.
Giáo sư Kumamoto đã đi du học Canada vào thập niên 1990, ở đây bà nghiệm ra được nhiều điều từ những phong trào đấu tranh của các cộng đồng thiểu số như người nhập cư hay những người LGBT. Bạn hiểu ra xuất thân của mình không phải một điều đáng xấu hổ. Bà quyết định bản thân mình phải đối mặt với tình trạng kỳ thị thay vì chạy trốn danh tính của mình.
Tuy nhiên việc đấu tranh chống lại sự kỳ thị cộng đồng burakumin của giáo sư Kumamoto hay BLL vẫn còn nhiều thử thách do sự phân biệt từ xã hội Nhật vẫn còn nặng nề. Theo một cuộc khảo sát chính phủ Nhật thực hiện năm 2017, chỉ có khoảng 12% người Nhật tin rằng sự kỳ thị với burakumin đã kết thúc. Hơn 40% cho biết họ thường xuyên nhận thấy sự kỳ thị dành cho người burakumin xuất hiện trong hôn nhân. Ở Tokyo, có tới 26.6% người được chính quyền khảo sát cho biết họ sẽ phản đối con cái hay người thân với những người tới từ các gia đình burakumin.
Nhà lập pháp Tsuyoshi Yamaguchi tới từ đảng Dân chủ tự do cầm quyền cho biết dù đã có đạo luật ngăn cản sự phân biệt đối xử với những người thuộc tầng lớp burakumin nhưng các biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe và chính phủ sẽ cần nhiều chính sách hiệu quả hơn.
Khảo sát do chính phủ Nhật Bản thực hiện năm 2017 cho thấy chỉ 11,8% công dân tin rằng sự ghẻ lạnh với những người burakumin đã chấm dứt. Song, 40,1% người tham gia khảo sát cho biết họ thường chứng kiến tình trạng kỳ thị xảy ra trong hôn nhân và 23,5% ở thị trường lao động.
Theo Strait Times, Wikipedia, VnExpress